Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại Mỹ, cũng như chính quyền Nam Carolina áp đặt lệnh ‘giãn cách xã hội’ thì cô và chồng mình gần như không thể kiếm thu nhập. Lần đầu tiên sau 16 năm tới Mỹ, cô Hernández và chồng không có tiền gửi về quê.
Trong khi đó tại Honduras, mẹ cô Hernández là bà Teonila Murillo đã hết sạch tiền để mua chất insulin điều trị bệnh tiểu đường, còn anh trai cô vẫn chưa biết phải làm thế nào kiếm được tiền trả thuê nhà trong tháng tới. “Tôi cảm thấy rất tồi tệ khi không có tiền và không có công việc. Nếu bạn bị mắc bệnh tiểu đường, thì bạn sẽ chết”, AP trích lời bà Murillo nói.
Nhiều gia đình ở các quốc gia đang phát triển đang chờ kiều hối từ người thân làm việc ở nước ngoài gửi về. Ảnh: AP |
Dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại nhiều quốc gia phát triển đã cắt đứt nguồn thu nhập của thân nhân những người nghèo khắp các nước đang phát triển ở những khu vực Mỹ Latin, châu Phi hay châu Á.
Nhiều ngành công nghiệp đóng cửa, làm những người lao động ở các thành phố như Miami, Las Vegas hay London không thể gửi các khoản kiều hối hàng tháng về cho gia đình mình ở những quốc gia như Honduras, Somalia hay Ấn Độ. Và điều này khiến người thân họ tại quê nhà cảm thấy tuyệt vọng.
“Tôi cảm thấy đau khổ. Người nhà đang trông cậy hết vào tôi. Tôi đã cố làm mọi thứ để có thể gửi về nhà được 30USD, 50USD hoặc có bao nhiêu gửi bấy nhiêu”, cô Hernández buồn bã nói.
Khi Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, những trường hợp như cô Hernández không phải là hiếm. Ông Abdalla Sabdow nói rằng, mới đây ông đã lặn lội tới thủ đô Mogadishu, Somalia để nhận khoản tiền gửi hàng tháng 200USD từ anh họ Yusuf Ahmed chạy xe taxi ở Mỹ.
Tuy nhiên tháng này đã không có khoản tiền nào được gửi bởi anh họ ông, cũng như nhiều người lao động khác tại Mỹ đã phải ở nhà trong ba tuần theo lệnh phong tỏa của chính phủ.
“Tôi trở về tay trắng. Tôi đã nhờ quầy kiểm toán kiểm tra tên tôi trong danh sách một lần nữa, nhưng không có tiến triển gì cả. Thời gian thì đang cạn dần… Thật đáng buồn”, ông Sabdow cho biết.
Một người dân Guatemala đang chờ nhận trợ cấp lương thực. Ảnh: AP |
Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở các nước Mỹ Latin hay châu Phi, mà còn diễn ra ở châu Á. Ngân hàng Thế giới ước tính lượng kiều hối người dân Ấn Độ nhận từ người thân làm việc ở nước ngoài trong năm 2018 là 79 tỷ USD. Trong đó tỉnh Kerala chiếm tới 19% lượng kiều hối được gửi về Ấn Độ, do có tới hàng chục ngàn người làm việc ở nhiều nước Vùng Vịnh.
Nền kinh tế Ấn Độ hiện đang suy thoái do lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày chính phủ nước này đưa ra, nên nhiều gia đình ở quốc gia Nam Á này đang ngóng chờ nguồn tiền từ người thân gửi về.
Cô Sajeela Mol cho biết, tháng trước cô đã không nhận được tiền gửi từ chồng mình là anh Shabeer Ali làm bồi bàn ở thành phố Jeddah thuộc Ảrập Xêút, và hiện cả gia đình đang trông chờ vào khoản tiền 150USD hàng tháng chồng cô gửi về.
“Với việc nhà hàng nơi chồng tôi làm việc bị đóng cửa do lệnh phong tỏa, chồng tôi không rõ liệu anh ấy có được nhận lương hay không. Nếu anh ấy không nhận được lương, thì tôi không biết anh ấy sẽ gửi gì về cho gia đình”, cô Mol buồn bã nói.
Tuấn Trần