Sáng ngày 26/3, vợ chồng bà Kiều Thị Vui, ông Nguyễn Văn Đệ (Sơn Tây, Hà Nội) lái xe máy hơn 50 km đến tham gia lễ hội khinh khí cầu - một sự kiện đang diễn ra tại khu vực bãi nhãn Long Biên, Hà Nội. Bà Vui cẩn thận chuẩn bị một bộ áo dài đỏ thật đẹp còn ông Đệ thì diện quần âu, áo sơ mi.

"Vợ chồng tôi hiếm có dịp nào đi chơi, du lịch với nhau. Dịp này nhân kỉ niệm 34 năm ngày cưới, cộng thêm sự động viên của các con nên cùng nhau tới lễ hội khinh khí cầu", bà Vui chia sẻ.

{keywords}

Vợ chồng ông Đệ và bà Vui tại lễ hội khinh khí cầu

Bà Vui cũng thật thà tâm sự, hai vợ chồng xem khinh khí cầu trên tivi đã nhiều nhưng chưa bao giờ thấy ngoài đời thực nên cả đêm hôm trước, bà háo hức, thao thức đến mất ngủ. 10 giờ sáng, ông bà tới nơi tổ chức lễ hội. Thăm thú một chút, ông Đệ vào xếp hàng mua vé trải nghiệm bay khinh khí cầu cho hai vợ chồng.

"Đã tới tận đây rồi nên vợ chồng tôi muốn trực tiếp được bay trên khinh khí cầu, ngắm nhìn thành phố từ trên không trung", hai ông bà tâm sự.

Số lượng người đến tham dự lễ hội rất đông và có cả trăm người xếp hàng mua vé bay. Ông Đệ phải chờ gần nửa tiếng mới mua được cặp vé, mỗi vé giá 300.000 đồng.

{keywords}

Ông bà chờ nửa tiếng mới có thể mua được cặp vé bay khinh khí cầu

"Mua được vé nhưng khoảng một giờ sau thì tôi thấy họ thông báo ngừng bay do thời tiết trưa quá nắng nóng. Ban tổ chức hy vọng du khách thông cảm và đợi đến 16h chiều", ông Đệ kể.

Ông bà quyết định ở lại qua trưa, chờ bằng được giây phút trải nghiệm bay khinh khí cầu. "Buổi trưa trời cũng nắng nóng lắm nhưng vợ chồng tôi là nông dân, quen cảnh đó rồi", đôi vợ chồng hài hước chia sẻ.

Tới 16h chiều, gió to nên ban tổ chức vẫn chưa thể tiến hành bay, bà Vui nóng ruột. "Tôi bảo ông ấy hay là về đi. Tôi sợ chờ mất công và đi về quá muộn. Nhưng ông ấy vẫn động viên tôi cố thêm chút", bà Vui kể. Đến hơn 17h, thời tiết thuận lời, ông bà được xếp lịch bay. Ông Đệ cẩn thận đỡ vợ lên khinh khí cầu rồi ông bà nắm chặt tay nhau. Hai vợ chồng ông Đệ, bà Vui hạnh phúc mỉm cười.

{keywords}

Ông bà hạnh phúc khi được lên chiếc khinh khí cầu

"Khi chiếc khinh khí cầu bay lên, tôi cảm thấy thích thú vô cùng. Từ trên cao tôi được ngắm cầu Vĩnh Tuy, ngắm vườn nhãn xanh mướt. Thời điểm đó đúng lúc hoàng hôn nên nhìn bầu trời, sông Hồng đẹp vô cùng", bà Vui kể lại trải nghiệm sau chuyến bay kéo dài 7 phút.

"Chờ 7 tiếng để bay 7 phút nhưng chúng tôi rất đỗi hài lòng. Có thể cả đời, đây là cơ hội duy nhất chúng tôi được bay khinh khí cầu", hai ông bà nói.

{keywords}

Bà Vui không giấu được niềm hạnh phúc khi được kỉ niệm 34 năm ngày cưới theo một cách đặc biệt. "Chúng tôi đã đi với nhau hơn 3 thập kỉ, trải qua nhiều thăng trầm để nuôi hai con khôn lớn. Tôi cảm thấy mãn nguyện vì có người chồng tâm lý, luôn tìm cách mang tới bất ngờ cho vợ", bà nói.

Lễ hội khinh khí cầu là một sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022”, với chủ đề “Get on Hanoi 2022”, hưởng ứng việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, đón khách du lịch quốc tế trong trạng thái bình thường mới của thành phố.

Linh Trang (Video: Minh Hải - Linh Trang - Thiên Dương - Hoàng Long)

'Vạ vật' trong nắng nóng, chờ 7 tiếng để bay khinh khí cầu tại Hà Nội

'Vạ vật' trong nắng nóng, chờ 7 tiếng để bay khinh khí cầu tại Hà Nội

Nhiều du khách đã chờ đợi 6 tới 7 tiếng đồng hồ trong nắng nóng để có thể bay khinh khí cầu - một hoạt động tại lễ hội khinh khí cầu đang diễn ra tại khu vực vườn nhãn Long Biên (Hà Nội).

Biển người chen chân ngắm đêm hoa đăng khinh khí cầu 'soi bóng sông Hồng'

Biển người chen chân ngắm đêm hoa đăng khinh khí cầu 'soi bóng sông Hồng'

Rất đông du khách đã có mặt để theo dõi “Đêm hoa đăng khinh khí cầu Get On Ha Noi - Night of Dreams” tại khu vực vườn nhãn Long Biên. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sự kiện chưa thực sự được như mong chờ.