Mở rộng cửa hàng giao dịch tại các khu dân cư hay giảm giá cước chỉ còn 20 nghìn đồng/đơn hoặc giao nhanh chỉ trong 2 tiếng là chiến thuật của các doanh nghiệp giao hàng cạnh tranh nhau trong thời kỳ bùng nổ mua sắm online.
Vừa đăng ký một tài khoản kinh doanh online trên một trang mua sắm, chị Nguyễn Thị Nga (HH, Linh Đàm, Hà Nội) ngay lập tức đã nhận được lời mời từ một đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng. Với những khách hàng mới như chị, đơn vị này khuyến mại đồng giá 20 nghìn đồng/đơn trong phạm vi Hà Nội, bên cạnh đó, giao hàng liên tỉnh cũng được giảm giá. Nếu trở thành khách hàng thường xuyên từ 100 đơn hàng trở lên, chị Nga sẽ nhận thêm nhiều ưu đãi khác.
Ngay dưới chân toà chung cư của chị đã có một đơn vị vận chuyển mở văn phòng giao dịch. Trong vòng bán kính chưa đầy 1km, khu vực này có tới hai cửa hàng giao nhận hàng hoá cho các shop online.
Theo chị Nga, ưu điểm của các dịch vụ giao hàng qua ứng dụng điện thoại di động là khai báo nhanh, hẹn giờ lấy hàng và quản lý được đơn hàng đang ở đâu. Các đơn vị này cũng có thêm dịch vụ thu hộ tiền cho khách hàng. Bên cạnh đó, điều mà chị Nga an tâm là các đơn vị này giao hàng đảm bảo an toàn và có chính sách đền bù khi mất mát, không như việc gọi trực tiếp shipper trên mạng.
Những chủ shop có đơn hàng lớn như chị Nga luôn được các đơn vị vận chuyển chăm sóc đặc biệt. Kể từ khi có các ứng dụng này, chị Nga ít khi phải xuống tận nơi để giao dịch như truyền thống.
Dịch vụ giao nhận hiện nay đang rất sôi nổi, đặc biệt ở phân khúc giao hàng chặng cuối - từ trung tâm phân phối đến người tiêu dùng. Thống kê không đầy đủ cho thấy, hiện nay cả nước có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ.
Ngoài các công ty giao hàng truyền thống như VNPost, Viettel Post, Tín Thành Kerry, giaohangnhanh, giaohangso1, shipchung,... thì những những dịch vụ giao hàng nhanh ứng dụng công nghệ cũng mau chóng xuất hiện, như Grab giao hàng, Sship, Sapo,...
Nếu như thương mại điện tử được ví như một miếng bánh béo bở thì mảng giao hàng cũng hấp dẫn không kém. Chính vì thế, cuộc chiến để giành thị phần cũng vô cùng khốc liệt.
Một trong những quan trọng là cạnh tranh của dịch vụ nằm ở tốc độ giao hàng. Một công ty khởi nghiệp ở TP.HCM đã tuyên bố trọn gói vận chuyển trong vòng 2 giờ. Hệ thống sẽ lựa chọn người giao hàng gần nhất đến nhận chuyển gói hàng. Quá trình giao hàng được kiểm soát bởi ba bên gồm người mua hàng, người bán và nhà điều hành dịch vụ vận chuyển, tất cả gói gọn trong vòng hai giờ đồng hồ.
Mô hình này ra đời nhắm vào khoảng trống của giao hàng trong ngày mà các doanh nghiệp bưu chính truyền thống đang bỏ qua, đó là vận chuyển nhanh hàng tươi sống rau quả hay đáp ứng cuộc đua giao hàng nhanh cho người mua của các nhà thương mại điện tử, tăng trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Không bỏ qua mảng này, Grab với ưu thế từ đội lái xe máy đã xâm nhập thị trường cách đây 2 năm, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường giao hàng nhanh tại Hà Nội và TP.HCM. Grab cũng đưa ra phiên bản thử nghiệm dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến tại TP.HCM.
Một khảo sát gần đây của Temando cho thấy, 80% khách hàng muốn được vận chuyển hàng mua trong ngày. Trong khi đó, cũng có tới 61% còn muốn tốc độ nhanh hơn. Thời gian mong muốn của họ là giao hàng trong vòng 1-3 giờ từ lúc đặt hàng. Vì thế, cuộc đua giao hàng nhanh đang trở nên gay gắt hơn lúc nào hết.
Mô hình giao hàng tức thời và sự linh hoạt có được từ hàng trăm ngàn tài xế cùng người giao hàng (shipper) tự do đang thành đối thủ chính của các doanh nghiệp giao hàng truyền thống.
Không có lợi thế về thời gian, các đơn vị khác lấy lợi thế giá rẻ để có khách hàng. Đơn cử, một ứng dụng giao hàng trên điện thoại đồng giá chỉ 20 nghìn đồng/đơn hàng trong phạm vi Hà Nội. Còn khu vực khác từ 30 nghìn đồng. Hàng loạt start-up cũng đang nhảy vào lĩnh vực này. Những đơn vị giao hàng công nghệ hiện đang tập trung nhiều vào thuật toán, tối ưu hóa lộ trình để giải quyết các bài toán của bưu chính truyền thống chưa làm được, thay vì thâm dụng lao động.
Ông lớn VNPost hay ViettelPost trước đây vốn chỉ tập trung vào nhóm khách hàng chuyển phát bưu chính, nay đã chuyển hướng sang cả các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Mới đây, DHL eCommerce VN cũng công bố dịch vụ giao hàng trong ngày cho khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội. Sự ra đời của liên doanh giữa Quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus và nhà đầu tư Becamex IDC có thể xem là một dấu hiệu cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này.
Bên cạnh việc tiếp cận khách hàng chủ shop trực tiếp, các đơn vị giao hàng còn liên kết với các trang thương mại điện tử để trở thành đối tác giao hàng cho các shop. Ngoài ra, dịch vụ giao hàng, thu tiền hộ chính là “đất sống” cho các đơn vị giao nhận.
Theo JLL, với tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử và lĩnh vực sản xuất, thị trường logistics Việt Nam được mong đợi sẽ bước lên một nấc thang mới trong tiến trình phát triển của thị trường này, tương tự như tiến trình mà các thị trường khác trong khu vực đã trải qua.
Đây là miếng bánh béo bở đối với các nhưng nếu không có sự chuẩn bị rõ ràng, thị trường này sẽ lại đi theo vết xe đổ của ngành logistics, để đại ngoại bành trướng và chiếm tới hơn 60% thị phần hiện nay.
Nam Hải
Đại gia ngoại đứng sau chợ online Việt: Những nỗi lo từ việc thâu tóm
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại đã cho rằng, rất có thể thời gian tới, cuộc đua thứ hạng trên thị trường thương mại điện tử Việt sẽ chỉ là câu chuyện của những doanh nghiệp Trung Quốc.
Chợ online: Sống chết mặc bay, phủi tay trách nhiệm
Vụ việc Shopee bán bản đồ có đường ‘lưỡi bò’của Trung Quốc đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để quản lý các chợ online tự phát, khi người bán tự do đăng bài, còn các ông chủ chợ lại phủi tay trách nhiệm?
Nữ khách hàng 'khóc thét' khi mua hàng online của hãng thời trang Ikigai
Đại diện hãng thời trang Ikigai cho rằng, màu sắc sản phẩm trên web có thể sáng hơn bên ngoài do ánh sáng khi chụp ảnh, giống khi tự chụp cũng có người dùng 360, B612...
Gánh hàng rong vỉa hè thời online: Bán 300 cốc chè/ngày
Bán 150 cốc chè, 200 cốc thạch, thậm chí 300 cốc... mỗi ngày, nhiều khi chỉ cần nhờ khách gọi điện, gánh hàng rong bán đồ giải nhiệt cho thu nhập tới hàng triệu đồng mỗi ngày, nhất là đợt nắng nóng vừa qua.