- Việt Nam đang xuất khẩu được 4 loại vắc xin đi 4 nước và phấn đấu xuất khẩu tất cả các loại vắc xin sản xuất được.

Đây là thông tin được TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí nhân sự kiện hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế (NRA).

Với chứng chỉ NRA, đồng nghĩa các vắc xin sản xuất tại Việt Nam có đủ điều kiện để tiền thẩm định trước khi xuất khẩu.

Theo ông Cường, để đạt được chứng chỉ NRA, Việt Nam đã mất 14 năm chuẩn bị với 2 năm tăng tốc. Trong hơn 1 năm qua, Bộ Y tế đã mời 30 chuyên gia của WHO và các tổ chức quốc tế đến Việt Nam hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin nhằm đạt tiêu chuẩn quan trọng này.

{keywords}
Dây chuyền sản xuất vắc xin của Việt Nam chưa làm việc hết công suất. Vắc xin sản xuất ra chủ yếu được dùng trong tiêm chủng miễn phí

Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 4 loại vắc xin sang 4 quốc gia, bao gồm: Vắc xin sởi sang Malaysia, vắc xin ngừa viêm gan B sang Hàn Quốc, vắc xin tả sang Đông Timor và vắc xin ngừa viêm gan C sang Phillipines.

"Vắc xin Việt Nam sản xuất có thế mạnh về giá nên khả năng cạnh tranh rất lớn, nhiều loại vắc xin giá chỉ bằng 1/3 giá nhập khẩu", ông Cường dẫn chứng.

Tuy nhiên hiện dây chuyền vắc xin của Việt Nam vẫn chưa làm việc hết công suất, như vắc xin viêm gan B mới đạt 30% công suất; ho gà, uốn ván dưới 50%...

Để phát triển ngành công nghiệp vắc xin, thời gian tới, thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa với khoảng 1,7 triệu trẻ em mới sinh hàng năm, Bộ Y tế sẽ mở rộng xuất khẩu sang các nước châu Á, tiến đến mục tiêu xuất khẩu toàn bộ 10 loại vắc xin Việt Nam đang sản xuất.

Bộ Y tế cũng sẽ quy hoạch 4 công ty vắc xin thành một để tập trung sản xuất chuyên môn hóa, tránh chồng chéo.

Theo lộ trình, giá vắc xin cũng sẽ được tính đúng, tính đủ các chi phí. Hiện nay, vắc xin chủ yếu dùng trong chương trình tiêm chủng miễn phí, do nhà nước đặt hàng và định giá, có loại vắc xin phải chịu lỗ dưới giá thành, còn lại chỉ đủ sản xuất, không có tái đầu tư tích lũy.

Khi được hỏi người dân vẫn có tâm lý e ngại với chất lượng vắc xin trong nước, Cục trưởng Cục Quản lý Dược thừa nhận có tình trạng trên bởi tâm lý thích hàng ngoại đã ăn sâu vào tiềm thức. Ông tin tưởng tâm lý này sẽ dần thay đổi, khi chất lượng vắc xin Việt Nam sản xuất ngày càng được cải tiến.

Thúy Hạnh