Mục tiêu trên đã được nêu rõ trong Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII,được ban hành tháng 2/2021.
 
Chiều 27/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tiếp tục nêu rõ đến năm 2025, Việt Nam là nước có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
 
Theo đó, trong 5 năm tới, các chỉ tiêu về kinh tế là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.

{keywords}
Công nghiệp Việt Nam: Gỡ 3 điểm nghẽn, tiếp cận góc nhìn mới


 
Theo tính toán mới đây của Cục Công nghiệp, để đạt được chỉ tiêu trên, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ cần phải tăng trưởng bình quân 16% trở lên. Đây là con số cao so với mức tăng bình quân 11,2% của giai đoạn trước. Để đạt được sự tăng trưởng đột phá này, ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng sẽ phải có sự quan tâm, đầu tư tập trung và thực sự tương xứng với vai trò, vị trí trong nền kinh tế.
 
Tuy nhiên, những điểm nghẽn then chốt của ngành công nghiệp trong nhiều năm qua vẫn chưa được cải thiện.

{keywords}
Sản xuất công nghiệp tại Bắc Giang đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp 

Đánh giá về các điểm nghẽn này, Cục Công nghiệp đã nêu ra 3 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, đó là nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù số lượng các doanh nghiệp này chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, da giày. FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng ưu đãi về thuế, chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ, các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam. Do đó, hiệu ứng lan toả sang khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn không như kỳ vọng.
 
Điểm nghẽn thứ hai là năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của Việt Nam còn rất hạn chế. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, dựa nhiều vào lao động giá rẻ, chưa phát huy được các tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 
Đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP vẫn còn thấp. Chúng ta cũng không có sản phẩm và thương hiệu Việt trong lĩnh vực này đủ sức cạnh tranh trong khu vực.
 
Điểm nghẽn thứ ba là năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn rất thấp. Các doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng, sử dụng tài nguyên quốc gia. Công tác nghiên cứu R&D chưa được quan tâm đúng mức và hiệu quả kinh tế còn nhiều yếu kém.
 
Các doanh nghiệp tư nhân, phần lớn vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa,không đủ nguồn lực đầu tư vào R&D để nâng cấp, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất.
 
Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam không nắm giữ được các công nghệ nguồn, công nghệ quan trọng để đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) đánh giá, với thực trạng đó, cần phải làm rõ các tiêu chí đo lường thế nào là công nghiệp hiện đại, là công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Đặc biệt, vai trò dẫn dắt của công nghiệp chế biến chế tạo cần phải thể hiện rõ nét và tương xứng trong khung khổ pháp lý, khung chính sách và nguồn lực phân bổ hiện nay.
 
Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2020 về sự đóng góp của các nhóm ngành trong nền kinh tế cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp lớn nhất trong GDP với tỷ trọng 16,7%.
 
Tỷ lệ này cho thấy, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có vai trò dẫn dắt các hoạt động khác của nền kinh tế, đặc biệt là ngành dịch vụ. Khi ngành này phát triển thì sẽ tạo cơ hội cho các ngành khác như dịch vụ bán buôn bán lẻ, thương mại phát triển; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm phát triển và đặt biệc là dịch vụ logistic, vận tải, kho bãi phát triển theo.
 
Thời gian để đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra không còn nhiều, khi 5 năm tới, phải tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP từ 16,7% hiện nay lên 25% và năm 2030 là 30%. Khoảng cách giữa con số mục tiêu và con số thực tế hiện nay là khá xa.
 
Vì thế, theo bà Thuý, giai đoạn tới đây, chính sách công nghiệp của Việt Nam cần có sự đổi mới hướng tiếp cận, thay vì tập trung thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ như giai đoạn trước thì cần chuyển sang hướng tiếp cận theo toàn chuỗi, toàn ngành, từ khâu đầu vào- nguyên vật liệu đến kết nối thị trường đầu ra- các ngành hạ nguồn sản xuất sản phẩm cuối cùng.
 
Cục Công nghiệp cũng nhận định, Việt Nam hiện tại gần như vẫn mới chỉ ở giai đoạn đầu của phát triển công nghiệp. Do đó, sự đổi mới trong cách tiếp cận chính sách là cần phải tính đến đặc thù của quốc gia: là nước có thu nhập trung bình thấp, dân số đông… thay vì phải sáng tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới trên thế giới.
 
Việc phát triển công nghiệp Việt Nam trước tiên cần đặt trọng tâm vào các ngành công nghiệp nền tảng, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, năng lực của doanh nghiệp và tình hình lực lượng lao động của nước ta. Đó là các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, cơ khí, dệt may, da giày, điện tử, ô tô…
 
Muốn vậy, cần tính đến việc xây dựng một luật riêng, thể chế hoá chủ trương của Đảng, qua đó, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển công nghiệp mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương.
 
Phạm Huyền

Việt Nam được Unido xếp vào nhóm "các nước công nghiệp mới nổi"

Việt Nam được Unido xếp vào nhóm "các nước công nghiệp mới nổi"

Trong Báo cáo cạnh tranh công nghiệp 2020, Unido đã đưa Việt Nam từ nhóm "các nước đang phát triển" sang "các nước công nghiệp mới nổi".