- Cuốn sách của GS Lê Thành Khôi gây chú ý đặc biệt trong nhóm độc giả quan tâm đến lịch sử Việt Nam mới đây đứng trước những câu hỏi độc đáo về tính thiên lệch có thể có bên cạnh những lời khen ngợi của giới sử gia Pháp.


GS Lê Thành Khôi là một học giả đa ngành đứng giữa hai nền văn hóa Việt - Pháp. Ông sinh năm 1923 tại Hà Nội. 24 tuổi, ông sang Pháp, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ về kinh tế học tại Paris năm 1949. Ông tốt nghiệp Học viện Luật pháp Quốc tế tại Den Haag, Hà Lan rồi lấy bằng Cử nhân Văn chương ở Trường Đại học Sorbonne, Pháp. Ông học Hán ngữ tại Trường Ngoại ngữ phương Đông ở Paris. Năm 1968, ông hoàn thành Luận án Tiến sĩ về Công nghệ Giáo dục và bảo vệ lấy học vị Tiến sĩ nhà nước về văn khoa và khoa học xã hội.

Nhìn vào danh mục những ngành học của Lê Thành Khôi để thấy ông là một học giả đa ngành đến mức nào, ngoài việc chuyên sâu lĩnh vực kinh tế và văn hóa, trong ông còn canh cánh về đất nước suốt những năm tháng xa quê. Với lợi thế sở đắc hai nền văn hóa Pháp Việt và vốn hiểu biết rộng rãi, ông bắt tay vào nghiên cứu và viết sách về lịch sử Việt Nam cho người ngoại quốc nhằm "phản bác những thuyết sai lầm hay có ác ý muốn bóp méo sự thật của thực dân".

"Ý định viết một cuốn sử Việt Nam cho người ngoại quốc đọc trước hết là một ý định chính trị, sau mới là ý định khoa học (nhưng tránh tuyên truyền)." - ông nói.

{keywords}
Giáo sư Lê Thành Khôi hiện đang sống tại Paris, Pháp

Năm 1954, ông viết xong quyển Le Viet Nam: Histoire et Civilisation (Việt Nam: Lịch sử và văn minh), được Editions de Minuit (Paris) xuất bản năm 1955, là cuốn sử đầu tiên viết bằng tiếng Tây phương có cái nhìn mới (khác với sách của Pháp trước đó). Gần 30 năm sau, năm 1982, NXB Sud-Est Asie (Paris) cho ra mắt một cuốn sách khác của ông là Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858).

Hai cuốn sách được xem là hai công trình có giá trị khoa học cao, được sử dụng phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam, đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên, trí thức không chỉ ở Pháp và Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới, góp phần phổ biến một hình ảnh trung thực về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Chúng được các nhà Việt Nam học hàng đầu như Georges Condominas, Charles Fourniau coi như sách tham khảo căn bản mà họ gần như lệ thuộc khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Tháng 9/2014, một bản tổng hợp của hai cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt bởi dịch giả Nguyễn Nghị và đơn vị phát hành sách Nhã Nam, mang tên “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ 20".

{keywords}
“Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ 20" (ra mắt tháng 9/2014)

Nhà Việt Nam học Charles Fourniau nhận định: "Công trình tổng hợp tiên phong này cho ta thấy dân tộc Việt Nam được tạo dựng và phát triển như thế nào. Nó tạo thành cái khung tổng quát khả dĩ gợi lên hàng loạt nghiên cứu, giúp ích những nghiên cứu khác và đặt tất cả vào một viễn tượng dài hơn".

Tác phẩm cũng được nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux đánh giá cao về văn phong, khả năng tổng hợp tư liệu đi kèm. Ông cho biết cuốn sách có "cấu trúc cân đối, cân bằng, dễ dàng tra cứu và tìm kiếm, chịu ảnh hưởng của trường phái biên niên. Đây là một cuốn sách vừa sử vừa không sử với cách tiếp cận đa ngành, khiến nó giống như một "tiểu thuyết quốc gia" và có thể được sử dụng một cách hữu ích". Không chỉ trình bày về các dữ kiện lịch sử, nó còn chỉ ra sự hình thành văn hóa, văn minh, địa lý và lối sống của dân tộc Việt".

Bên cạnh những ý kiến đồng tình về việc cuốn “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ 20" đã cung cấp được một bức tranh tổng quát cũng như ý nghĩa lịch sử về sự ra đời của nó trong bối cảnh còn mù mờ về sử Việt ở phương Tây những năm 1955, một số ý kiến cũng cho rằng trong cuốn sách, GS Lê Thành Khôi có phần trọng nông mà chưa đề cập nhiều đến thương nghiệp (đặc biệt là vận tải đường thủy) - vốn là một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế Đàng Trong.

Nhà Việt Nam học Charles Fourniau nói: "Cũng như bất cứ một tác phẩm khoa học nào, tác phẩm của Lê Thành Khôi có thể bị vượt qua ở một điểm nào đó; ngày nay ta biết nhiều về triều đại nhà Mạc (thế kỉ XVI) hơn, hoặc là về những cuộc dấy loạn ở Bắc Bộ những năm 50 của thế kỉ XIX. Những cách nhìn về vương triều nhà Nguyễn trở nên phức hợp và uyển chuyển hơn...vv".

Ngoài ra độc giả cũng đặt câu hỏi: Liệu GS Khôi có cung cấp những phát hiện mới cho sử học Việt, và việc bản thân GS là người có xu hướng Marxist và tả khuynh liệu có làm cho tính khoa học của tác phẩm bị thiên lệch?

Nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux đồng ý rằng, bản thân GS Lê Thành Khôi không sản xuất ra các tư liệu mà tổng hợp là chính. Một định nghĩa đầy đủ hơn về khám phá trong sử học nghĩa là sản xuất ra một kiến thức mới, dựa trên cơ sở những phát kiến của mình, chưa từng được khai thác.

"Sách sử là sản phẩm của một thời điểm lịch sử. Vào thời điểm GS Lê Thành Khôi viết tập sách quan trọng này (năm 1955), lúc đó có thể nói học thuyết Marx có một ảnh hưởng rộng khắp. Chúng ta thường chỉ xem xét vấn đề trong thời hiện tại, dẫn đến việc dễ trở nên lầm lẫn nếu không đặt sự việc vào bối cảnh lịch sử và xem xét tương lai." - nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux cho biết. Ông nói mình hoàn toàn đánh giá cao công trình của giáo sư Khôi nhưng ông cũng đồng ý rằng bản thân mỗi độc giả đều có thể có đánh giá của riêng mình.

{keywords}
Hai cuốn sách gốc Histoire et Civilisation (1955) và Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (1982) xuất bản tại Paris

Hồ Hương Giang