Tôm hùm Alaska, cua Hoàng đế, bào ngư nhập khẩu giá siêu rẻ
Tôm hùm Alaska, cua Hoàng đế, bào ngư, cá tuyết, ốc vòi voi... là những hải sản cao cấp dành cho giới thượng lưu, thường phải đặt hàng trước mới có. Nhưng trong năm 2020, các loại hải sản này ồ ạt đổ bộ về Việt Nam và được rao bán tràn lan với giá rẻ chưa từng có.
Theo khảo sát trên Dân Việt, giá cua hoàng đế đang bơi hiện chỉ từ 1,3-1,5 triệu đồng/kg thay vì 2,2-2,5 triệu đồng/kg như trước đây; tôm hùm Alaska giảm giá 50% chỉ còn từ 550-830.000 đồng/kg; bào ngư Hàn Quốc giảm giá từ 1,8 triệu đồng/kg xuống còn từ 900.000 đồng/kg.
Cua hoàng đế giảm giá đến 50% (Ảnh: Dân Việt) |
Một trong những lí do khiến các loại hải sản này ồ ạt đổ bộ về Việt Nam là do các hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực giúp người tiêu dùng hưởng lợi.
Cá vược rớt giá chỉ còn 65.000 đồng/kg
Gần 1 tháng nay, nhiều hộ dân nuôi cá vược ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) gặp nhiều khó khăn bởi giá cá vược xuống thấp chưa từng có nhưng vẫn không có bóng dáng của thương lái đến mua. Mỗi con cá vược nặng từ 2-3kg đang được bán với giá chỉ 65.000 đồng/kg, giảm một nửa so với những năm trước. Thay vì bán buôn từ 5-7 tạ/lần thì nay người nuôi phải rao bán lẻ từng con.
“Mọi năm thương lái đi ô tô đến tận ao nuôi để mua với số lượng lớn, giá tại bờ cũng phải từ 80.000-120.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm được 150.000-180.000 đồng/kg nhưng năm nay không có người mua. Cá quá lứa, được 2-3kg rồi, ăn cực kỳ tốn thức ăn nhưng vẫn phải nuôi cầm chừng”, anh Bùi Văn Mười (trú xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) cho biết.
Loạn giá cá tầm lậu Trung Quốc
Các loại cá tầm nhập lậu Trung Quốc được bán trên thị trường có giá từ 130.000-160.000 đồng/kg, trà trộn và không phân biệt được nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm cũng như dịch bệnh. Trong khi đó, các loại cá tầm của Việt Nam được nuôi trồng tại Sa Pa có giá từ khoảng 170.000 đồng/kg xuất từ các trang trại và giá bán ra thị trường từ 200.000-240.000 đồng/kg.
Cá tầm Trung Quốc gây loạn giá tại thị trường Việt Nam (Ảnh: Dân Trí) |
Việc cá tầm nhập lậu Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, giả các loại cá tầm trong nước trước mắt khiến giá cá tầm nuôi trong nước giảm rất mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ hoặc xuất khẩu loại đặc sản này.
Giá bia rục rịch tăng, sức mua giảm
Còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, giá bia đã rục rịch tăng, cao hơn 10.000-20.000 đồng/thùng so với tháng trước. Tại các đại lý, cửa hàng,... giá bia cùng loại cũng có sự chênh lệch. Ngoài ra, điều khá đặc biệt ở thị trường bia năm nay là giá bia tại các siêu thị lại rẻ hơn so với bên ngoài. Trong khi các đại lý tăng giá bán sản phẩm thì các hệ thống siêu thị lại giảm giá, khuyến mãi đối với các loại bia Tết.
Tuy nhiên, sức mua hiện nay khá ảm đạm, khác hẳn những năm trước. Chủ một đại lý bia, nước giải khát ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết trên Zing, sức mua mặt hàng bia năm nay giảm 70-80% so Tết năm ngoái.
Giá lợn hơi bất ngờ hạ nhiệt
Do nguồn cung tăng mạnh từ trong nước và lợn sống nhập chính ngạch từ Thái Lan cùng số lượng thịt đông lạnh từ Nga, Mỹ, Canada về nhiều nên gần đây giá lợn hơi tại các chợ đầu mối đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm. (Ảnh: Dân Trí) |
Anh Thực, một đầu mối bán buôn tại chợ đầu mối lợn Hà Nam, cho biết trên Dân Trí, giá lợn hơi trong sáng 22/1 tại chợ chỉ còn 80.000 đồng/kg. Cách vài ngày, giá lại giảm 2.000 đồng/kg, không còn ở đỉnh 85.000-86.000 đồng/kg như cách đây vài hôm. Còn ở khu vực miền Trung, giá lợn hơi dao động trong khoảng 81.000-84.000 đồng/kg.
Gần Tết, dịch vụ giúp việc tăng giá mạnh
Giá giúp việc những ngày cận Tết tăng chóng mặt. Nếu thuê theo ngày, mức giá có thể lên tới 300.000-500.000 đồng/người/ngày, còn thuê theo giờ là từ 80.000-100.000 đồng/người, tùy thuộc vào đầu công việc được giao.
Anh Hải - quản lý một nhóm giúp việc nhà ở Hà Nội - tâm sự, những ngày qua, anh liên tiếp nhận được những cuộc gọi, hỏi thuê người. Do nhân sự có hạn nên anh không dám nhận nhiều. Anh Hải dự kiến, từ sau ngày 23 tháng Chạp, phí dịch vụ tìm người giúp việc sẽ tăng lên gấp 3, thậm chí, sau ngày 27, mức giá có thể tăng 300-400% so với mức lương ngày thường.
Thị trường quà Tết sôi động, giá đa dạng
Theo ghi nhận của PV, giỏ quà Tết đang được bán khá rầm rộ trên các tuyến đường ở TP.HCM. Mỗi giỏ quà "bình dân" có giá từ 300.000-700.000 đồng. Những giỏ quà đắt tiền có giá từ 1,5-2 triệu đồng.
Hộp đông trùng hạ thảo có giá lên tới 85 triệu đồng/hộp 50g. (Ảnh: Dân Trí) |
Dịp Tết Nguyên đán Tân sửu 2021 cũng xuất hiện những hộp quà Tết "siêu sang" dành cho giới nhà giàu, chủ yếu là những loại thực phẩm bồi bổ cơ thể, chăm sóc sức khỏe. Tại một cửa hàng chuyên bán thực phẩm cao cấp ở quận Gò Vấp, một hộp đông trùng hạ thảo Tây Tạng thiên nhiên có giá 85 triệu đồng/hộp 50g, tức mỗi ký đông trùng hạ thảo có giá khoảng 1,7 tỷ đồng.
Giá vé máy bay Tết giảm mạnh
Giá vé máy bay cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 có xu hướng càng gần Tết càng giảm, thấp hơn cùng kỳ tới 2 triệu đồng.
Theo khảo sát của Zing, giá vé khứ hồi trên chặng TP.HCM - Hà Nội khởi hành ngày 10/2/2021 (29 tháng Chạp năm Canh Tý) và trở lại vào ngày 16/2/2021 (5 tháng Giêng năm Tân Sửu) đang có xu hướng rẻ đi. So với thời điểm đặt vé đầu tháng 12/2020, hành khách đặt vé tại thời điểm 19/1 sẽ tiết kiệm khoảng 1,5-1,7 triệu đồng mỗi vé khứ hồi.
Giá vé giảm mạnh là do các hãng bay liên tục tăng chuyến trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội trong cao điểm Tết và giảm giá mạnh để cạnh tranh nguồn khách.
Kiệu Tết rớt giá mạnh
Đang là mùa thu hoạch kiệu Tết, nhưng do dịch bệnh và bị tiểu thương ép giá, hàng trăm nông dân ở Khánh Hòa lâm cảnh khó khăn. “Năm ngoái 1 kg kiệu tại ruộng có giá 40.000-55.000 đồng, nay chỉ còn từ 25.000-30.000 đồng", ông Bùi Văn Đức (ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) chia sẻ.
Kiệu rớt giá (Ảnh: Zing) |
Theo người dân, ngoài việc giá thu mua thấp thì chi phí giống, công chăm sóc, công thu hoạch tăng cao khiến lợi càng thấp thêm.
Thanh long rớt giá, nông dân thua lỗ
Giá thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang ở mức thấp hơn nhiều so với các vụ cận Tết những năm trước. Hiện mức giá chỉ 5.000-8.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng và từ 12.000-14.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ. Thực trạng này đang khiến người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đối mặt với thua lỗ.
Theo Báo Bình Thuận, thời điểm này, hầu hết vựa lớn chỉ mua đủ hàng đóng thùng đi Trung Quốc, chứ không mua liên tục như mọi năm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức tiêu thụ thanh long chậm nên thương lái không dám đặt cọc thu mua với nông dân cho đến khi nguồn hàng tồn kho được giải quyết.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)