Hãng tin Reuters dẫn lời các trợ tá của Tổng thống Mỹ nói rằng, ông Biden muốn phát đi thông điệp rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang tự cô lập mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, ông Biden có thể phải gắng sức trong một nỗ lực song song, vừa tránh đẩy quan hệ Nga - Mỹ xấu thêm và ngăn chặn mối đe dọa xung đột hạt nhân, vừa hạ thấp được Nga. 

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bắt tay nhau trước cuộc gặp trực tiếp ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Tim Morrison - một cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump – cho rằng, ông Biden muốn xuống thang căng thẳng nhưng "không rõ ông Putin có làm điều tương tự" hay không.

Trước khi cuộc gặp thượng đỉnh Biden – Putin diễn ra, giới chức ở cả Nga và Mỹ đều cho rằng hai bên có rất ít cơ hội đạt được những đột phá lớn và họ đã đúng.

Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ nối lại công việc về kiểm soát vũ khí và an ninh mạng, đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác. Những dấu hiệu này được nhìn nhận là mang lại một chút hy vọng cho mối quan hệ song phương vốn có rất ít điểm chung.  

Quan hệ Nga – Mỹ trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Biden có những lời lẽ gay gắt nhằm vào ông Putin khi mới lên nắm quyền. Điều đó khiến cho ngoại giao song phương rạn nứt nghiêm trọng, với việc cả hai nước đều triệu đại sứ của mình về nước.

Lặp lại cách tiếp cận của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Biden đã tìm cách khắc họa Nga không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ. Phát biểu sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, ông Biden mô tả Nga "đang mong muốn một cách tuyệt vọng sẽ tiếp tục là một cường quốc".

"Nga đang ở trong một tình cảnh rất, rất khó khăn. Họ bị Trung Quốc gây sức ép", Tổng thống Mỹ khẳng định trước khi rời Geneva, Thụy Sĩ. Ông cũng chỉ ra nhiều vấn đề của nền kinh tế Nga và đề cập đến việc Moscow đang giam giữ hai người Mỹ. 

Phó giáo sư Matthew Schmidt thuộc Đại học New Haven và là một chuyên gia về các vấn đề Nga và Á-Âu nhận định, Tổng thống Mỹ đương nhiệm đang tìm cách làm suy yếu tầm ảnh hưởng của ông Putin trên trường quốc tế. 

"Chiến lược rất đơn giản là nhấn nút của ông Putin, nhưng với một số dữ kiện thực tế. Bất kể phản ứng dữ dội nào cũng sẽ xảy ra", ông Schmidt nói.

Một quan chức Mỹ cấp cao đánh giá cách tiếp cận của ông Biden với Nga có nhiều khả năng thành công hơn vì cuộc gặp giữa hai người diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ tập hợp các đồng minh xung quanh nguyên tắc duy trì "trật tự thế giới dựa trên luật lệ" tại hội nghị G7 ở Anh và hội đàm với nhiều lãnh đạo khối quân sự NATO ở Brussels, Bỉ.

"Có sự thống nhất mạnh mẽ về mục tiêu cơ bản rằng tất cả chúng ta cần phải bảo vệ… trật tự này, bởi lựa chọn thay thế sẽ là luật rừng và hỗn loạn, không có lợi cho ai cả", quan chức này kết luận.

Thanh Hảo

Chiến thắng ngoại giao lớn của ông Putin

Chiến thắng ngoại giao lớn của ông Putin

Kể cả trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin, kỳ vọng về một sự đột phá của hội nghị là rất thấp.