- Sự gia tăng chóng mặt về số lượng người siêu giàu, tỷ phú Việt đang thắp sáng giấc mơ làm giàu của giới trẻ cũng như tham vọng vượt lên trên, bỏ xa những doanh nhân kỳ cựu như ông Trương Gia Bình, Đặng Thành Tâm, Đặng Văn Thành,...
Năm 2006, lần đầu tiên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có một bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn. Ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, khi đó đã trở thành người giàu nhất với tổng giá trị cổ phiếu đạt hơn 2,3 ngàn tỷ đồng.
So với hiện tại, số tài sản của ông Trương Gia Bình không lớn, nhưng cách đây 10 năm thì là con số khổng lồ. Đây là thành quả của một doanh nhân đi đầu trong một lĩnh vực mới mẻ (công nghệ thông tin) và một doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh tầm cỡ quốc tế.
Trong nhiều năm, ông Trương Gia Bình đã nỗ lực đưa FPT thành DN đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu phần mềm và trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam.
Lớp tỷ phú đầu tiên trên thị trường chứng khoán. |
Danh tiếng của FPT cùng với sự bùng nổ của TTCK cách đây 10 năm có lẽ là cơ sở để giá cổ phiếu FPT tăng cả chục lần trong năm lên sàn 2006, với hơn 450.000 đồng/cp vào cuối năm đó. Từ một giảng viên, ông Bình được ghi danh là đầu tiên trong bảng xếp hạng những người giàu nhất. FPT hiện vẫn là DN hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ với doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ USD và không ngừng mở rộng ra thị trường quốc tế.
Chỉ một năm sau đó, giới đầu tư không khỏi ngạc nhiên khi TTCK xuất hiện một doanh nhân giàu có hơn: ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch Công ty Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Cơ sở hạ tầng KCN tập trung Tân Tạo - Itaco (ITA)
ITA niêm yết cổ phiếu vào cuối 2006 - thời điểm mà TTCK đang ở thời kỳ rất sôi động. Ông trùm bất động sản công nghiệp Đặng Thành Tâm đứng đầu danh sách những người giàu nhất năm 2007, với tổng tài sản lên tới gần 6,3 ngàn tỷ đồng.
Ông Tâm là người tích cực tham gia vào các hoạt động hội nhập kinh tế (APEC, WEF) và cũng là người hưởng lợi từ quá trình này, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007.
Sự giàu có của ông Tâm còn được củng cố sau khi doanh nhân này đưa cổ phiếu SGT (Viễn thông Sài Gòn) lên sàn đầu năm 2008 và KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc cuối năm 2009. Đó là chưa kể đến siêu cổ phiếu SQC của Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn. Tuy nhiên, cổ phiếu này không được đưa vào tính toán. Sau đó, ông Tâm còn trực tiếp và gián tiếp sở hữu cổ phiếu tại 2 ngân hàng: Navibank (hiện là Quốc dân) và WesternBank (sáp nhập thành PVcomBank). KBC sau này trở thành cổ phiếu trụ cột giữ ông Tâm trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK.
Sau khi lên đỉnh gần 1.200 điểm vào năm 2007, TTCK đã tụt dốc và kéo giá nhiều cổ phiếu đi xuống. Giá trị tài sản của ông Đặng Thành Tâm giảm gần một nửa. Đó cũng là lúc TTCK chứng kiến một gương mặt doanh nhân mới: ông Đoàn Nguyên Đức, một đại gia trong lĩnh vực BĐS.
Cuối năm 2008, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai niêm yết trên TTCK đã ngay lập tức giúp ông Đoàn Nguyên Đức trở thành người giàu có nhất trên sàn, với tổng giá trị cổ phiếu gần 6,2 ngàn tỷ đồng. Trong năm tiếp theo - 2009, ông Đức tiếp tục giữ vị trí này với tổng tài sản lên tới hơn 11 ngàn tỷ đồng nhờ vào sự hồi phục của TTCK.
Thời kỳ bùng nổ: đại gia BĐS thống trị
Từ cuối 2007, ông Phạm Nhật Vượng đã được biết đến sau khi niêm yết cổ phiếu VIC của CTCP Vincom. Doanh nghiệp đầu tư vào mảng BĐS cao cấp này nổi lên với tòa nhà Vincom Bà Triệu. Tuy nhiên, tên tuổi của ông Vượng thực sự nổi tiếng sau đó với dự án Vinpearl Land Nha Trang (VPL).
3 tỷ phú USD tại Việt Nam. |
Hiện tượng cổ phiếu VIC liên tục treo ở mức giá cao, trên dưới 100 ngàn đồng/cp, và cũng giống như vậy đối với VPL sau đó đã giúp ông Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu nhất trên TTCK năm 2010 với gần 16 ngàn tỷ đồng. Cú hợp nhất Vincom và Vinpearl cuối năm 2011 để trở thành Vingroup và sự lớn mạnh của tập đoàn này với hàng loạt dự án BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng trên khắp cả nước đã giúp ông Phạm Nhật Vượng liên tục giữ vị trí đầu bảng cho tới hết 2015.
Năm 2013, lần đầu tiên tài sản của ông Vượng chạm mốc 20 ngàn tỷ đồng và đây cũng là năm ông được tạp chí Forbes xếp trong danh sách và là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam.
Cùng với sự phát triển bùng nổ của Vingroup, từ BĐS căn hộ cao cấp, BĐS du lịch sang y tế, giáo dục,... và gần đây là bán lẻ, ông Vượng chứng kiến tài sản liên tục gia tăng lên tới hơn 30 ngàn tỷ đồng theo xếp hạng trên TTCK và 2,2 tỷ USD theo thống kê của Forbes.
Đây cũng là thời kỳ thống trị của các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực BĐS và vật liệu xây dựng với 2 vị trí thường xuyên thuộc về ông Vượng, ông Đức, ông Trình Đình Long (chủ tập đoàn Hòa Phát).
Sự bùng nổ thực sự về số lượng các đại gia siêu giàu Việt Nam diễn ra trong năm 2016. Hàng loạt các gương mặt tỷ phú với tài sản hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng nhờ cổ phiếu lên sàn như: NVL, ROS, TCH và trước đó là MWG,... Chỉ trong vòng vài tháng cuối năm hàng chục người siêu giàu đã xuất hiện, trong đó TTCK có thêm 2 tỷ phú USD là ông Trịnh Văn Quyết và ông Bùi Nhơn Thành.
Cho tới thời điểm hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng là người duy nhất có tên trong danh sách các tỷ phú USD của Forbes. |
Đầu tháng 9/2016, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng Faros - một DN đang thầu xây dựng phần lớn các dự án BĐS của Tập đoàn FLC lên sàn. Cổ phiếu này đã nhanh chóng tăng từ mức chào sàn 10.500 đồng/cp có lúc lên 125.000 đồng. Cú bứt phá ngoạn mục của ROS đã đưa ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất trên TTCK Việt Nam vào cuối 2016. Ông Quyết cũng chính thức là tỷ phú USD thứ 2 tại Việt Nam, với tổng giá trị cổ phiếu hơn 1,5 tỷ USD.
Trong những ngày cuối cùng năm 2016, ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Tập đoàn Novaland (NVL) cũng bất ngờ được xem là tỷ phú USD thứ 3 tại Việt Nam. Novaland có vốn hóa hơn 35 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 1,6 tỷ USD, trong đó ông Nhơn và vợ con trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% cổ phần Novaland.
Chưa có năm nào, số lượng tỷ phú Việt lại xuất hiện nhiều như năm qua. Những gương mặt nổi tiếng một thời như Trương Gia Bình, Đặng Thành Tâm,... dần chìm sâu trong bảng xếp hạng. Sự gia tăng chóng mặt về số lượng người Việt siêu giàu đang thắp sáng giấc mơ làm giàu của giới trẻ.
Thay vì phải mất 20-30 năm để có thể đạt được mức tài sản vài ngàn tỷ, giờ đây các doanh nhân trẻ có cơ hội rất lớn để bứt phá, giàu có trong một thời gian rất ngắn. Đây cũng là xu hướng chung thế giới, sự sáng tạo kết hợp với công nghệ quản trị, nguồn vốn từ TTCK,... sẽ giúp DN phát triển nhanh chóng. Cùng với làn sóng khởi nghiệp sẽ giúp nền kinh tế Việt phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
M. Hà