Bạc mặt gánh lãi
Ban đại diện khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng cho biết, thời gian vừa qua nhiều chủ sở hữu đã có đơn kêu cứu gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bày tỏ mong muốn NHNN xem xét, hỗ trợ về tình trạng nợ xấu, có thể dẫn đến mất nhà trong khoản vay đối với ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tại dự án này.
Nêu tại đơn kêu cứu, khách hàng trình bày, theo hợp đồng mua bán với Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) – chủ đầu tư dự án khu mua căn hộ ở đây khách hàng sẽ được nhận thu nhập cam kết cho thuê căn hộ cho 8 năm với mức chi trả từ 12% - 12,5/% giá trị căn hộ /năm mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh.
Khách hàng căng băng rôn tại hội sở chính ngân hàng SHB (77 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) đòi quyền lợi (tháng 5/2020). |
Bên cạnh đó, người mua nhà sẽ được ngân hàng SHB cho vay vốn đến 70% giá trị căn hộ và thế chấp bằng chính căn hộ hình thành trong tương lai, mà không phải chứng minh tài chính, nguồn tiền trả lãi và gốc được lấy từ thu nhập do Công ty Thành Đô chi trả. SHB đã tiến hành thẩm định pháp lý và tài chính của dự án và là ngân hàng độc quyền duy nhất cho vay cả chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án này. Do đó theo quy định của Luật Tín dụng thì SHB quản lý toàn bộ luồng tiền thu chi cũng như tất cả các tài sản thế chấp của chủ đầu tư và chủ sở hữu tại dự án. Đồng thời SHB cũng là ngân hàng bảo lãnh tiến độ xây dựng cho dự án theo quy định của Luật Kinh doanh Bất Động sản.
Ngoài ra, với cam kết 3 bên ký giữa SHB, Thành Đô và người vay vốn mua nhà trong đó quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện của mỗi bên thì các chủ sở hữu cho rằng quyền lợi của họ sẽ được SHB giám sát và đảm bảo.
“Với những căn cứ như trên và niềm tin vào uy tín của ngân hàng SHB, rất nhiều chủ sở hữu sau khi cân nhắc về khả năng trả nợ từ nguồn thu nhập cam kết được SHB thẩm định, đã mạnh dạn đầu tư vào dự án bằng vốn tự có 40% và vay SHB 55% để nộp đủ 95% giá trị căn hộ. Họ đã chấp nhận mua với giá cao hơn rất nhiều so giá thị trường tại thời điểm đó” - thành viên ban đại diện cho hay.
Tuy nhiên, khi dự án “vỡ trận” Công ty Thành Đô thông báo dừng trả thu nhập cam kết, nhiều khách hàng phải trầy trật với khoản lãi vay ngân hàng. Điều khiến khách hàng bức xúc là trong suốt thời gian vay vốn vừa qua, lãi suất cho vay của SHB với khoản vay liên tục tăng cho đến tận ngày 20/3/2020 thì SHB mới thông báo giảm 0.2%/năm. Mới đây nhất, ngày 3/6 ngân hàng SHB có thông báo miễn lãi quá hạn đối với các khoản vay mua nhà tại dự án.
Trường hợp của chị Ng.K.Phương đã vay SHB 65% để mua căn hộ thời gian qua chịu lãi suất 13%/năm. Chị Phương cho biết, mỗi kỳ chị nhận được 70 triệu cam kết thu nhập thì phải trả hơn 50 triệu tiền lãi.
“Tiền vốn ì ạch mãi mới trả được một ít và hiện chỉ có nguồn thu nhập cam kết từ chủ đầu tư là nguồn trả nợ. Nhà thì đã quá hạn bàn giao gần 2 năm, nay lại mất luôn thu nhập cam kết. Cứ đến kỳ ngân hàng báo lãi đến hạn là tôi thấp thỏm mất ăn mất ngủ. Quả thực tôi không biết phải làm gì với khoản đầu tư này nữa" - chị Phương bày tỏ.
Đại diện khách hàng tại dự án Cocobay cho biết, sau quá trình đấu tranh ròng rã của khách hàng mới đây đã có cuộc họp làm việc 3 bên giữa chủ đầu tư Công ty Thành Đô, ngân hàng SHB và các chủ sở hữu.
“Khách hàng hy vọng cuộc họp 3 bên vừa qua sẽ có kết quả khả quan hơn. Hiện nay chúng tôi vẫn đang chờ phía ngân hàng SHB và Công ty Thành Đô đưa ra các phương án để đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi. Không được nhận tiền thuê nhà như đã được cam kết, không được nhận nhà để đưa vào khai thác tạo nguồn thu nhập để trả nợ gốc và lãi vay, thêm vào đó tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến khách hàng chúng tôi kiệt sức và bế tắc. Thời gian qua chúng tôi đã quá mệt mỏi khi từ người có tài sản trở thành con nợ” – một thành viên ban đại diện chia sẻ.
Condotel bao giờ hết cảnh “ngủ đông”?
Thời gian qua thị trường bất động sản nghỉ dưỡng liên tục đón những cơn sóng dữ. Từ cú sốc Cocobay cuối năm 2019 sang đầu năm 2020, thị trường lại lao đao vì đại dịch Covid-19.
Đầu năm nay, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC Homes (FLC Homes) có thông báo đối với các khách hàng về việc tạm dừng chi trả lợi nhuận theo nội dung đã cam kết. Theo đó, Công ty này quyết định tạm thời dừng chi trả lợi nhuận cam kết cho khách hàng ở một số dự án nghỉ dưỡng gồm: The Coastal Hill Quy Nhơn, Condotel Quảng Bình, Condotel Hạ Long (năm đầu).
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng liên tục gặp sóng dữ chờ sức bật mới từ tăng trưởng du lịch trong thời gian tới. |
Doanh nghiệp này cho biết sẽ thông báo về thời hạn trả lợi nhuận cụ thể ngay sau khi tổ chức y tế thế giới WHO tuyên bố hết dịch, khi các cơ sở kinh doanh FLC trở lại hoạt động.
Bên cạnh đó, công ty đề nghị khách hàng cân nhắc chuyển đổi phần lợi nhuận sang voucher nghỉ dưỡng, vé máy bay hoặc đối trừ các sản phẩm bất động sản khác của Tập đoàn FLC.
Một nhà đầu tư tại dự án condotel FLC Quảng Ninh cho biết, chủ đầu tư cam kết hằng năm sẽ trả lợi nhuận 12% mỗi năm làm 2 đợt vào tháng 1 và 7 hàng năm. Thế nhưng, chủ đầu tư đã chậm trả cam kết từ giữa năm 2019 thời điểm đó chưa có ảnh hưởng gì bởi dịch bệnh khiến nhiều khách hàng phải “gồng gánh” trả lãi ngân hàng khi vay vốn mua condotel. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã căng băng rôn trước trụ sở của Tập đoàn FLC để đòi quyền lợi.
Ghi nhận từ báo cáo của các đơn vị tư vấn cho thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua không mấy sáng sủa. Trong báo cáo diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 3 tháng đầu năm vừa được DKRA công bố cho thấy sức cầu đang rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Ở phân khúc condotel, quý I chỉ ghi nhận một dự án mới được mở bán trước Tết Nguyên đán (tháng 1/2020), cung ứng ra thị trường 82 căn condotel, bằng 3,9% so với quý trước và bằng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tiêu thụ đạt 25 căn, giảm hơn 95% so với quý trước, thậm chí giảm đến 98% so với cùng kỳ năm ngoái. DKRA dự báo, sức cầu chung tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý I và duy trì ở mức rất thấp trong quý II.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, condotel là cơ sở lưu trú phục vụ cho hoạt động du lịch do vậy phụ thuộc chủ yếu vào khả năng phục hồi của ngành du lịch.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại vào tháng 5 với nhiều chương trình ưu đãi đa dạng. Kết quả khảo sát của Savills Hotels, gần một nửa các cơ sở lưu trú đã đưa ra những chương trình ưu đãi và giảm giá sau khi mở cửa trở lại.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, nhu cầu du lịch trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm du khách trẻ, tiếp sau đó là việc dần mở cửa trở lại đối với một số quốc gia đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch của Việt Nam.
Ở góc độ lạc quan, nhiều chuyên gia cho rằng, khi Việt Nam trở thành điểm an toàn nhờ khả năng kiểm soát dịch Covid-19 tốt, sức bật tăng trưởng trong du lịch sẽ gia tăng. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng.
Mạnh Trường
Thâm nhập thủ phủ condotel, lạc vào ma trận căn hộ cho thuê du lịch
- Nhà đầu tư mua căn hộ khách sạn (condotel) nhưng không kết hợp với công ty quản lý mà tự kinh doanh cho thuê hay tại nhiều chung cư, căn hộ để ở lại cho khách du lịch thuê như khách sạn tạo ra sự bát nháo, khó kiểm soát.