- Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều đạt chuẩn với tỷ lệ khá cao (trên 90% với các bậc học phổ thông); sự bất hợp lý về cơ cấu dần được khắc phục. Vấn đề mắc mớ nhất là những bất cập trong tuyển dụng giáo viên như: thiếu giáo nhưng không thể tuyển dụng, tuyển dụng thừa...
5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 29 VỀ GIÁO DỤC >> 5 năm, ngân sách cho giáo dục tăng 92.500 tỷ đồng >> Chương trình phổ thông mới: Giảm môn, giảm giờ học
|
Giáo viên cả nước: 93% ở trường công lập
Cho đến nay, đội ngũ giáo viên phổ thông hầu hết là ở trường công lập.
Tính đến 15/8/2018, cả nước có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 858.772, ngoài công lập 23.691). Trong đó, nhiều nhất là giáo viên ở bậc tiểu học. Đây cũng là bậc học có ít giáo viên ngoài công lập hơn cả.
Cụ thể, số giáo viên từng bậc như sau: mầm non 309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); trung học cơ sở (THCS): 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4825); trung học phổ thông (THPT): 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).
Cả nước có 93,08% giáo viên ở các trường công lập, trong đó 78,87% được tuyển dụng theo hình thức hợp đồng làm việc (có thời hạn, không thời hạn), còn lại tuyển dụng theo hình thức hợp đồng lao động (trong chỉ tiêu, ngoài chỉ tiêu biên chế); gần 7% giáo viên ở các trường ngoài công lập.
Bên cạnh đó, số lượng nhân viên trong các cơ sở mầm non, phổ thông là 263.930, họ cũng được tuyển dụng theo các hình thức tương tự như giáo viên: mầm non là 110.951, Tiểu học là 70.570 nhân viên, THCS là 54.950 và THPT là 27.459 người. Tính ra, số nhân viên hợp đồng trên 60% tổng số nhân viên.
Thiếu giáo viên nhưng không thể tuyển dụng
Theo Bộ GD-ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức, số giáo viên còn thiếu sau khi được giao biên chế lên tới gần 76.000 người. Toàn quốc chỉ có 2/63 tỉnh, thành là Đà Nẵng và Đồng Nai là không thiếu giáo viên; 21 tỉnh thành thiếu từ 1.000 giáo viên trở lên, đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học.
Bộ GD-ĐT cho biết có 27 tỉnh thiếu giáo viên, có nhu cầu tuyển dụng nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới trong năm học 2018-2019.
Trong số các địa phương không được giao chỉ tiêu tuyển mới năm nay, tỉnh Hải Dương có nhu cầu lớn nhất với gần 4.000 giáo viên. Do việc tăng dân số tự nhiên mà năm học 2018-2019, tỉnh này tăng đến 24.184 học sinh. Thái Bình là địa phương xếp thứ hai với nhu cầu tuyển hơn 3.600 giáo viên do số học sinh tiểu học tăng 7.000 so với năm học trước.
Hà Nội là địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất, tới 12.681 người, nhưng năm học này tổng biên chế được giao tuyển mới chỉ là 8.211. Như vậy, nếu tính cả số tuyển mới nếu được, Hà Nội vẫn thiếu hơn 4.000 giáo viên.
Theo thống kê, tổng số lượng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông được giao để tuyển mới cho năm học 2018-2019 là 34.242.
So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (mầm non 43.732 người, tiểu học 18.953 người, THCS 10.143 người, THPT 3.161 người).
Đặc biệt ở cấp THCS hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/ thành phố. Do đó, đến thời điểm hiện tại, mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS nhưng cũng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS.
Do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với qui định hiện hành như Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Thanh Oai (Hà Nội), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị....
Theo số liệu của Bộ Nội vụ thì có 26 địa phương đề nghị bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2018 với tổng số 40.447 biên chế. Trong đó, Thanh Hóa đề nghị bổ sung lớn nhất với số lượng trên 7.500 biên chế. Phú Thọ và Bắc Giang đề nghị lần lượt 3.366 và 3.295 biên chế.
Thiếu giáo viên do đâu?
Bộ GD-ĐT giải thích, việc biến động về quy mô trường/ lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học (tăng trưởng nóng) tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/ thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực.
Nguyên nhân nữa là với cấp mầm non, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu, cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Trong khi đó, tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm do thực hiện tinh giản biên chế. Ngoài ra, công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên.
Một lý do được đưa ra nhiều lần trên bàn nghị sự là việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập giữa ngành giáo dục và ngành nội vụ.
Giải quyết thế nào?
Trước mắt, để khắc phục kịp thời tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương trong năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT đã đề nghị uỷ ban chuyên trách của Quốc hội kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương ký hợp đồng làm việc có thời hạn đối với những nơi tăng trưởng “nóng”dẫn đến thiếu giáo viên mà địa phương không thể điều tiết để tăng cường giáo viên cho những nơi thiếu.
Về lâu dài, Bộ GD - ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Cùng với đó, Bộ này đã chủ trì, phối hợp với các các bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên theo Luật Viên chức, góp phần phát triển và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Thanh Hùng
Giáo viên không được xúc phạm, miệt thị học sinh
Giáo viên, hiệu trưởng cần tôn trọng sự khác biệt của học sinh, không được có thái độ xúc phạm, miệt thị.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết ngay biên chế giáo viên Tây Nguyên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ GD-ĐT có biện pháp giải quyết ngay biên chế giáo viên còn thiếu tại các tỉnh Tây Nguyên.
Giáo viên sẽ được đánh giá theo 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí
Bộ GD-ĐT vừa ra thông tư ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông mới với 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2018.
Bộ GD-ĐT không chủ động được trong việc điều tiết thừa/thiếu giáo viên
Ngành Giáo dục, đặc biệt là phòng GD-ĐT không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND quận, huyện tuyển dụng nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên.
Lai Châu thiếu 547 giáo viên, nhiều nhất là tiếng Anh
Lai Châu đang thiếu 547 giáo viên ở cả 3 cấp học, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy Tiếng Anh.
Hà Nội dự tính tăng giáo viên cho lớp học đông sĩ số
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, với những lớp sĩ số học sinh quá cao, sẽ bố trí tăng thêm giáo viên quản lý, không để tình trạng 1 giáo viên phụ trách tới 60 em như tại một số trường.