Trong bài phát biểu, ông Biden hứa rằng, nếu nền dân chủ non trẻ này diệt trừ được tham nhũng và duy trì một xã hội dân chủ, thì những nỗ lực của Ukraina sẽ "giữ cho cộng đồng quốc tế đoàn kết đằng sau các bạn".

Giờ đây, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Biden bước sang năm thứ 2, Ukraina một lần nữa lại là vấn đề hàng đầu trong nghị trình của ông giữa thời điểm Nga đang triển khai quân tới dọc biên giới với nước này và tạo ra một phép thử đối ngoại mới nhất đối với nhà lãnh đạo Mỹ.

{keywords}
Ảnh: MSNBC

Tổng thống Biden – người đã phải đối mặt với chỉ trích cả trong và ngoài nước vì chiến dịch rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm ngoái – đang thúc đẩy một giải pháp ngoại giao nhằm ngăn Tổng thống Nga Vladmir Putin không xâm lược Ukraina, đồng thời bắt đầu triển khai gần 3.000 binh sĩ đến khu vực.

Giới phân tích nhận định, ông Biden cũng như nhiều đồng minh châu Âu khác đang cố gắng xoa dịu căng thẳng với ông Putin trong khi vẫn khẳng định sức mạnh của liên minh quân sự NATO – tổ chức được thành lập bởi Mỹ và các nước châu Âu khác từ năm 1949 để chống lại sức mạnh gia tăng của Liên Xô.

Tuần trước, nhóm quân đầu tiên trong số 3.000 lính Mỹ được Tổng thống Biden triển khai tới khu vực đã đặt chân đến Ba Lan và Đức. Lầu Năm Góc cho biết, các lực lượng Mỹ đã đóng ở châu Âu cuối cùng đã có thể được tái bố trí tới các nước đồng minh NATO khác ở Đông Âu, tất cả đều nhằm phô trương sức mạnh để khiến Moscow từ bỏ mọi kế hoạch xâm lược Ukraina. Đến nay, Tổng thống Putin đã huy động 100.000 quân Nga tập trung dọc biên giới Ukraina và điều một loạt thiết bị tới khu vực.

"Ông Biden đã thể hiện quan điểm thân Ukraina, chống Nga nhiều hơn so với thời chính quyền Barack Obama, và ông Putin chắc chắn biết điều đó", báo Newsday dẫn lời Yoshiko Herrera, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wisconsin-Madison.

Cựu Tổng thống Barack Obama đã chọn Joe Biden làm người chỉ đạo của chính quyền về vấn đề Ukraina sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm ở miền đông Ukraina năm 2014. Trong cuốn hồi ký năm 2017, ông Biden đã viết rằng "chúng ta cần kiên quyết và đoàn kết ủng hộ Ukraina" bởi vì nếu quốc gia có chủ quyền này rơi vào tay Nga, tổn thất sẽ "vượt xa ngoài Ukraina".

"Công việc trước đây của Biden đã khiến tính toán của Putin trở nên phức tạp, bởi ông ấy không thể chắc chắn Biden sẽ loại bỏ tất cả các lựa chọn quân sự và tôi không nghĩ ông Biden đã làm điều đó", giáo sư Herrera nói. "Tôi nghĩ rằng điều đó làm giảm khả năng xâm lược vì Putin là một nhà lãnh đạo thận trọng và tính toán kỹ lưỡng. Ông ấy không hành động thất thường". 

Theo bà Herrera, một cuộc chiến với Ukraina sẽ không được lòng người Nga, trong khi họ đang phải vật lộn với một nền kinh tế khó khăn và không muốn tiến vào một cuộc xung đột mà sẽ gây thương vong lớn cho cả hai bên.

"Tôi nghĩ không đời nào ông Putin thực sự muốn một cuộc xâm lược Ukraina… Nó sẽ không thành công", bà kết luận.

Jeremi Suri, giáo sư chuyên về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Texas-Austin đánh giá một giải pháp ngoại giao thành công cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina không những quan trọng đối với ông Biden bên trong nước Mỹ mà còn cả ở bên ngoài, vì một số đồng minh châu Âu đã chỉ trích kế hoạch rút quân của Washington khỏi Afghanistan, cho rằng họ không được tính đến.

"Điều thực sự quan trọng là ông ấy phải tỏ ra là người ra lệnh, có năng lực, mạch lạc trong những gì đang làm và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh. Đối với nhiều đồng minh, chuyện Afghanistan giống như kiểu Mỹ tự chọn và rời đi, không cần hợp tác khi rút lui. Vì vậy, điều quan trọng với ông ấy là phải thể hiện mình thực sự đang hành động như một người lãnh đạo ở đây".

Trong bối cảnh đảng Dân chủ Mỹ đang tiến đến mùa bầu cử giữa kỳ khó nhọc, giáo sư Suri cho rằng Tổng thống Biden đang tìm kiếm một thành công về mặt ngoại giao để sử dụng cho chiến dịch tranh cử. "Tôi nghĩ rằng điều ông ấy hy vọng là chuyện này sẽ được giải quyết một cách hòa bình, và ông ấy sẽ có thể ghi công", ông Suri bình luận.

Theo Christopher Fettweis, một giáo sư chính trị - khoa học tại Đại học Tulane, Tổng thống Biden đang tìm cách gửi thông điệp tới người đồng cấp Nga rằng "nếu mục tiêu của ông là giữ Ukraina thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của phương Tây, và để Mỹ với Tây Âu không tạo nên một mặt trận thống nhất, thì xoa dịu cuộc khủng hoảng này sẽ giúp [Putin] đạt được mục tiêu đó, chứ không phải bằng cách tấn công Ukraina". 

>>> Tìm hiểu tình hình căng thẳng tại Ukraina hiện nay

Thanh Hảo

Loạt điểm mấu chốt của hội đàm Putin - Macron về Ukraina

Loạt điểm mấu chốt của hội đàm Putin - Macron về Ukraina

Trong nỗ lực hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraina, hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp đã có cuộc thảo luận kéo dài 6 giờ về một loạt vấn đề quan trọng.