Tỷ phú nước mắm, mì tôm

Tạp chí Forbes tối 5/3 công bố danh sách tỷ phú USD 2019, ghi danh ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan) là tỷ phú USD Việt mới với tài sản đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1717 thế giới.

Theo Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang (1963) từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank. Ông Quang là tỷ phú tự thân, có 3 con.

Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang đang gián tiếp nắm giữ khoảng 252 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 22% cổ phần Masan, trị giá khoảng 22,6 ngàn tỷ đồng theo vốn hóa của Masan trên sàn.

Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 3,65% cổ phần MSN. Ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Techcombank (TCB), Coninco (CNN)…

Trước đó, ngay từ 2018, ông Nguyễn Đăng Quang đã được Bloomberg ghi nhận là 1 trong 2 tỷ phú USD mới của tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 với tài sản khoảng 1,2 tỷ USD. 

{keywords}
Ông Nguyễn Đăng Quang.

Ông Nguyên Đăng Quang là tiến sỹ vật lý hạt nhân nhưng thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Ông được biết đến là người mang ngành sản xuất mì gói và tương ớt sang Nga. Về Việt Nam, ông Quang thành công hơn với việc xây dựng được một chế hàng tiêu dùng nhanh với nhiều sản phẩm từ mì gói, tương ớt, nước tương, nước mắm

Không những thế, Masan của ông Quang hiện cũng nắm giữ mỏ quặng quý hiếm hàng đầu thế giới sau khi công ty con mua lại 49% để sở hữu 100% nhà máy chế biến hóa chất vonfram hàng đầu thế giới Núi Pháo - H.C.Starck.

Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh được xem là cặp bài trùng, từng tham gia ở cả trong 2 đế chế Masan và Techcombank. Gần đây, ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan để tập trung vào Techcombank theo những quy định riêng của ngành ngân hàng. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang tiếp tục vận hành Masan.

Từ những năm 90, ông Nguyễn Đăng Quang đã thành lập và điều hành Mansan Rus Trading tại Nga, tiền thân của tập đoàn hàng tiêu dùng Masan. Đây là một đế chế trong ngành tiêu dùng Việt. Cả Masan và Techcombank đều là các định chế lớn tại Việt Nam, lọt top 10 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM với vốn hóa 100 ngàn tỷ đồng. 

{keywords}
Ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh lọt danh sách tỷ phú USD thế giới.

Mở rộng đế chế tư nhân đa ngành

Trong năm 2018, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận doanh thu hơn 38 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm liền trước. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) đạt gần 4.600 đồng/cp. Tổng tài sản đạt hơn gần 65 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu hơn 34 ngàn tỷ đồng.

Cũng trong 2018, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận lợi nhuận sau thế đạt mức kỷ lục hơn 5,6 ngàn tỷ đồng. Masan Consumer Holdings (MCH) là doanh nghiệp thuộc Masan có tăng trưởng mạnh nhất.

Hệ sinh thái Masan Group bao gồm một loạt các doanh nghiệp tên tuổi hoạt động trên nhiều lĩnh vực chủ chốt như: thực phẩm, đồ uống (Masan Consumer Holdings), thức ăn chăn nuôi - chế biến thịt (Masan Nutri-Science) và khoáng sản (Masan Resources với nòng cốt là mỏ Núi Pháo).

Tập đoàn này hiện đang kinh doanh các lĩnh vực Thức ăn chăn nuôi (Proconco, Anco), hàng tiêu dùng (Omachi, Chinsu, Vinacafe...), khoáng sản (mỏ núi Pháo), ngân hàng (Techcombank)...

Đây đều là những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động. Mục tiêu chiến lược của Masan của ông Quang là nhắm tới tối đa các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam.

Trong năm 2019, Masan kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục mạnh ở tất cả các mảng kinh doanh, với doanh thu thuần ước tính tăng 18-30%.

Masan là doanh nghiệp phát triển rất nhiều nhãn hiệu sản phẩm trong lĩnh vực mì tôm, nước mắm, tương ớt… Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chính là ông lớn mạnh tay chi khoảng 9 tỷ đồng cho 10 quảng cáo, mỗi quảng cáo 30 giây trong trận chung kết AFF Cup 2018 cho loại mỳ tôm mới, cũng như 1 nhãn hiệu tương ớt và xúc xích của doanh nghiệp này. 

{keywords}
Nhiều doanh nhân khởi nghiệp ở Đông Âu giàu lên nhanh chóng.

Mảng thực phẩm, đồ uống (Masan Consumer Holdings) được xem là thế mạnh của Masan và cũng là mảng sản xuất truyền thống của ông Nguyễn Đăng Quang. Thời gian ở Nga, ông Quang khởi nghiệp kinh doanh bằng việc bán mì ăn liền cho cộng đồng người Việt tại Nga. Ông Quang sau đó đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt.

Những năm đầu thiên niên kỷ mới, ông Quang đưa Masan trở về Việt Nam và ra mắt thị trường với sản phẩm đầu tiên và cũng là sản phẩm hiện có thị phần khá lớn tại Việt Nam: nước tương Chin-su.

Không chỉ ở thị trường trong nước, Masan cũng có tham vọng tấn công sang các thị trường trong khu vực với việc bắt tay với đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan năm 2015. Masan tung sản phẩm nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường Thái Lan, nhưng cho đến nay chưa có báo cáo về thành công của ông Quang tại thị trường này.

H. Tú