Tăng trưởng 6,2% trong quý 2 của Trung Quốc là thấp nhất kể từ khi các số liệu theo quý được công bố. Ước tính sơ bộ quý 3 đạt khoảng 6-6,5%, thấp nhất từ trước đến nay.
Ảnh: Reuters |
Mặc dù các thị trường chứng khoán toàn cầu đã bình ổn và đàm phán thương mại với Mỹ đã được nối lại sau hai tháng gián đoạn, kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt khó khăn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, Richard Koo - nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomura – viết trong báo cáo hôm 18/9.
Một phần lớn sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đến từ khả năng cung cấp lao động rẻ hơn ở quy mô lớn so với các quốc gia công nghiệp khác.
"Bộ ba yếu tố nguy cơ làm suy giảm tăng trưởng" có thể hủy hoại lợi thế sản xuất của Trung Quốc và chuyển đầu tư nước ngoài quan trọng sang nơi khác, theo Richard Koo. Trong báo cáo, ông chỉ ra cụ thể 3 mối đe dọa chính và cách thức chúng có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc lụn bại.
Bẫy thu nhập trung bình
Khi sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc làm dâng cao cơn thủy triều kinh tế cho gần 1,4 tỷ người dân nước này, các mức lương cũng tăng theo. "Bẫy thu nhập trung bình" này rất nguy hiểm cho thị trường lao động giá rẻ của Trung Quốc, khi lợi ích sản xuất rời khỏi Trung Quốc chuyển sang các nước rẻ hơn.
Với mức lương hiện tại, tỷ lệ hoàn vốn của các nhà sản xuất ở Trung Quốc gần bằng mức được thấy ở các quốc gia sản xuất mới nổi như Bangladesh. Cuộc thương chiến Mỹ - Trung có thể càng làm trầm trọng thêm xu hướng này và dẫn đến "những tác động tiêu cực rất lớn cho Trung Quốc".
"Điều đó, cùng với những khó khăn mà các sản phẩm của Trung Quốc phải đối mặt ở Mỹ cùng nhiều thị trường khác, dự báo một sự suy giảm đầu tư trong nước nhiều khả năng sẽ diễn ra trong tương lai", ông Koo viết.
Dân số suy giảm
Dữ liệu nhân khẩu học cho thấy, lực lượng dân số trong độ tuổi làm việc của Trung Quốc đã giảm từ đầu thập niên 2010, và xu hướng này báo trước một sự suy giảm dân số ròng vào năm 2032, theo ông Koo.
Sự kết hợp của bẫy thu nhập trung bình với xu hướng dân số giảm là "cực hiếm" đối với một đất nước có sức mạnh kinh tế như Trung Quốc. "Chỉ hai yếu tố này đã tạo ra một thách thức lớn cho bất kỳ nước nào, nữa là Trung Quốc vốn đang hứng chịu cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ khởi xướng", nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomura bình luận.
Theo ông, với chỉ 13 năm nữa là dân số chính thức suy giảm, Trung Quốc nên tập trung vào phát triển tài sản trí tuệ của riêng mình và rời xa vai trò "công xưởng của thế giới".
Thương chiến
Tranh cãi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài sang năm thứ 2. Ngoài các quyết định hoãn đánh thuế và cam kết tiếp tục đàm phán, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nhắm tới một thỏa thuận.
Chuyên gia Koo cho rằng, Trung Quốc có lẽ đã xoay chuyển quá nhanh từ đầu tư nước ngoài sang đổi mới trong nước với kế hoạch Made in China 2025, và chiến tranh thương mại có thể gây thiệt hại cho các ngành sản xuất vốn là động lực của nền kinh tế nước này trong một thời gian dài.
"Kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ về bí quyết sản xuất mà cả tiếp thị lẫn bán hàng ở nước ngoài", ông Koo chỉ rõ. "Với góc nhìn đó, các nhà chức trách nên đối xử với vốn nước ngoài tốt hơn nữa so với trước kia".
Theo ông Koo, nếu hy vọng sẽ hồi phục và giữ nguyên được đầu tư nước ngoài, Trung Quốc sẽ phải tiến đến một thỏa thuận thương mại với Tổng thống Trump trước cuộc bầu cử Mỹ 2020. Nếu ông Trump thua thì "có thể sẽ không tách nổi địa chính trị ra khỏi các vấn đề thương mại".
Thanh Hảo