Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách đạt 745.400 tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Thu ngân sách nhà nước đều tăng ở thu nội địa, dầu thô, cân đối xuất nhập khẩu hàng hoá, tăng thu ở cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây (51,5% dự toán).

Con số này được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao vì đây là “tiền tươi thóc thật”. “Tăng trưởng cao mà thu giảm thì không có ý nghĩa gì lớn”, ông Vương Đình Huệ nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính trong dài hạn, rà soát lại tỷ lệ động viên thu ngân sách theo các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị theo hướng tăng tỷ lệ điều tiết ở một số lĩnh vực như thuế tiêu thụ đặc biệt để vừa bảo đảm sản xuất, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, có lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT.

{keywords}
“Tinh thần thu ngân sách chặt chẽ và thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để thu, chứ không chỉ đơn giản là thu thuế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh

“Tinh thần thu ngân sách chặt chẽ và thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để thu, chứ không chỉ đơn giản là thu thuế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh vào cuối năm 2019; phát triển thu thuế điện tử theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chi NSNN trong 6 tháng đạt 666.100 tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018.

Về chi NSNN, Phó Thủ tướng đánh giá ngành Tài chính thực hiện chặt chẽ, đúng dự toán.

Đặc biệt, nhắc đến nợ công, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nợ công giảm từ mức 64,8% GDP vào năm 2016 xuống còn 58,4% GDP năm 2018.

“Tỷ lệ trả nợ giảm từ 27,6% tổng thu ngân sách xuống còn 17-18%. Đây là thành tự rất lớn của Bộ Tài chính trong nhiệm kì này. Đó là nhờ chúng ta quyết liệt thực hiện siết chặt cấp bảo lãnh Chính phủ. Bộ trưởng Tài chính cũng rất kiên định việc này. Nhiều tập đoàn phải tự bươn chải đi vay trên thị trường, không có bảo lãnh”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng bày tỏ băn khoăn khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.

“Tỷ lệ giải ngân 6 tháng năm nay còn thấp hơn cùng kỳ 2018, chỉ đạt 32% dự toán. Trong khi cùng kỳ năm trước đạt 33,9%, có nghĩa tỷ lệ giải ngân năm nay còn thấp hơn. Việc này có trách nhiệm các bộ các ngành, các địa phương nhưng công tác phối hợp của Bộ Tài chính là quan trọng. Đây là điểm nghẽn cần có giải pháp tháo gỡ”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng đề nghị xử lý việc thanh toán các dự án đầu tư cho các nhà thầu. Ông chia sẻ: "Tôi đi một số nước, nước nào cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam sớm thanh toán khoản nợ cho các nhà thầu. Bởi vì chúng ta chưa giải ngân được, khiến nhà thầu nước ngoài và cả trong nước cũng đều gặp khó khăn".

“Mặc dù còn nhiều trở ngại trong hoàn thiện pháp luật và nhiệm vụ thu chi ngân sách nhưng Bộ Tài chính phải tiếp tục chủ động tháo gỡ. Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ rất rõ, Chính phủ chỉ “bàn” tiến chứ không “bàn” lùi, kiên định mục tiêu tăng trưởng, thu chi ngân sách và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Không để cho địa phương nào thu giảm và tổng thu ngân sách phải tăng 5%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ trước toàn ngành Tài chính.

11 triệu người hưởng tiền ngân sách, giảm 40 ngàn vẫn quá cồng kềnh

11 triệu người hưởng tiền ngân sách, giảm 40 ngàn vẫn quá cồng kềnh

Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách khoảng 11 triệu người, bao gồm cả các đối tượng chính sách.

Lương Bằng