"Tôi không tin sau đại dịch có thể phục hồi như hôm nay"
Sáng 1/11, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (TP.HCM) Trần Thanh Sơn liên tục cầm điện thoại và trở thành phó nháy cho những thành viên mới trong DN. Họ là 20 công nhân được tuyển dụng vào làm việc tại dây chuyền sản xuất thứ 5. Dây chuyền chính thức vận hành vào ngày đầu tiên của tháng.
Trước đó, Công ty Song Ngọc dừng phương án sản xuất “3 tại chỗ” vào ngày 24/9, DN hoạt động bình thường từ ngày 5/10. Để giải quyết số lượng các đơn hàng nhiều, bù đắp năng suất lao động bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh, công ty quyết định bổ sung thêm 1 dây chuyền sản xuất
Với 100% sản phẩm may mặc xuất khẩu Hoa Kỳ, đại diện DN khẳng định, đây là thời điểm ổn định nhất về mặt quân số sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. DN đã có kế hoạch kinh doanh tới tháng 4/2022 , giờ là lúc “vào guồng”, tăng tốc trong sản xuất và sớm về đích.
“Tôi không thể tin vào những gì đang diễn ra trước mắt mình. 280 nhân sự tập trung hoàn thành mục tiêu đặt ra. Chỉ mới 2 tháng trước, chúng tôi nhiều khi không dám nghĩ tới. Sau đại dịch, mọi thứ ổn. Giờ là lúc công ty phục hồi”, ông Sơn nói.
Dây chuyền may mới thiết lập tại doanh nghiệp để tăng năng suất |
Lãnh đạo một DN tại TP.HCM cũng chấp nhận việc thỉnh thoảng có F0 xuất hiện trong nhà máy, tuy nhiên quy trình xử lý đã thuần thục, sức khỏe các F1 đều tốt sau khi 97% công nhân đã tiêm hai mũi vắc xin. DN này đang sản xuất rất ổn định và có kế hoạch giảm tần suất xét nghiệm chủ động nhằm tiết kiệm chi phí.
Không chỉ các đơn vị nói trên đang "hồi sinh”, thích nghi tốt. Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), thông tin, các DN thuộc khối sản xuất, công nghiệp cũng có tốc phục hồi rất tốt. DN nào có quy mô vài trăm lao động thì đã khôi phục trên 90% về năng lực sản xuất, nhân sự ổn định. Còn đối với các DN quy mô lớn, vài nghìn lao động thì mức độ phục hồi 50-60% do chưa thể bổ sung ngay được một lượng lao động nhất định.
Dẫu vậy, khối dịch vụ, thương mại phục hồi chậm vì sức mua giảm, cầu thấp. Các DN còn cân nhắc thời điểm mở lại, bởi kéo theo đó là chi phí hạ tầng, mặt bằng và vận hành.
“Bức tranh chung cho thấy, lĩnh vực dịch vụ, thương mại phục hồi chậm song sản xuất phục hồi nhanh. Trong đó, DN quy mô lớn có phần bắt nhịp chậm hơn so với DN quy mô nhỏ”, đại diện Huba nhận xét.
Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ”
Về quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cho TP.HCM, Thạc sỹ Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright - cho rằng, TP đã mở cửa dần dần từ đầu tháng 10 theo Chỉ thị 18 và khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, kinh tế quý IV sẽ có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất, kinh doanh sẽ không thể thực hiện ngay trong tháng 10. Phục hồi kinh tế chỉ bắt đầu từ tháng 11. Nếu tăng trưởng quý IV là 3,5% thì tăng trưởng cả năm sẽ là 2,2%.
Theo ông Thành, các gói hỗ trợ có triển khai thì cũng đã muộn để có tác dụng trong năm 2021. Kinh tế quý IV phục hồi chỉ nhờ vào lộ trình mở cửa từng bước. Để phục hồi trong năm 2022, tăng trưởng cần phải được hỗ trợ song hành của cả chính sách tiền tệ và tài khóa. Chính sách tiền tệ tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào. Trong khi, chính sách tài khóa để kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao tài trợ bằng trái phiếu Chính phủ và khởi động một chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025).
Chuyên gia cho rằng, muốn phục hồi thị trường rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước |
Còn TS.Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ - chia sẻ, việc hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân cần theo hai mục tiêu. Một, trước mắt phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những DN tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường. Hai, thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.
Về nguyên tắc của kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế sẽ tự phục hồi sau khi nhà nước cho phép các ngành kinh tế được hoạt động trở lại, thu hẹp “vùng cấm”, những ức chế do sự cấm đoán được gỡ bỏ và mạng lưới logistics quốc gia và quốc tế được khai thông.
Tuy nhiên, theo ông Lịch, với sức khỏe của DN hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên của thị trường thì rất khó khăn và có nguy cơ suy sụp, không “đứng dậy” được. Do vậy, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” thông qua chức năng của Nhà nước. Hiện nay, hầu hết quốc gia đều sử dụng “gói hỗ trợ tài chính” và chính sách nới lỏng tín dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ liệt kê trong số 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 nhóm ngành dịch vụ chịu thiệt hại do đại dịch Covid-19 và khả năng tự hồi phục khác nhau, nên giải pháp hỗ trợ cần lựa chọn theo 3 tiêu chí: đóng góp nhiều vào cơ cấu GRDP của TP.HCM; có tác động lan tỏa cao; ít có khả năng tự hồi phục.
Dựa trên các tiêu chí, chuyên gia lựa chọn các ngành cần có giải pháp hỗ trợ như: du lịch; xây dựng; kinh doanh bất động sản; các DN hoạt động trong 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực; các DN thương mại (nội địa và xuất nhập khẩu). Chủ thể cần hỗ trợ là các DN khó khăn về vốn ở mọi quy mô và thành phần kinh tế; các DN vừa và nhỏ; các hợp tác xã; các hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ dân sinh.
Tại khu công nghệ cao có 88/88 DN quay lại hoạt đông đạt tỷ lệ 100% với tổng số lao động là 145.000 đạt 84%. Đối với các DN nằm bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, đã có hơn 6.500 DN đã đăng ký sản xuất trở lại.
Trần Chung
Những cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử, mối lo lớn cho Việt Nam
Sau những cuộc khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ì ạch, phải mất rất nhiều năm mới vực lên được. Với khó khăn quá lớn hiện nay, nếu không có những gói hỗ trợ đủ mạnh, tình trạng này rất có thể sẽ lặp lại.