Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút 15,6 triệu lượt khách nội địa, 150.000 lượt khách quốc tế

Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng yếu của Vĩnh Phúc, góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm và doanh thu cho địa phương. Vĩnh Phúc có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều di tích, danh thắng cấp tỉnh và Quốc gia.

Vĩnh Phúc có tới hơn 1.300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang. 

W-dulich.png
Vĩnh Phúc có tới hơn 1.300 di tích lịch sử, văn hóa.

Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là một thế mạnh lớn của Vĩnh Phúc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tam Đảo là Khu du lịch Quốc gia. Thị trấn Tam Đảo được nhận giải thưởng “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022, hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt top 5 - sân golf được yêu thích nhất năm 2022...

Với tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, Vĩnh Phúc được đánh giá có nhiều lợi thế để khai thác các loại hình du lịch văn hoá lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp – nông thôn - tham quan – nghỉ dưỡng – hội nghị.

Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút 15,6 triệu lượt khách nội địa, 150.000 lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 479 triệu USD, giải quyết việc làm hơn 25.000 lao động. Qua đó, đưa dịch vụ - du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch.

Phê duyệt làng văn hóa trọng điểm kiểu mẫu

Để tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của du lịch tỉnh nhà, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành các Chương trình hành động, định hướng và đưa ra biện pháp để kiến tạo một môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và phát triển bền vững.

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị đối với các di tích lịch sử tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp, lập danh mục đề nghị xếp hạng di tích và ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 18 di tích và 06 di sản văn hóa phi vật thể; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình phê duyệt 02 quy hoạch di tích (Tháp Bình Sơn, Đình Thổ Tang); chỉ đạo cơ quan chuyên môn thẩm định 02 nhiệm vụ quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo và di tích quốc gia Chiến khu Ngọc Thanh và tiếp tục hỗ trợ đầu tư tu bổ 20 di tích theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và thực hiện công tác chống xuống cấp 15 di tích theo Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh…

Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành du lịch nhằm đảm bảo sự phát triển song song giữa việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn và việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hoá cũng như bảo vệ tài nguyên và môi trường, Vĩnh Phúc đã phê duyệt 29 làng văn hóa trọng điểm kiểu mẫu. Đến nay đã có 11 đơn vị hoàn thành đạt từ 10 tiêu chí trở lên (chiếm 39,3%); 16 đơn vị hoàn thành đạt từ 07- dưới 10 tiêu chí (chiếm 57,1%); 01 đơn vị hoàn thành đạt dưới 07 tiêu chí (chiếm 3,6%).

Việc mỗi một mô hình làng văn hóa kiểu mẫu sẽ cung cấp các dịch vụ du lịch khép kín với những đặc sắc riêng của địa phương đó, biến đây thành đầu mối thu hút khách du lịch. Không chỉ dừng lại ở đó, từ các làng văn hóa kiểu mẫu sẽ hình thành các thiết chế văn hóa – thể thao, sinh hoạt cộng đồng làng xã nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; cải thiện môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước.

Thanh Sơn