Tại TP.HCM, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho hay Sở đã phối hợp với Sở Y tế và đưa ra các tình huống và cách xử lý cụ thể.

Cụ thể, ở tình huống phát hiện người nghi nhiễm Covid-19 tại trường học thì phải thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ An toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục. Đồng thời chuyển người nghi ngờ mắc bệnh đến phòng cách ly tạm thời.

Nếu người nghi mắc là học sinh, phải thông báo ngay cho phụ huynh, người giám hộ để phối hợp xử lým lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người nghi nhiễm.

{keywords}
Học sinh lớp 7-12 ở TP.HCM đã khá ổn định khi trở lại trường học trực tiếp từ đầu năm 2022

Nếu phát hiện học sinh nhiễm Covid-19 tại trường thì thực hiện 4 bước. Bước 1 là thông báo cho những đơn vị liên quan. Bước 2 là đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở hoặc Sp02 dưới 96% thì liên hệ và chuyển F0 đến bệnh viện có khoa đơn vị Covid-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 gần nhất bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: Tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương nơi cư trú tiếp cận xử lý theo quy định.

Bước 3 là tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người). Các lớp học khác hoạt động bình thường.

F1 đã tiêm vắc xin Covid-19 đủ liều hoặc đã khỏi Covid-19 được đi học và làm việc bình thường nhưng tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.

Nếu F1 chưa tiêm vắc xin đầy đủ hoặc đã tiêm đủ nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền thì cách ly tại nhà, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho trường và trạm y tế nơi cư trú; xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.

Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 thì cho toàn bộ học sinh trong lớp (F1) cách ly tại nhà.

Ông Dũng nêu rõ, nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau thì xét nghiệm tầm soát theo quy mô 2 lớp ở cùng tầng, xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng.

2 lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà; 2 lớp ở khác khối nhà nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, các tình huống đều được giả định, tính toán ngay từ đầu không loại trừ bất cứ tình huống nào. Các trường phải xây dựng phương án chặt chẽ về xử lý, khoanh vùng theo hướng dẫn. 

Còn Sở GD-ĐT Bình Dương cho biết đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục xử lý tình huống có F0 trong nhà trường theo Hướng dẫn của Sở Y tế.

Theo đó, trong trường hợp phát hiện F0, cơ sở giáo dục tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn và cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp 3-5 người). Các lớp học khác hoạt động bình thường.

Sau đó, tiếp tục theo dõi F1 bao gồm tất cả học sinh, giáo viên cùng lớp với F0, đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu F1 đã tiêm phòng Covid-19 đủ liều hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng thì được đi học và làm việc bình thường nhưng tuân thủ 5K, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.

Nếu F1 chưa tiêm vắc xin đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền cần cách ly tại nhà, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương, xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 7 hoặc ngay khi có triệu chứng.

Riêng với khối mầm non và nhóm chưa đủ tuổi tiêm vắc xin, nếu có F0 thì cho toàn bộ học sinh cùng lớp tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Chờ y tế tư vấn trước khi quyết định cho học sinh nghỉ hay không

Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, đến chiều 8/2, toàn tỉnh có 266 học sinh và 71 giáo viên, nhân viên là F0, có 3.345 học sinh và 786 giáo viên là F1. Sở này dự kiến con số có thể tăng thêm, bởi nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê.

8 địa phương có 100% số trường phổ thông tổ chức dạy, học trực tiếp; 10 địa phương có trường vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến và có 3 địa phương đang tổ chức dạy học trực tuyến là Thanh Chương, Nghĩa Đàn và thị xã Cửa Lò.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, ông Thái Văn Thành cho biết quan điểm của Sở là vẫn ưu tiên dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến của dịch và đặc thù của các địa phương, việc chỉ đạo có thể linh hoạt theo hướng "dịch ở đâu sẽ khoanh vùng ở đó, vừa tổ chức dạy học trực tiếp, vừa tổ chức dạy học trực tuyến".

Hiện nay tỉ lệ tiêm chủng đối với học sinh ở Nghệ An đã đạt trên 90%, trong đó riêng bậc THPT là trên 97%. Vì thế, theo ông Thành, ngành giáo dục Nghệ An đang từng bước hướng tới không có khái niệm trường học trực tuyến để ưu tiên dạy học trực tiếp. Đối với những lớp có học sinh F0, nhà trường sẽ tiến hành khoanh vùng cục bộ, chuyển sang dạy học trực tuyến.

{keywords}
Học sinh Trường Tiểu học Hồng Sơn (TP Vinh) trong ngày đầu đi học trực tiếp

Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp cho hay: "Chúng tôi đã đặt ra nhiều tình huống, chẳng hạn như đầu giờ sáng phụ huynh gọi điện báo con có kết quả xét nghiệm là F0. Khi đó, giáo viên chủ nhiệm lập danh sách học sinh là F1 có nguy cơ, ngồi gần F0. Sau đó, nhà trường sẽ báo y tế test nhanh các trường hợp F1 có nguy cơ, theo dõi các em và các thông tin cũng được lưu ngay vào sổ theo dõi y tế.

Thậm chí cũng có cả tình huống khi tất cả học sinh đang học thì phụ huynh gọi điện báo con là F0.

Giáo viên chủ nhiệm sẽ làm công tác tách F0 và lập danh sách các học sinh ngồi gần. Ngoài ra, làm biện pháp tâm lí để học sinh không hoang mang, nhẹ nhàng đưa học sinh F0 xuống phòng cách ly”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, trước khi quyết định có cho cả lớp nghỉ hay không thì trường vẫn phải chờ cơ quan y tế quận tư vấn.

“Những việc này, nhà trường sẽ xin ý kiến các cơ quan chức năng với từng trường hợp cụ thể, chứ không thể ngay lập tức cho học sinh lớp đó nghỉ và về nhà luôn giữa giờ học”, ông Tùng nói.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại, đã xuất hiện tình huống có F0, cụ thể tại lớp 7A5 Trường THCS Thăng Long.

“Học sinh đến trường lúc 7h15 nhưng đến 9h được phụ huynh đón về để test nhanh do gia đình có người nhà là F0. Kết quả xác định học sinh này dương tính SARS-CoV-2 và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm PCR. Giáo viên chủ nhiệm lớp 7A5 đã lọc danh sách các học sinh tiếp xúc gần với học sinh này để cho nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Trường THCS Thăng Long cũng đã được tiến hành khử khuẩn phòng học lớp 7A5. Các nhà trường xảy ra tình huống tương tự cũng sẽ xử lý theo phương án này” - ông Thuận nói.

Ông Thuận cho hay, trước đó, các trường học trên địa bàn đã diễn tập xử lý các tình huống khi phát hiện F0 tại trường.

{keywords}
Học sinh lớp 7-12 ở Hà Nội đi học trực tiếp từ ngày 8/2

Ông Lê Hồng Chung, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, với các tình huống có thể xảy ra và phương án ứng phó, các nhà trường sẽ phối hợp cơ quan y tế địa phương và thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế.

Sở GD-ĐT và Sở Y tế Hà Nội cũng đã có hướng dẫn liên ngành về phương án phòng chống dịch khi có trường hợp mắc/nghi ngờ mắc Covid-19, tiếp xúc gần F1, F2...

Riêng trường hợp phát hiện F0, các trường phải báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của địa phương. Đồng thời phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên lớp đó. Thông tin chính xác đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại trường, không để xảy ra hoang mang, lo lắng; nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K.

Tuy nhiên, ông Chung lưu ý phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan đến F0 tùy thuộc mức độ di chuyển của F0; diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan đến F0.

Bên cạnh đó, cần phối hợp nvới gành y tế truy vết F1. Tùy tình hình dịch tễ có thể tổ chức ngay việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên... đang ở trường hoặc lấy theo khu hoặc dãy lớp học hoặc theo từng tầng...

Phương Chi - Lê Huyền - Thanh Hùng

F0 tăng mạnh, gần 5 vạn học sinh khẩn cấp chuyển học trực tuyến

F0 tăng mạnh, gần 5 vạn học sinh khẩn cấp chuyển học trực tuyến

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở TP Vinh (Nghệ An), học sinh lớp 1 đến lớp 6 sẽ được chuyển sang học trực tuyến vào chiều nay. 

Học sinh Hà Nội làm quen cảnh 'vừa đến trường, lớp báo có F0'

Học sinh Hà Nội làm quen cảnh 'vừa đến trường, lớp báo có F0'

Vừa mới trở lại trường, nhưng nhiều học sinh lại ngay lập tức phải trở về nhà tiếp tục học trực tuyến bởi lớp có F0.