Ngày 18/12, Bộ Công Thương tổ chức họp họp công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế  hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020. Trong đó, vấn đề cung ứng điện các năm tiếp theo nhận được nhiều sự quan tâm của báo giới hơn cả, nhất là khi mối nguy thiếu điện ngày càng hiện hữu.

Bao giờ thiếu điện?

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2019 là ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân; đặc biệt đã không phải thực hiện điều hoà, tiết giảm điện trên phạm vi cả nước.

Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện quốc năm 2019 ước đạt 239,739 tỷ kWh, tăng trưởng 8,93% so với năm 2018.

{keywords}
Việc cung ứng điện năm 2019 đảm bảo ổn định. Ảnh: Lương Bằng

Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành,...

Cụ thể, năm 2019, hầu như không xuất hiện lũ trên nhiều hệ thống sông ở miền Bắc và Bắc miền Trung, lưu lượng nước về nhiều hồ thuỷ điện thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dẫn đến mực nước của nhiều hồ thủy điện vào cuối năm 2019 rất thấp so với mực nước dâng bình thường.

Điển hình là các hồ thuỷ điện trên lưu vực sông Đà không tích được đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm 2019 (cụ thể, các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình dự kiến thấp hơn từ 10-20m so với mực nước dâng bình thường), một số hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Trung, miền Nam như Bản Vẽ, Cửa Đạt, A Vương, Đại Ninh có mực nước cuối năm 2019 thấp hơn từ 7-29m so với mực nước dâng bình thường.

Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện còn phải làm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại nhiều địa phương. Ngay trong tháng 01-02/2020, các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng sẽ phải vận hành xả khoảng hơn 4 tỷ mét khối nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2019-2020 của đồng bằng Bắc bộ.

Việc này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp điện cho các tháng cao điểm mùa khô năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, năm 2020, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu.

Trong đó riêng mùa khô năm 2020 (tập trung vào các tháng 3,4,5,6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc phải vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phục vụ đổ ải trong tháng 01-02/2020 sẽ không đảm bảo khả năng huy động cao các nhà máy này trong các tháng cao điểm mùa khô.

“Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí”, Bộ Công Thương cho biết.

{keywords}
Điện mặt trời góp phần giảm bớt lượng điện chạy dầu giá cao. Ảnh: Lương Bằng

Chạy dầu phát điện

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2019 tổng lượng điện chạy dầu có giá thành cao là khoảng 1,7 tỷ kWh, thấp hơn mức dự kiến 2,57 tỷ kWh dự kiến trước đó. Năm 2020 dự kiến huy động nguồn điện chạy dầu cũng ước dưới 4 tỷ kWh.

“Bộ Công Thương chính thức dự kiến là 3,4 tỷ kWh. Đây là tính toán trên cơ sở kịch bản được tính mọi yếu tố… nhưng nếu 2020 thời tiết nắng nóng, tải tăng đột biến hoặc hồ thủy điện nước về kém hơn thực tế… nhu cầu huy động dầu có thể cao hơn…”, ông Tuấn lưu ý trong tình huống hệ thống hết sức cần thiết mới huy động điện chạy dầu. Những nguồn điện giá rẻ sẽ được ưu tiên huy động trước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, theo các tính toán của Bộ, khả năng đảm bảo điện cho năm 2020 về cơ bản vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, khả năng thiếu hụt nguồn điện lớn sẽ xảy ra từ năm 2021 đến năm 2025 với dự kiến mỗi năm thiếu hụt khoảng 7-8 tỷ kWh nếu các nhà máy điện đang chậm tiến độ vẫn tiếp tục chậm và không thể hoàn thành, và công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không được triển khai thực chất.

Thứ tưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Khi chúng ta huy động nhiều sản lượng dầu thì tình hình tài chính của Tập đoàn điện lực Việt Nam chắc chắn sẽ khó khăn hơn vì một kWh điện dầu đắt hơn nhiều so với chạy than và càng đắt hơn so với thủy điện.

"Tuy nhiên việc có điều chỉnh giá điện hay không thì ở đây chúng ta không phải chỉ căn cứ vào việc giá thành điện lên hay không, mà chúng ta phải căn cứ rất nhiều vào các yếu tố khác nữa", ông Hoàng Quốc Vượng lưu ý.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là  0,47%.

Các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018: Theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020, một phần khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỷ giá của cả năm 2017 sẽ được đưa vào chi phí năm 2018. Tuy nhiên, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá này với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.


Đối mặt thiếu điện nặng, nhiều lãnh đạo nguy cơ bị mất chức

Đối mặt thiếu điện nặng, nhiều lãnh đạo nguy cơ bị mất chức

Dự báo năm 2020 mất điện cục bộ, đến năm 2021 thiếu điện nặng nếu không thúc đẩy đầu tư nguồn điện mới. 

Lương Bằng