Thông thoáng xe nhập

Ngày 5/2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung một số điều tại các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. Văn bản này sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 116/2017 NĐ-CP, quy định điều kiện sản xuất lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Cụ thể, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc chưa qua sử dụng sẽ được quản lý chất lượng theo phương thức sau: Nếu là xe nhập khẩu từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất.

{keywords}
Quy định mới giúp xe nhập khẩu thông quan trong vòng 1 tuần thay vì 1 tháng rưỡi như trước

Đối với ô tô nhập khẩu, được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận, thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra thử nghiệm về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường.

Tần suất đánh giá kiểu loại tối đa là 36 tháng. Ngoài ra, bãi bỏ khoản 11, điều 3 tại Nghị định116, quy địnhvề Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại nhập khẩu.

Theo quy định tại Nghị định 116, ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe. Ngoài ra, DN nhập khẩu phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu do nhà chức trách nước ngoài cấp.

Với những thay đổi trên, từ năm 2020, việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chưa qua sử dụng sẽ trở nên thông thoáng hơn nhiều. Mỗi kiểu loại xe chỉ cần lấy mẫu để kiểm tra chất lượng, kết quả được chấp nhận cho tất cả các lô hàng nhập khẩu tiếp theo, trong vòng 36 tháng, nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật. Theo các DN, quy định mới sẽ giúp cho xe nhập khẩu về Việt Nam được thông quan trong vòng khoảng 7 ngày, so với 45 ngày hiện nay, và chi phí giảm một nửa.

Còn với giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, đến nay một số quốc gia vẫn không cấp cho DN, khiến xe không thể nhập về Việt Nam, nay được bãi bỏ thì việc nhập khẩu lại diễn ra bình thường.

Xe “nội” đi về đâu?

Năm 2019, ô tô nhập khẩu dù phải thực hiện kiểm tra theo lô, nhưng kim ngạch đã tăng mạnh, đạt 142.000 chiếc các loại, với tổng trị giá đạt 3,1 tỷ USD, tăng 71% về lượng và tăng 69,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Với thay đổi này, các nhận định cho thấy, năm 2020 nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ tiếp tục tăng cao hơn, gây sức ép lên xe sản xuất lắp ráp trong nước. Đặc biệt là các dòng xe nhập khẩu giá rẻ từ ASEAN về Việt Nam.

Các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước rất lo lắng về điều này.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty TC Motor, cho rằng, xe nhập năm 2019 đã tràn về nhiều, vẫn còn số lượng lớn chưa bán hết, hàng tồn đầy kho bãi. Nay chính sách sửa đổi, xe nhập khẩu càng có cơ hội tràn vào nhiều hơn. Trong khi đó, các ưu đãi dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn chưa thấy đâu, chắc chắn sẽ khiến các DN thêm khó khăn.

{keywords}
Xe lắp ráp trong nước trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ

Một số DN ô tô FDI lo lắng, quy định kiểm tra theo lô là để bảo vệ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, nay sửa đổi kiểm tra theo mẫu thì xe nhập sẽ tràn vào, đe dọa xe trong nước.

“Cho dù chúng tôi có cả xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp trong nước, nhưng như vậy phần sản xuất lắp ráp có nguy cơ giảm sút”, giám đốc một DN FDI thừa nhận.

Các DN cho rằng, nếu đã bỏ hàng rào thủ tục hành chính với xe nhập khẩu thì cần nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần gia tăng trong nước được các DN ô tô rất mong chờ. Tuy nhiên, hai năm qua giải pháp này vẫn trên bản thảo. Nếu cứ chần chừ, xe trong nước sẽ khó cạnh tranh với xe nhập khẩu, sản lượng tiếp tục giảm. Năm 2019 xe sản xuất lắp ráp đã giảm tới 12% so với 2018.

Theo ông Đức, mức giảm giá bán lẻ cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp, dựa trên những ưu đãi hiện nay, tối đa chỉ từ 12-15%, trong khi ôtô nhập khẩu nguyên chiếc có thể giảm 23-25%. Các DN sản xuất lắp ráp đang phải gánh rất nhiều chi phí liên quan đến đầu tư, vận hành nhà máy, chi phí kho bãi,... để đáp ứng được khối lượng linh kiện nhập khẩu rất lớn, cũng như các chi phí để truyền thông, quảng bá, phân phối sản phẩm. Làm thương mại dễ dàng và an toàn hơn so với sản xuất có nhiều rủi ro, ông Đức nhận xét.

Ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc rất nhiều vào quy mô và sản lượng. Nếu không có sản lượng lớn thì khó phát triển. Cạnh tranh với xe nhập khẩu giờ thật sự căng thẳng.

Việt Nam có thị trường ô tô tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt quy mô 1 triệu xe/năm sau năm 2025, do đó luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các DN ô tô. Thái Lan và Indonesia đang tăng cường chiếm lĩnh thị trường ô tô Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch ô tô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia chiếm khoảng 2 tỷ USD, dự kiến năm nay tiếp tục tăng.

Không những thế, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do CPTPP và sắp tới là EVFTA. Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết sẽ giảm dần về 0% sau 7-10 năm nữa. Tới năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU. Thị trường ô tô Việt Nam phân khúc 9 chỗ ngồi trở xuống có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, xe nhập ngày càng chiếm lĩnh thị trường.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và mở cửa thị trường, nếu không đẩy mạnh phát triển và đứng vững, sau 2025. ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ khó tồn tại và thị trường sẽ bị thôn tính.

Trần Thủy