Những màn "đấu tố"
Những ngày giữa tháng 7, trên mạng xã hội ầm ĩ lời cảnh báo từ một trường hợp vay mua xe ô tô, quá hạn trả nợ "bị" ngân hàng gọi mang xe lên thẩm định rồi thu mất.
Cụ thể, nhân vật chính là ông Nguyễn Văn C. tại Mỹ Đức, Hà Nội. Ông C vay tiền ngân hàng mua chiếc xe 24 chỗ vào năm 2019 để kinh doanh chở khách và dùng chính chiếc xe làm tài sản đảm bảo. Cho đến cuối năm, ông vẫn trả nợ ngân hàng đúng hẹn nhưng khi Covid-19 xảy ra, việc kinh doanh bị khó khăn, ông C. bắt đầu không trả nợ đúng hạn.
Ngày 29/5, nhân viên ngân hàng yêu cầu ông C. đem xe lên định giá để làm hồ sơ giãn nợ theo quy định. Nhưng trong khi người lái xe lên văn phòng để viết đơn thì ngân hàng đã cẩu xe đi mất.
Cuối tháng 6/2020, một người vay lên mạng tố ngân hàng dàn cảnh để tịch thu xe. Theo lời kể, anh này vay ngân hàng mua ô tô thời hạn 6 năm, đã trả nợ được 4 năm. Do công việc gặp khó khăn khi dịch Covid-19 xảy ra, anh xin đổi ngày trả gốc và lãi để trùng với kỳ lĩnh lương mới. Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau, một nhóm tự xưng là thu hồi nợ của Ngân hàng đến nhà đưa ra thông báo thu hồi trước hạn rồi cưỡng chế với lý do trả chậm nhiều lần và cẩu xe đi.
Ở vị trí khách hàng, những clip trên mạng luôn cố chứng tỏ rằng ngân hàng đã "phá luật" hoặc không hỗ trợ giãn nợ, linh hoạt kỳ trả nợ vào lúc khó khăn mà chỉ nhăm nhe ép khách để siết chiếc ô tô.
Phía pháp chế của các ngân hàng thì khẳng định, khi khoản vay mua xe đã thành nợ quá hạn, theo luật, ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Theo ngân hàng, những trường hợp khách hàng lên mạng "bóc phốt" như trên chỉ đưa ra thông tin một chiều, có lợi cho bản thân để người dùng mạng xã hội hiểu lầm.
Ảnh minh họa |
Xe con, xe khách và xe tải đều bị rao thanh lý ồ ạt
Vào năm 2016, báo chí quốc tế từng cảnh báo về rủi ro vỡ nợ đối với hoạt động cho vay mua ô tô ở Trung Quốc, khi mà những người gửi tiết kiệm truyền thống – vốn có ác cảm với việc vay nợ lại nhanh chóng có ý tưởng vay ngân hàng để mua ô tô.
Xu hướng đó tăng nhanh đến mức, các nhà phân tích tại Deloitte dự đoán rằng tỷ lệ các khoản mua xe qua vay mượn tại ngân hàng ở Trung Quốc sẽ chạm mức 50% vào năm 2020.
Dù vẫn còn thấp hơn tỷ lệ 80% ở Mỹ rất nhiều nhưng việc kiểm soát rủi ro vỡ nợ đối với các khoản vay có thể vô cùng khó khăn ở Trung Quốc, bởi ở đây không có một hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân đủ tin cậy so với Mỹ.
Điều đó đã từng gây rắc rối cho ngành ô tô Trung Quốc khi trước đó họ đã cố gắng để đẩy mạnh doanh số bán xe thông qua các khoản vay sau khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990. Do thiếu cơ chế kiểm soát rủi ro, việc vỡ nợ hàng loạt đã xảy ra.
Đi sau thị trường quốc tế một chút, năm 2018 – đầu 2019 là khoảng thời gian bùng nổ hoạt động cho vay mua ô tô tại Việt Nam. Và đến tháng 6/2020, thị trường bắt đầu chứng kiến hàng loạt tin rao thanh lý xe ô tô từ các ngân hàng.
Ví dụ, Ngân hàng Quốc tế VIB thông báo thanh lý 59 chiếc xe từ ô tô loại nhỏ (chủ yếu là ô tô dưới 9 chỗ các dòng Toyota Vios, Ford Transit, Toyota Innova, Honda City…) đến xe khách và xe tải như chiếc xe khách Samco Limousine rao thanh lý giá 890 triệu đồng, xe Ford Transit 16 chỗ rao giá 434 triệu đồng.
Quảng cáo cho vay mua ô tô của VPBANK |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thanh lý 22 ôtô các loại hiệu Hyundai, Chevrolet, Ford, BMW, ô tô tải Trường Giang… với giá khởi điểm từ 276 triệu đồng đến 3,14 tỉ đồng/chiếc tùy loại. Trước đó, cuối tháng 6, VPBank cũng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản để thanh lý 17 ô tô với giá từ 276 triệu đến 1,5 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) rao bán đấu giá 5 ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet, Thaco và Kia để thu hồi các khoản nợ của khách hàng cá nhân. Trong đó, giá khởi điểm Toyota Vios E từ 381 triệu đồng…
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Long Biên Hà Nội (BIDV Long Biên Hà Nội) cũng thông báo về việc đấu giá tài sản là 08 xe khách Thaco Mobilhome lần thứ 9. Đây là các xe giường nằm có 38-41 chỗ nằm với giá khởi điểm từ 563 triệu đồng - 1,3 tỷ đồng/chiếc, đều thuộc một chủ xe là Công ty TNHH Hưng Thành.
8 chiếc xe này từng được BIDV rao bán vào cuối năm 2019, với giá cao hơn rất nhiều so với hiện tại, chênh khoảng 200-500 triệu đồng.
Chia sẻ với báo chí, phía các ngân hàng đều thừa nhận, phần nhiều trong lượng ô tô thanh lý này là nhằm thu hồi và xử lý các khoản nợ trong bối cảnh doanh nghiệp và cá nhân vay gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Dịch bệnh khiến cho hoạt động kinh doanh vận tải bị gián đoạn hoặc đình trệ nên những doanh nghiệp không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng. Nhiều cá nhân trước đây mua xe trả góp vừa phục vụ gia đình vừa kinh doanh cũng gặp khó do thu nhập giảm sút, không trả nợ đúng hạn và bị rơi vào nhóm nợ xấu, buộc ngân hàng phải xử lý tài sản đảm bảo.
Nhưng không thể không nhìn nhận rằng, "sóng" thanh lý xe lần này cũng bắt nguồn từ "sóng" đua vay tiền mua xe từ những năm trước đó.
Hậu quả của cơn tăng nóng vay tiền mua ô tô?
Một báo cáo phân tích của công ty chứng khoán Bản Việt cho biết, tăng trưởng bình quân của hoạt động cho vay ô tô trong giai đoạn 2012-2016 tại Việt Nam lên tới 38% do bùng nổ của nền kinh tế, sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, tầng lớp trung lưu gia tăng và nhu cầu mua xe gia tăng để phục vụ cho "taxi công nghệ" như Grab.
Cùng với đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và logistics, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã vay tiền đầu tư mua ô tô để cho thuê.
Sự xuất hiện của VinFast cũng đóng góp không nhỏ vào hoạt động cho vay mua ô tô. Đơn cử như vào tháng 8/2019, dịch vụ gọi xe Fastgo đã hợp tác với Vinfast để cung cấp 1.500 xe Fadil với nhiều chính sách ưu đãi cho các tài xế mua xe Fadil, trong đó có cho vay mua xe ưu đãi lãi suất và thời hạn trả nợ.
Báo cáo của Bản Việt cho biết, 5 nhà băng giữ thị phần lớn nhất trong lĩnh vực cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.
Khi cho vay mua xe đang ở trong đà tăng mạnh mẽ, đại diện VPBank từng nhận định, mua xe cho thuê lại là xu hướng thịnh hành không chỉ Việt Nam mà cả các nước. Việt Nam là thị trường ô tô có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực với 38%/năm trong khi Malaysia giảm 13%, Thái Lan giảm 4% và Indonesia chỉ tăng 5%. Chưa kể, tỉ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam chỉ ở mức 16 xe/1.000 dân. Con số này thấp hơn nhiều nếu so với Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Một chuyên viên tín dụng của TPBank cho hay, các khoản vay mua ô tô bùng nổ vào năm 2018 đến 2019 do nhu cầu lớn từ thị trường với các nguyên nhân vừa đề cập. Các ngân hàng cũng nhân lúc thị trường thuận lợi để tung ra các sản phẩm cho vay rất cạnh tranh về lãi suất, thời hạn và thủ tục vay.
Không những vậy, do cạnh tranh giữa chính các nhân viên tín dụng tại một ngân hàng nên các khoản cho vay mua ô tô có thể bị thẩm định không kỹ - chúng được gọi là "cho vay bão".
Làn sóng thanh lý xe lần này – ngoài các xe chạy dịch vụ bị điêu đứng bởi Covid-19 thì còn xuất phát từ những cá nhân chơi bitcoin và chứng khoán thua lỗ. Các thị trường này đi lên mạnh mẽ vào năm 2017 và "giật" lên xuống nhiều lần trong năm 2018, 2019 khiến cho nhiều nhà đầu tư cháy túi và không trả được khoản nợ vay mua ô tô đã ký hồi "chiến thắng".
Từ giữa năm 2019, TPBank đã chuyển hướng trọng tâm từ việc theo đuổi vị trí dẫn đầu mảng cho vay mua ô tô sang mảng khác an toàn hơn do thị trường cho vay mua ô tô ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt. Tình trạng đó khiến cho nợ xấu của ngân hàng này gia tăng.
Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính đánh giá, hoạt động thanh lý xe ô tô tại các ngân hàng gần đây dù có tăng nhưng chưa thể kết luận sẽ đi đến cú đổ vỡ - hậu quả của việc tăng trưởng cho vay mua xe ô tô trước đó. Việt Nam đã xử lý dịch Covid-19 rất tốt và sức cầu từ nội địa đối với du lịch, vận tải… có thể làm bà đỡ cho các ngành này cũng như doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành.
"Bên cạnh đó, các ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng và xu hướng là tháo gỡ khó khăn chứ không phải là "ép" khách để thu hồi tài sản" – Chuyên gia nói.
(Theo Tổ Quốc)