Trong 5 năm qua, ngành ngân hàng đã có chiến lược, lộ trình, sự quyết tâm, trí tuệ và trách nhiệm để tạo thế phát triển ổn định, bền vững. Điều đó tạo đà quan trọng để hệ thống ngân hàng phát triển trong những năm tiếp theo, góp phần phát triển thị trường tài chính, bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia, nâng cao niềm tin của nhân dân với chính sách của Đảng và Nhà nước...
Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, ngân hàng là một trong những ngành có được những kết quả nổi bật ghi dấu ấn, tạo được niềm tin đối với nhân dân, được Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao, góp phần nâng tầm, vị thế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Với chủ trương phát triển bền vững, hoạch định chiến lược rõ ràng trên cơ sở bắt nhịp với những thiết chế hội nhập, lấy ổn định hệ thống là nhân tố cốt lõi góp phần bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia, dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thách thức...
Năm 2011, chúng ta đã chứng kiến mặt bằng lãi suất cho vay tới 20-25%/năm, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) vượt trần lãi suất huy động (14%/năm) gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ; quy mô của nhiều ngân hàng còn nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cao từ 23-50%/năm, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn. Điều quan trọng với mặt bằng lãi suất như vậy đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay mặt bằng lãi suất chỉ còn từ 7 đến 9%/năm.
Điều qua trọng, với chủ trương ban hành cơ chế tín dụng mang tính chất đột phá như hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế cao, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận vốn như ban hành cơ chế cho vay tín chấp, hỗ trợ doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay phát huy các chuỗi giá trị như cho vay theo mô hình liên kết, phát triển công nghệ cao, cho vay phát triển thủy sản, kinh tế biển… đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, nền nông nghiệp và phát triển kinh tế biển. Sự tăng trưởng tín dụng đi vào thực chất, góp phần tăng trưởng kinh tế và không còn tình trạng chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Quản lý thị trường ngoại hối cũng là điểm sáng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, dự trữ ngoại hối năm 2015 đã tăng cao hơn rất nhiều so với năm 2011, tỷ giá được điều hành với những giải pháp phù hợp tạo được sự chủ động cho các doanh nghiệp. Đặc biệt tình trạng 2 tỷ giá (giá chính thức ngân hàng và giá thị trường chợ đen) đã giảm đi đáng kể. Điều hành tỷ giá cũng là một thành công thể hiện sự phản ứng nhanh nhạy, kịp thời về chính sách của Ngân hàng Nhà nước với thị trường và diễn biến bối cảnh trong nước hoặc bối cảnh quốc tế để tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trước những cú sốc lớn của thị trường tài chính thế giới như việc Fed tăng lãi suất hoặc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ. Lạm phát, tỷ giá ổn định là nền tảng quan trọng để giữ ổn định của đồng tiền Việt Nam.
Một vấn đề nổi cộm mà từ lâu ngành ngân hàng chưa xử lý được, trong nhiệm kỳ này đã bước đầu đạt được kết quả, đó là lập lại kỷ cương thị trường vàng. Tình trạng vàng hóa cao trong nền kinh tế sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường, vàng sẽ tích lũy quá nhiều trong dân, ảnh hưởng đến việc huy động vốn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Với chính sách quyết liệt và đúng đắn trong việc quản lý thị trường vàng, hiện nay tình trạng vàng hóa đã giảm đi rõ rệt, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng và tránh thiệt hại cho chính người dân khi tham gia vào thị trường vàng.
Đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, Chính phủ đã đánh giá “Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại. Tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng thương mại bằng biện pháp chủ động tự xử lý nợ xấu là chủ yếu; đồng thời phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tham gia xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ”. Đến tháng 9-2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9-2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”. Với việc ban hành các cơ chế để góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính, lập lại kỷ cương ngành ngân hàng, giảm tình trạng sở hữu chéo, tăng cường quản trị rủi ro đã tạo nền tảng để hệ thống ngân hàng phát triển bền vững.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là điểm sáng trong 3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế vì đã đi đúng lộ trình và đạt được kết quả rõ nét. Đây là một việc khó đòi hỏi sự bản lĩnh và quyết tâm cao của ngành ngân hàng. Nếu không thực hiện quyết liệt có thể dẫn đến đổ vỡ hệ thống. Trong những tháng cuối năm, việc tái cơ cấu vẫn thực hiện quyết liệt. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nguyên tắc chi phí tối thiểu, không sử dụng ngân sách, từng bước áp dụng nguyên tắc thị trường trong việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, hệ thống ngân hàng đã đi vào quỹ đạo hoạt động ổn định, an toàn và tiếp cận dần chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng dành nguồn lực và tâm huyết rất lớn để thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần chia sẻ với những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Hằng năm, cán bộ ngành ngân hàng đã đóng góp xây dựng hàng nghìn ngôi nhà cho người nghèo, xây dựng trường học, bệnh viện, trạm y tế cho những vùng khó khăn… để mong muốn góp phần nhỏ bé xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Để truyền nhiệt huyết và trách nhiệm cho toàn thể cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh: “Kết quả chúng ta đạt được lớn nhất trong 5 năm qua là ổn định hệ thống, hoạch định chiến lược để tạo sự phát triển bền vững, tạo niềm tin cho nhân dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức, cần sự nỗ lực và cố gắng của cả hệ thống”.
Để xây dựng thị trường tài chính Việt Nam phát triển, bên cạnh việc phát huy hiệu quả thị trường tiền tệ (liên quan đến hoạt động ngân hàng) thì thị trường vốn (chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu) cũng cần có những bước đi đột phá, có sức hút với nhà đầu tư để huy động nguồn lực trong xã hội phát triển đất nước.
Với những bản lĩnh, trí tuệ và sự quyết tâm, những kết quả của ngành ngân hàng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá.
Năm 2014, 11 ngân hàng của Việt Nam được lọt vào danh sách 1.000 ngân hàng tốt nhất thế giới do Tạp chí The Banker công bố. Trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong tốp 10.
Ngày 30-7-2014, tổ chức định hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s đã nâng xếp hạng tại một số hạng mục của một số ngân hàng Việt Nam lên 1 bậc và đánh giá các ngân hàng này có triển vọng ở mức ổn định.
Tháng 9-2015, Moody’s phát hành báo cáo xếp hạng đối với 9 ngân hàng Việt Nam, theo bảng xếp hạng này, một số ngân hàng có chỉ số sức mạnh tài chính (BCA) cao nhất (ở mức B3) trong số 9 ngân hàng được đánh giá và có triển vọng "ổn định". Triển vọng "ổn định" cũng được Moody’s xếp hạng cho các ngân hàng còn lại được đánh giá triển vọng "tích cực". Xét về tiền gửi nội tệ, một số có chỉ số cao nhất ở mức B1, tiếp đến là VIB ở mức B2 và các ngân hàng còn lại ở mức B3. Xét theo tiền gửi ngoại tệ, một số ngân hàng được xếp hạng cao nhất ở mức B2. Các ngân hàng còn lại có mức xếp hạng B3...
Sự chuyển đổi, đổi mới tích cực trong hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng nâng cao hệ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: "Tôi nghĩ trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục có những bước tiến quan trọng trong việc triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tỷ giá. Trong thời gian vừa qua, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất trong một thời gian dài. Nhìn chung, chính sách tiền tệ đã thành công với việc ngày càng linh hoạt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế và không gây áp lực lên lạm phát. Đặc biệt chính sách tỷ giá của NHNN đã đi đúng hướng. Một cách ngắn gọn, WB đánh giá chính sách tiền tệ và tỷ giá là tích cực.
Trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), nhìn chung các chính sách đã phát huy hiệu quả. Có nhiều dấu hiệu tích cực như: Nhu cầu vốn được đáp ứng, tín dụng tăng trưởng tốt, lãi suất được điều chỉnh giảm… Tuy nhiên để tạo được môi trường thuận lợi cho SMEs phát triển mạnh, cần có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng”.
Như vậy, trong 5 năm qua, ngành ngân hàng đã có chiến lược, lộ trình, sự quyết tâm, trí tuệ và trách nhiệm để tạo thế phát triển ổn định, bền vững. Điều đó tạo đà quan trọng để hệ thống ngân hàng phát triển trong những năm tiếp theo, góp phần phát triển thị trường tài chính, bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia, nâng cao niềm tin của nhân dân với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo QĐND