-Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết các ứng viên bằng giỏi mà trượt công chức là do chưa tâm huyết.

{keywords}
Phó GĐ Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa. (Ảnh: Văn Chung)

Ông Nguyễn Đình Hoa cho biết: Tại kỳ tuyển dụng công chức thành phố năm 2015, có 63 trường hợp đủ điều kiện tham gia sát hạch tuyển dụng bằng xét tuyển cho 56 vị trí việc làm.

Đối tượng  là những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ ĐH trong nước và những người tốt nghiệp loại giỏi trở lên các trường đại học nước ngoài.

Đây là những đối tượng theo quy định sẽ được tuyển thẳng vào công chức qua hình thức xét tuyển. Nhưng theo quy định của Điều 19 Nghị định 24 của Chính phủ và Điều 10 Thông tư 13 Bộ Nội vụ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức các thí sinh phải thực hiện việc sát hạch.

Hội đồng kiểm tra sát hạch của thành phố đã thực hiện các quy trình kiểm tra sát hạch đảm bảo đúng quy định hiện hành.

Nội dung và hình thức sát hạch đã được Sở Nội vụ công khai trên website để thí sinh nắm được trước 15 ngày tính đến ngày sát hạch.

Phần thi là hỏi năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người dự tuyển, tính thang điểm 100.

Những kiến thức kiểm tra rất cơ bản, nếu tích cực ôn tập chỉ cần vài ngày ứng viên có thể nắm được.

Cụ thể, nội dung sát hạch hỏi kiến thức về công vụ, công chức, kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành, việc vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành vào thực tiễn công tác ở vị trí việc làm nếu được tiếp nhận.

Thí sinh bốc thăm đề sát hạch, làm bài viết dưới dạng chuyên đề trong 60 phút và trình bày trước Hội đồng 15 phút.

Quá trình thực hiện chỉ có 32 người đạt, 1 người bỏ và còn lại 30 trường hợp không đạt yêu cầu.

Theo quy định, người trúng tuyển phải đạt từ 50 điểm trở lên và lấy từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu từng vị trí việc làm.

Chưa thực sự có tâm huyết

Ông có thể nói gì về con số 30/63 thí sinh không vượt qua phần sát hạch?

- Trong số 30 người trượt, chúng tôi cũng có trao đổi sau khi kết thúc sát sạch. Tôi có hỏi một vài thí sinh tại sao thông tin và nội dung sát sạch sở đã công bố công khai nhưng bạn vẫn không làm tốt.

{keywords}
Các thủ khoa đầu ra xuất sắc trong lễ vinh danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2011.

Thí sinh cho biết sau khi tìm hiểu chính sách của TP Hà Nội họ có gửi hồ sơ xét tuyển thẳng. Tuy nhiên do đa số hiện đang đi làm kĩ sư ở công trình và các ngành nghề khác bên ngoài nên bận, không có thời gian học.

Thêm nữa, họ cũng chia sẻ qua tìm hiểu thí sinh nắm được lương công chức hiện hành theo quy định là thấp nên thiếu động cơ, động lực và chưa thực sự quyết tâm trong ôn tập.

30/63 thí sinh trượt có phải là con số cao, thưa ông?

- Như đã phân tích ở trên, mỗi vị trí việc làm vẫn có cạnh tranh, có khi chỉ tiêu 1 mà 3 người dự thi thì nguyên tắc anh phải đạt 50 điểm trở lên và chúng tôi tuyển người đứng cao nhất mà thôi.

Con số ấy có nói lên điều gì năng lực người ứng tuyển không, thưa ông?

- Việc đánh giá năng lực học tập nhà trường, cơ sở giáo dục đã làm. Còn yêu cầu sát hạch đưa ra đã công khai nội dung và lãnh đạo các cơ quan đơn vị tuyển người đều tham gia, trực tiếp sát hạch. Nhưng có nhiều thí sinh không tâm huyết lắm trong chuẩn bị, định hướng nghề nghiệp vào làm công chức thành phố.

Theo ông, nếu những người không tâm huyết vào làm công chức thành phố sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng công việc?

- Phải khẳng định trong những năm vừa qua thành phố đã có chính sách thu hút nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao, đặc biệt là quan tâm những thủ khoa xuất sắc và đạt loại giỏi, xuất sắc nước ngoài về.

Nhưng công chức thành phố phải có quá trình có cọ sát thực tế, không thể một sớm một chiều họ có kĩ năng làm việc ngay.

Song ở đâu cũng vậy, anh phải có tâm huyết thì mới có thể đáp ứng yêu cầu của cơ quan giao. Nếu không làm việc tâm huyết thì quá trình thử việc hay tập sự, cơ quan có thể đánh giá phân loại, xếp loại anh theo các quy định hiện hành.

Hà Nội không thể sáng tạo tuyển dụng công chức

Hà Nội đã có chính sách tuyển thẳng. Vậy tại sao không cho họ vào làm ở các vị trí một thời gian rồi mới kiểm tra, sát hạch, thưa ông?

- Tuyển dụng phải theo quy định của Nghị định 24 của Chính phủ và Thông tư 13 của Bộ Nội vụ đã nói ở trên. Hà Nội cũng thực hiện triệt để không ký hợp đồng trong các cơ quan hành chính, vị trí nào thiếu sẽ cho tuyển dụng. Nguồn tuyển có 3 cách: qua điều động, luân chuyển và thi-xét tuyển.

Ngoài hình thức sát hạch như đã đề cập, theo ông có hình thức như thế nào để tuyển được ứng viên có năng lực, phẩm chất phù hợp với vị trí việc làm?

- Đây là vấn đề rất nhiều người quan tâm.

Bộ Nội vụ cũng vừa có báo cáo Chính phủ về việc làm sao cho hình thức tuyển công chức hiệu quả, sát thực, tuyển người vào làm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong khi chờ đề án của Bộ Nội vụ được phê duyệt thì địa phương như Hà Nội phải làm theo quy định pháp luật hiện hành, không thể sáng tạo được.

Ông có đánh giá gì về chủ trương “trải thảm đỏ” hút nhân tài của Hà Nội đã có hơn 10 năm nay?

- Về cơ bản số các thủ khoa, người tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài được tuyển vào theo chính sách thu hút nhân tài của TP cơ bản đáp đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ quan giao.

Có trường hợp nào vào rồi xin chuyển ra không, thưa ông?

- Chúng tôi chưa tổng hợp, khảo sát nhưng theo tôi biết, năm 2014 có thủ khoa vào làm ở Sở Công thương sau đó xin bỏ vì nhà xa, lương công chức thấp, ở ngoài thuê nhà nên quá khó khăn.

Hà Nội đã có chính sách tăng 20 lần mức lương tối thiểu để trả lương cho những người này. Nhưng so với mặt bằng chung vẫn chưa bằng một số tỉnh thành. Theo ông như vậy có đủ sức hút các nhân tài về làm công chức cho TP?

Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP xây dựng chính sách như bạn vừa nêu. Còn chi trả như thế nào tùy theo điều kiện khả năng về kinh tế xã hội của từng địa phương.

- Cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)