30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo ngày 10/7 về lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm cho thấy: Cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng 17,6 triệu người.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, cho biết: Lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hàng chục triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Ảnh: L.Bằng |
Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
"Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay", bà Vũ Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Dịch Covid-19 cũng làm giảm cung ứng thị trường lao động ở tất cả nhóm tuổi, đặc biệt là nhóm từ 55 tuổi trở lên tại khu vực thành thị.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2020 là 51,8 triệu lao động, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Lao động có việc làm trong quý II giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan. Đặc biệt là trong tháng 4/2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để.
Lao động thiếu việc làm tăng, thu nhập giảm
Theo Tổng cục Thống kê, số người từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm trong quý II là gần 1,5 triệu người, tăng hơn 363 nghìn người so với quý trước.
Thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý II cũng giảm và là năm đầu tiên ghi nhận mức giảm thu nhập trong vòng 5 năm qua.
Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II là 5,2 triệu đồng/người, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ. Điều này là rất đáng lo ngại nếu nhìn vào con số thu nhập của năm 2019 so với 2018. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%.
Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho rằng tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2020 là 2,73%.
Tuy tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đó vẫn là con số thấp hơn nhiều nước. Canada tỷ lệ thất nghiệp là 13,7%; Mỹ là 13,3%; Trung Quốc là 5,9%.
Trả lời báo chí về lý do tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam ở mức thấp so với nhiều nước, bà Vũ Thị Thu Thủy cho rằng: Tỷ lệ thất nghiệp bình thường các năm trước của Việt Nam là ở khoảng 2%. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 2,73% đối với lao động từ 15 tuổi trở lên. Đó cũng không hẳn là con số thấp. Còn nếu tính tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 4,46%, đây là là con số khá cao
Trong khi đó, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng bắt đầu tăng lên khi dịch Covid - 19 xuất hiện. "Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động có nhu cầu làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay", bà Vũ Thị Thu Thủy chia sẻ.
Để hỗ trợ người lao động, Tổng cục Thống kê kiến nghị đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ; nghiên cứu xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi Covid-19; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Bà Valentina Barcucci, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng báo cáo của Tổng cục Thống kê đã phát đinh tín hiệu báo động cho tình hình lao động việc làm của Việt Nam trong quý vừa qua.
“Khi dịch bệnh gia tăng, Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội. Một số quốc gia khi dịch bệnh gia tăng, họ cũng áp dụng cách ly xã hội, ảnh hưởng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ kinh doanh. Hai yếu tố kết hợp làm ảnh hưởng việc làm nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung của Việt Nam”, Bà Valentina Barcucci nói.
Bà Valentina Barcucci đánh giá: Vì các lý do trên, một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng, chưa bao giờ bị như vậy. Người lao động mất việc làm nhưng họ không tìm việc làm mới có thể do không có nhiều việc làm ở ngoài thị trường.
Theo bà Valentina Barcucci, các phát hiện trong báo cáo này cung cấp cho nhà hoạch định chính sách nhiều thông tin quý giá.
“Chúng ta đều biết Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng với đại dịch vừa qua, đưa ra chính sách ứng phó kịp thời vào đầu tháng 4. Theo thời gian, cùng với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, các chính sách ấy cần phải kiểm chứng xem phù hợp không, có cần điều chỉnh không. Tôi mong Tổng cục Thống kê cùng bộ ban ngành khác phối hợp với chủ lao động, người lao động xem các chính sách can thiệp đó hiệu quả hay chưa, để thiết kế chính sách phù hợp hơn dựa trên số liệu điều tra”, Bà Valentina Barcucci khuyến nghị.
Lương Bằng
Lao động xuất khẩu, tiền không là gì so với "cái đầu mang về"
Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan có những ý kiến đáng lưu tâm về mô hình ở Đồng Tháp làm xuất khẩu lao động khi Quốc hội thảo luận tổ sáng nay (10/6) về dự luật sửa đổi đối với lĩnh vực này.