Với những người quan tâm đến lĩnh vực tiền mã hóa, Dominic Williams không phải là một cái tên quá xa lạ. Ông chính là nhà sáng lập của Dfinity - một dự án nổi tiếng về tiền mã hóa với tổng giá trị vốn hóa lên tới 3,8 tỷ USD.
Mới đây, vị chuyên gia này đã đề xuất một ý tưởng kỳ lạ về việc dùng công nghệ Blockchain để sớm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo đó, Dominic Williams muốn đánh vào tâm lý người dân Nga để tạo nên một làn sóng phản chiến trong lòng quốc gia này. Ý tưởng của “cha đẻ” Dfinity là sử dụng công nghệ Blockchain và các hợp đồng thông minh nhằm tăng tính hiệu quả của cuộc chiến truyền thông.
Nhà sáng lập của Dfinity đưa ra ý tưởng các nước phương tây nên dùng Bitcoin trả thưởng khi kết hợp với video tuyên truyền để đánh vào tâm lý người dân Nga. |
Cụ thể, Dominic Williams đề xuất việc đưa đến cho người dân Nga những thông tin đa chiều về tình hình Ukraine. Nội dung thông tin sẽ được thể hiện dưới dạng video.
Để khuyến khích người dân Nga chủ động tiếp cận các nội dung này, mỗi người sẽ được tặng 50 USD dưới dạng Bitcoin hoặc Ethereum, hai đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới. Dominic Williams tin rằng 50 USD là số tiền đủ hấp dẫn để thuyết phục người dân Nga tiếp nhận các đoạn video do phương Tây truyền tải.
Theo nhà sáng lập Dfinity, bằng cách làm này, nếu trả cho mỗi người xem video 50 USD, phương tây sẽ chỉ mất khoảng 250 triệu USD để tiếp cận 5 triệu người Nga. Đây là một cách tác động tới tâm lý người dân Nga để tạo nên làn sóng phản chiến trong lòng quốc gia này. Mục đích của hành động trên là gây áp lực nhằm buộc chính phủ Nga phải sớm rút quân về nước.
Thực tế cho thấy, cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga hiện không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn trên cả môi trường mạng.
Không chỉ đơn thuần là những xung đột quân sự, căng thẳng giữa Nga và Ukraine còn mở ra một cuộc chiến tranh mạng quy mô lớn. Đó là khi mà các cuộc tấn công mạng cũng như đòn trả đũa đã liên tục được thực hiện bởi cả hai bên.
Bitcoin và các loại tiền mã hóa nói chung cũng đã ít nhiều cho thấy tầm ảnh hưởng của mình trong cuộc xung đột tại Ukraine. |
Trước khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của quân đội Nga được tiến hành trên lãnh thổ Ukraine, nhiều cuộc tấn công DDoS đã được thực hiện nhằm vào hệ thống thông tin của nghị viện và các ngân hàng tại quốc gia này. Thậm chí, mạng trực tuyến của Bộ Quốc phòng Ukraine cùng hai ngân hàng cũng đã từng bị hacker chiếm quyền điều khiển
Đáp trả lại điều này, Ukraine đã kêu gọi cộng đồng tin tặc trong nước ra tay bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và thậm chí tấn công trả đũa. Hưởng ứng động thái đó, nhóm hacker nổi tiếng Anonymous đã tuyên chiến với Nga, đồng thời tấn công làm tê liệt hoạt động một số trang web Điện Kremlin, Duma và Bộ Quốc phòng.
Những hành động trên đã dẫn tới nguy cơ của một cuộc chiến tranh mạng giữa Nga và các nước phương tây. Nếu ý tưởng của Dominic Williams được phương tây ủng hộ, cuộc chiến trên mạng sẽ leo lên một nấc thang mới, bao gồm cả chiến tranh thông tin, tâm lý chiến nhờ sự kết hợp giữa công nghệ Blockchain và túi tiền của các nước phương tây.
Trọng Đạt
Sự nguy hiểm của WhisperGate - mã độc đang tấn công Ukraine
Nhiều nước Châu Âu đang rơi vào nguy cơ của một cuộc chiến tranh mạng với sự tham gia của các loại mã độc mới, trong đó, đặc biệt nguy hiểm là sự xuất hiện của mã độc WhisperGate.