Trong một bài viết trên báo NY Times, cây bình luận Paul Krugman cho rằng, trên thực tế, Tổng thống Trump đang không hề chiến thắng các cuộc chiến thương mại mà ông khởi xướng. Các  mức thuế đặt ra gây thiệt hại cho Trung Quốc và các nền kinh tế khác, nhưng chúng cũng khiến kinh tế Mỹ chịu nhiều tổn thương.

{keywords}
 Tổng thống Mỹ Donald Trump

Các nhà kinh tế ước tính trung bình mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ phải trả thêm 1.000USD mỗi năm vì giá hàng hóa cao hơn.

Paul Krugman cũng chỉ ra, đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy thuế quan đang giúp ông Trump đạt được mục tiêu dự định, đó là gây sức ép buộc các nước phải có những thay đổi chính sách quan trọng.

Sau tất cả, một cuộc chiến tranh thương mại là gì? Không một nhà kinh tế hay sử gia nào sử dụng thuật ngữ này cho những tình huống mà một nước đánh thuế vì các lý do chính trị trong nước, như Mỹ từng làm cho đến những năm 1930. Đó là một cuộc thương chiến nếu mục đích của thuế là ép buộc – gây tổn thương cho các quốc gia khác để buộc họ phải thay đổi các chính sách theo hướng có lợi cho Mỹ.

Và trong khi tổn thương đã hiện hữu thì sự ép buộc vẫn chưa xảy ra.

Tất cả các mức thuế mà Mỹ áp lên Canada và Mexico trong nỗ lực buộc đàm phán lại Thỏa thuận Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) đã dẫn đến một thỏa thuận mới giống y thỏa thuận cũ. Còn tại hội nghị G20 mới đây, Tổng thống Trump nhất trí "bấm nút tạm dừng" thương chiến với Trung Quốc, hoãn áp thuế mới để đổi lấy một số ngôn từ hòa giải mập mờ.

Nhưng tại sao các cuộc thương chiến của ông Trump lại đang thất bại?

Mexico là nền kinh tế nhỏ ở bên cạnh một gã khổng lồ, vì vậy dễ phải nhượng bộ. Trung Quốc là một cường quốc kinh tế nhưng bán cho Mỹ nhiều hơn mua về, có nghĩa là cũng dễ chịu tổn thương bởi áp lực từ Mỹ. Vậy tại sao ông Trump không thể áp đặt được ý chí kinh tế của mình lên Bắc Kinh?

Có 3 lý do, theo nhà báo Paul Krugman.

Thứ nhất, niềm tin rằng Mỹ có thể dễ dàng thắng thương chiến phản ánh cùng một loại chủ nghĩa duy ngã vốn cũng làm thiên lệch chính sách Iran của nước này. Nhiều người Mỹ ở các vị trí quyền lực dường như không thể nắm bắt được thực tế Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có văn hóa, lịch sử và bản sắc riêng biệt, có niềm tự hào về nền độc lập và không muốn nhượng bộ khi bị nước ngoài gây sức ép. Đặc biệt, sẽ là mất trí nếu nghĩ Trung Quốc sẽ đồng ý với một thỏa thuận kiểu một sự đầu hàng trước Mỹ.

Thứ hai, "những con người thuế quan" của ông Trump đang sống ở thì quá khứ, không liên hệ với thực tế của nền kinh tế hiện đại và hoài niệm về các chính sách của William McKinley. Trở lại câu hỏi "Thứ này được tạo ra ở đâu?" khi xưa thì nhìn chung luôn có một câu trả lời rất đơn giản. Còn ngày nay, hầu như mọi mặt hàng được sản xuất đều là sản phẩm của chuỗi giá trị toàn cầu xuyên qua nhiều biên giới quốc gia.

Điều này làm gia tăng rủi ro. Các doanh nghiệp Mỹ không hài lòng với viễn cảnh phá vỡ NAFTA, bởi vì phần lớn sản xuất của họ phụ thuộc vào đầu vào của Mexico. Nó cũng tác động đến hiệu quả của thuế quan: Khi bạn đánh thuế hàng hóa được lắp ráp tại Trung Quốc nhưng với nhiều bộ phận từ Hàn Quốc hay Nhật Bản thì việc lắp ráp sẽ không chuyển sang Mỹ mà chuyển sang một số nước khác.

Cuối cùng, cuộc thương chiến của Tổng thống Trump không được hưởng ứng. Nó khiến cho ông dễ bị tấn công về chính trị. Trung Quốc nhập từ Mỹ không nhiều bằng xuất đi, nhưng thị trường nông nghiệp vốn đóng vai trò then chốt trong khối cử tri làm nghề nông mà ông đang cần nắm giữ. Vì vậy, quan niệm dễ dàng thắng thương chiến của vị tổng tư lệnh Mỹ đang biến thành một cuộc chiến chính trị mệt mỏi mà bản hân ông ít có khả năng duy trì vững vàng như ban lãnh đạo ở Trung Quốc.

Vậy kết cục sẽ thế nào? Các cuộc chiến thương mại chưa bao giờ có người chiến thắng rõ ràng, nhưng chúng thường để lại những vết sẹo lâu dài cho nền kinh tế thế giới. Thuế xe tải hạng nhẹ mà Mỹ áp năm 1964 là một nỗ lực bất thành khi muốn buộc châu Âu phải mua gà đông lạnh – một bài học vẫn còn rõ rành cho đến tận 55 năm sau.

Các cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump lớn hơn nhiều so với quá khứ, nhưng chúng có thể cho cùng kết quả. Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ cố gắng tận dụng một số nhượng bộ bình thường của đối thủ rồi ca ngợi như một chiến thắng vĩ đại. Tuy nhiên, kết quả trên thực tế sẽ chỉ làm cho tất cả trở nên nghèo hơn.

Thanh Hảo