Trong khuôn khổ khóa họp 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ủy ban 3 về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa nhóm họp từ ngày 1/10 đến ngày 21/11 để thảo luận toàn diện các nội dung liên quan đến quyền con người như phát triển xã hội, tiến bộ phụ nữ, quyền trẻ em và quyền của người cao tuổi.
Dự kiến, Ủy ban 3 sẽ xem xét khoảng 60 nghị quyết trong các lĩnh vực này.
Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc |
Ủy ban 3 cũng đối thoại với chủ tịch các cơ quan công ước về quyền con người, các báo cáo viên đặc biệt về các vấn đề di cư, nhà ở, nước sạch, môi trường sống, chống tra tấn, xóa bỏ bạo lực trẻ em, chống phân biệt đối xử với phụ nữ, thúc đẩy và bảo đảm quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và dự kiến xem xét khoảng 60 nghị quyết trong các lĩnh vực này.
Tại các phiên thảo luận, các nước khẳng định thúc đẩy và bảo đảm quyền con người luôn là ưu tiên hàng đầu, chia sẻ các nỗ lực trong việc phê chuẩn và thực hiện nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ quốc tế theo các công ước về quyền con người cũng như trong tăng cường hệ thống luật pháp quốc gia, xây dựng các kế hoạch và chương trình triển khai cụ thể theo từng giai đoạn.
Nhấn mạnh tính bổ trợ giữa Tuyên bố Vienna và Chương trình Hành động với Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, các nước đã kêu gọi cách tiếp cận toàn diện và tổng thể trong triển khai hai văn kiện quan trọng này.
Bên cạnh đó, một số nước đã chia sẻ quan ngại về sự xuất hiện và gia tăng của không ít thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thụ hưởng quyền con người. Các nước cũng bày tỏ tin tưởng rằng, trong thế giới ngày càng đan xen và kết nối như hiện nay, đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau là nhân tố thiết yếu để có được các giải pháp hữu hiệu, bảo đảm thành công của các mục tiêu về quyền con người.
Không chỉ vậy, nhiều nước còn nhấn mạnh sự tham gia và đóng góp của các chủ thể khác như các tổ chức phi chính phủ, tư nhân, nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc dẫn đầu, đã tham gia tích cực tại các phiên thảo luận về phát triển xã hội, tiến bộ phụ nữ, quyền trẻ em, đấu tranh chống ma túy và tội phạm.
Phát biểu tại phiên thảo luận chung, theo Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh thế giới đang trải qua những thay đổi to lớn, trong đó có những thay đổi tích cực và những thay đổi tiêu cực, đòi hỏi cộng đồng quốc tế gách vác trách nhiệm to lớn hơn nữa trên tinh thần đoàn kết và thống nhất. Đại sứ kêu gọi các nước thúc đẩy đối thoại thay vì đối đầu, tham vấn thay vì áp đặt, cùng chung tay thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.
Chia sẻ về các nỗ lực của Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết tại chu kỳ 3 của Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, trong số 291 khuyến nghị nhận được, Việt Nam đã chấp nhận 241 khuyến nghị (tương đương gần 83%) trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ củng cố hệ thống luật pháp, tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa đến thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc.
Trong năm 2019, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, tham gia Cam kết tự nguyện toàn cầu về quyền trẻ em và Tuyên bố trường học an toàn.
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam, một nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, luôn dành nỗ lực cao nhất cho việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương và theo đó, từ năm 2014, tại Hội đồng nhân quyền, Việt Nam, cùng với Bangladesh và Philipines, là đồng tác giả Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người với các trọng tâm về trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật.
Hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn. Liên hợp quốc chúng ta cần”, Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng quyết tâm cam kết nâng cao vai trò và năng lực của Liên hợp quốc để đáp ứng nguyện vọng của người dân và hiện thực hóa cam kết về xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Trần Hằng