4 bước làm sổ đỏ lần đầu
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT bao gồm:
(1) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;
(2) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
(3) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
(4) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
Bước 2:
Cá nhân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất cấp huyện.
Bước 3:
Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận vào sổ tiếp nhận hồ sơ, ký vào đơn nơi "Người tiếp nhận hồ sơ", đồng thời tiến hành viết biên nhận hẹn ngày nhận thông báo thuế.
Bước 4:
Đến ngày hẹn nhận thông báo thuế, công dân mang biên nhận đến nhận thông báo thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có). Sau đó, nộp biên lai thuế cho bộ phận tiếp nhận. Bộ phận tiếp nhận hẹn ngày nhận sổ đỏ.
Nghĩa vụ tài chính mà người đăng ký cấp sổ đỏ phải nộp là lệ phí trước bạ, lệ phí cấp sổ đỏ và các loại phí khác.
Chi phí làm sổ đỏ lần đầu
Theo quy định tại Thông tư 02/2014/TT-BTC về lệ phí địa chính gồm:
1. Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính: Căn cứ vào các bước công việc, yêu cầu công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và tùy thuộc vào vị trí, diện tích đất được giao, được thuê hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng lớn hay nhỏ của từng dự án, nhưng mức thu phí đo đạc, lập bản đồ địa chính tối đa không quá 1.500 đồng/m2.
2. Phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất: Tùy thuộc vào diện tích đất cấp quyền sử dụng, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ cấp quyền sử dụng đất và các điều kiện cụ thể của địa phương mức thu cao nhất không quá 7.500.000 đồng/hồ sơ.
3. Lệ phí địa chính: Mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy đối với cấp mới;
Về lệ phí trước bạ: Theo Điều 6, điều 7 Nghị định 140/2016/NĐ-CP: mức thu lệ phí trước bạ đối với nhà, đất là 0,5%
Như vậy, người sử dụng đất cần nộp đủ hồ sơ cấp sổ đỏ, đóng đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo lịch giấy hẹn, bạn mang phiếu hẹn đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nhận kết quả.
Thời gian thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ không quá 30 ngày được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Theo Người đô thị
Thủ tục thu hồi sổ đỏ mới nhất
Sổ đỏ sẽ bị thu hồi khi được cấp không đúng quy định. Vậy thủ tục thu hồi sổ đỏ sẽ được thực hiện thế nào?