Từ đầu năm 2020, những thông tin về sự hợp nhất giữa Grab và Gojek liên tục xuất hiện. Cứ mỗi lần cập nhật, lại có thêm nguồn tin khẳng định về bước tiến mà 2 công ty này đạt được trong đàm phán.
Mới đây nhất, Bloomberg đưa tin Grab và Gojek đã vượt qua được những quan điểm khác biệt, thống nhất nhiều hạng mục đàm phán để có thể tiến tới một thỏa thuận hợp nhất. Với 2 “siêu kỳ lân” công nghệ đều có trụ sở tại Đông Nam Á, đây có thể trở thành thương vụ công nghệ lớn nhất khu vực.
Kỳ phùng địch thủ tại Đông Nam Á
Theo Bloomberg, những ý tưởng về việc sáp nhập Grab với Gojek được đề xuất sau chuyến đi Indonesia của ông Son Masayoshi, CEO và nhà sáng lập của SoftBank vào tháng 1. Tại đây, ông đã hứa hẹn sẽ tiếp tục đầu tư vào đất nước đông dân nhất khu vực.
Với dân số vào khoảng 274 triệu người, Indonesia là một thị trường quá lớn và hấp dẫn. Đây cũng là “sân nhà” của Gojek, nơi công ty này ra đời 10 năm trước.
Sức hấp dẫn của Indonesia cũng khiến cho Grab, có trụ sở tại Singapore, không muốn bỏ qua. Theo thống kê của Financial Times năm 2019, Gojek hoạt động ở 207 thành phố Đông Nam Á, trong đó có 203 thành phố thuộc Indonesia. Con số tương ứng của Grab là 339 và 224.
Grab và Gojek là những đối thủ cạnh tranh khốc liệt trong thị trường gọi xe, giao đồ ăn lẫn tài chính số tại Indonesia. Ảnh: Bloomberg. |
“Hiện nay chẳng có ai hoàn toàn trên cơ. Không tính Indonesia thì Grab đang có lợi thế, nhưng ở Indonesia Gojek vẫn là người nắm cuộc chơi, và thị trường có thể thành độc quyền kép”, Neeu Laungani, Giám đốc đầu tư lĩnh vực công nghệ tại châu Á của Deutsche Bank nhận xét.
Quy mô thị trường quá lớn vừa hứa hẹn khả năng tăng trưởng, vừa yêu cầu nguồn lực khổng lồ.
Bắt đầu từ lĩnh vực gọi xe, Grab lẫn Gojek đều đã mở rộng ra các mảng kinh doanh khác như giao đồ ăn, thanh toán điện tử hay quản lý tài sản. Việc mở rộng nhanh chóng để đạt tầm vóc đủ lớn khiến 2 công ty phải liên tục đầu tư. Lợi nhuận vì thế trở thành mục tiêu rất khó đạt được trong thời gian ngắn.
Năm 2018, CEO Gojek khi đó là Nadiem Makarim trả lời Reuters rằng công ty này kỳ vọng có lợi nhuận “sau vài năm nữa”. Tới tháng 11 vừa qua, đồng CEO Andre Soelistyo của Gojek tiết lộ công ty này đã có lợi nhuận hoạt động ở 4 mảng kinh doanh chính, và đang tìm sự cân bằng giữa gọi vốn và tự đầu tư.
Trong khi đó, trả lời CNBC vào năm 2019, CEO Grab Anthony Tan tiết lộ công ty này sẽ chỉ IPO khi toàn bộ mảng kinh doanh đã có lợi nhuận. Tuy nhiên, ông Tan không nêu cụ thể thời điểm mà Grab dự kiến đạt được điều đó.
Áp lực từ những nhà đầu tư tên tuổi
Những tên tuổi đứng sau 2 siêu kỳ lân công nghệ đều là công ty lớn. Danh sách nhà đầu tư của Gojek có Tencent và Google, trong khi Grab được SoftBank và Microsoft đổ vốn. Sau nhiều vòng đầu tư, Grab được định giá 14 tỷ USD, còn con số của Gojek là 10 tỷ USD.
Sức ép từ những gã khổng lồ đứng phía sau có thể là lực đẩy chính khiến Grab, Gojek đến gần nhau.
CEO SoftBank Son Masayoshi đã ủng hộ việc sáp nhập 2 công ty sau khi thăm Indonesia đầu năm nay. Ảnh: Phủ tổng thống Indonesia. |
“Các thế lực đứng sau muốn những điều mà Grab hay Gojek không thể kiểm soát được. Chúng ta đang nói đến những nhà đầu tư dài hạn với quyền lực lớn ở cả 2 công ty, và tất cả đều muốn dừng đốt tiền hoặc tìm đường rút mang lại lợi nhuận cho khoản đầu tư của mình”, Financial Times dẫn lời một nhà đầu tư của Grab.
Tư duy này có thể thấy rõ nhất ở SoftBank, ông lớn về đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Thất bại với WeWork năm 2019 khiến cho công ty của Son Masayoshi trở nên cẩn thận hơn với những startup vẫn đang cần “đốt tiền” để phát triển.
Đại dịch Covid-19 càng khiến cho những công ty trở nên thận trọng hơn trong những khoản chi để mở rộng thị trường.
Trước đó, ông Son từng tin rằng thị trường gọi xe sẽ chỉ có thế độc quyền, nơi công ty có nhiều tiền nhất sẽ thống lĩnh. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự cạnh tranh bền bỉ của Gojek, đặc biệt là tại Indonesia, có lẽ nhà đầu tư Nhật Bản đã nghĩ lại.
Việc sáp nhập sẽ giúp cho 2 công ty có thể tập trung nguồn lực để tăng tốc, hướng tới mục tiêu đạt lợi nhuận. Các nhà phân tích cho rằng liên danh của Grab, Gojek sẽ có giá trị lớn gấp nhiều lần tổng định giá của 2 công ty hiện tại.
Kết thúc "cuộc chiến taxi"
Grab, Gojek cũng đang có một đối thủ chung đáng gờm: Sea. Công ty có trụ sở tại Singapore này đã tiến vào thị trường Indonesia năm 2018 với ví điện tử ShopeePay. Theo thống kê của công ty Ipsos vào tháng 10, ShopeePay là ví điện tử được chuộng nhất tại Indonesia, với tỷ lệ người dùng cao hơn 2 giải pháp của Grab (OVO) và Gojek (GoPay).
Chỉ trong năm 2020, giá trị cổ phiếu của Sea đã tăng gần 3 lần, giúp công ty này được định giá tới hơn 87 tỷ USD. Lĩnh vực game và thương mại điện tử là những trụ cột giúp công ty này tự tin mở rộng vào mảng thanh toán trực tuyến.
Khó khăn từ thị trường, sức ép từ nhà đầu tư và áp lực từ đối thủ lớn khiến cho thương vụ sáp nhập Grab, Gojek trở nên khả thi hơn. Những yếu tố cản trở vụ mua bán là sự phản đối của những quản lý cấp cao của 2 công ty, cũng như sự vướng mắc về pháp lý với các quy định về độc quyền.
Tuy nhiên, yếu tố thứ hai có thể không gây trở ngại quá lớn đối với một thương vụ trị giá hàng chục tỷ USD. Sau thương vụ Grab mua lại hoạt động của Uber vào năm 2018, cả 2 công ty chỉ bị phạt 9,7 triệu USD.
Anthony Tan, nhà đồng sáng lập Grab có thể trở thành CEO của liên danh mới. Ảnh: Bloomberg. |
Nhà sáng lập Nadiem Makarim của GoJek và Anthony Tan của Grab từng học chung khóa MBA tại Harvard năm 2011. Hai nhân vật này sau đó đã trở thành những đối thủ lớn của nhau, với 2 siêu kỳ lân của Đông Nam Á.
Giờ đây Makarim đã trở thành Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa của Indonesia. Người bạn học cũ của ông, Anthony Tan, có thể trở thành CEO của liên danh mới, hợp nhất ước mơ của cả 2.
Năm 2016, tờ báo nội bộ của trường kinh doanh Harvard từng điểm lại cuộc đối đầu giữa Gojek và Grab trong bài viết có tựa đề "Cuộc chiến taxi ở Jakarta". Gọi xe hiện nay không còn là lĩnh vực quan trọng duy nhất của cả 2 công ty. Sáp nhập là một lựa chọn hợp lý, giúp cho họ tiến đến tương lai với những lĩnh vực hứa hẹn khác như thanh toán điện tử cùng những đối thủ mới.
Theo Zing
Lý do Grab, Gojek cần về một nhà
Sự khuyến khích từ những nhà đầu tư lớn, cùng áp lực của các đối thủ cạnh tranh là lý do khiến cho 2 siêu ứng dụng đối thủ của nhau muốn tìm cách hợp lực.