Tổ điệp báo RAMSAI trực thuộc Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô (GRU) do nhà tình báo Richard Sorge (1895 - 1944) tổ chức và điều hành. FBI từng đánh giá “trong lịch sử chưa có một tổ chức nào dũng cảm như vậy, thành công như vậy”.

Người cha tinh thần của RAMSAI là Yan Karlovich Berzin (1889-1938), tên thật Pete Yanovich Kiudis, người Latvia, đảng viên Bolshevik từ năm 1905. Mang trọn trên mình dấu ấn của 3 cuộc cách mạng (1905, Tháng Hai 1917 và Tháng Mười 1917), cuộc nội chiến và những năm tháng gian khổ xây dựng nền móng đầu tiên của CNXH ở Liên Xô, Berzin có công đặt viên gạch đầu tiên xây dựng ngành Tình báo quân sự Liên Xô và là chỉ huy đầu tiên của GRU.

Với tính nhân bản sâu sắc, sự thông thái trong nhiều vấn đề cùng tài năng xuất chúng trong lĩnh vực tình báo, Berzin đã góp phần đưa GRU thành một tổ chức tình báo chặt chẽ, hoạt động có hiệu quả.

Richard Sorge làm quen với Berzin vào mùa thu năm 1926, và con người này đã có ảnh hưởng đặc biệt đến cuộc đời Sorge. Chính Berzin đã nhìn thấy ở Sorge - một đảng viên Đảng Cộng sản Đức lúc bấy giờ đang làm việc cho Quốc tế Cộng sản, điều ông rất có thiện cảm và rất cần, đó là sự nhiệt tình chính trị.

{keywords}
Richard Sorge. Ảnh: Wikipedia

Đổi lại, sự hiểu biết sâu rộng và tinh tế của Berzin cũng làm Sorge sửng sốt, khâm phục. Một chuyển biến nhỏ nhoi nhất, chỉ như tiếng gió khẽ lay, cũng làm Berzin cảnh giác vì nó đụng chạm đến an ninh Liên Xô.

Vào thời điểm đầu những năm 1930, toàn bộ tâm tưởng của Berzin hướng về an ninh biên giới phía đông của Liên Xô, nơi đang hừng hực một lò lửa. Việc tổ chức ở đó một mạng lưới tin tức đã trở nên cấp thiết, mà người chỉ huy phải là người có những phẩm chất đặc biệt.

Và thế là Berzin nghĩ đến Sorge với tư cách là một tình báo viên. Berzin không lầm: Sorge không lưỡng lự, đã đồng ý đi Trung Quốc (1930-1933). Mùa xuân năm 1933, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Quốc, tổ công tác của Sorge giải thể. Hầu như không nghỉ ngơi, Sorge được Berzin triệu tập.

Trong cuộc gặp, Berzin nói rằng việc Hitler lên cầm quyền đã biến nước Đức thành kẻ thù tiềm tàng số một của Liên Xô. Trong khi đó, Mỹ và Anh lại chơi trò ngầm thúc đẩy Nhật chống Liên Xô. Do vậy, Nhật từ chối kí hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau với Liên Xô, trở thành một đồng minh tin cậy của Đệ tam đế chế. Tình hình ở Viễn Đông đã trở nên cực kì căng thẳng.

“Nhất thiết phải làm sáng tỏ các kế hoạch của Đức và Nhật, tìm hiểu nguy cơ đe doạ Liên Xô đến từ hướng nào", Berzin nói. "Chiến dịch này chỉ có thể thực hiện thắng lợi trên đất Nhật, nếu chúng ta xây dựng thành công một lưới điệp báo ở đây mà không phải đi đường vòng trong việc thu thập tin tức. Đó là chiến dịch RAMSAI”. 

Berzin luôn xây dựng hoạt động tình báo trên cơ sở tự nguyện, nhất là khi công việc đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt ở người cán bộ hoạt động trong một điệp vụ quan trọng. Và Berzin đã không nghi ngờ sự lựa chọn nhằm vào Sorge. Ngày 6/9/1933, Richard Sorge đến Tokyo, bộ máy tinh vi của RAMSAI bắt đầu hoạt động.

Chiến công bất diệt của Sorge và RAMSAI

Tại Nhật Bản, Sorge hoạt động dưới bình phong phóng viên hãng thông tấn Đức DNB và báo Tin tức Franfurkt. Ngoài Sorge, thành viên chủ chốt của RAMSAI có phóng viên hãng tin Pháp GAVAS Branko Vukelich (1904-1945), người Nam Tư; doanh nhân người Đức Max Klauzen (1899-1979) và vợ Anna Klauzen (1901-1978); hoạ sĩ Nhật Etoku Miyaghi (1903-1943).

Nguồn cung cấp tin tình báo cả vô tình và hữu ý cho RAMSAI là các doanh nhân, nhà báo, bác sĩ, chính trị gia, sĩ quan cao cấp, trong đó có cả Hotsumi Ozaki là Thư ký của Thủ tướng Nhật, Tổng cục trưởng quân đội Thiên Hoàng-tướng Mutoren, Đại sứ Đức tại Nhật Bản Eughene Otto, Tuỳ viên quân sự Đức Maydingo và hàng loạt quan chức ngoại giao.

Những chiến công đáng kể nhất của RAMSAI là cung cấp tài liệu về việc Đức và Nhật kí Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản ngày 25/10/1936 tại Berlin (đến tháng 11/1937 thì Italia cũng tham gia hiệp ước này).

RAMSAI đã nắm được và báo cáo về Moscow kế hoạch của Nhật xâm chiếm vùng hồ Khasan thuộc vùng Viễn Đông của Liên Xô năm 1938 và khu vực sông Khankhin Gol của Mông Cổ năm 1939. Những tin tình báo này đã giúp Liên Xô áp dụng những biện pháp cần thiết đè bẹp tham vọng bành trướng của nước Nhật quân phiệt, buộc phải từ bỏ ý đồ xâm lược Liên Xô sau này.

Sorge là một trong những người đầu tiên thông báo việc Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô. Trong bức điện đề ngày 1/6/1941, ông báo cáo: “Đức sẽ tấn công Liên Xô vào nửa sau của tháng Sáu…”. Sorge cũng chính là nhà tình báo, trên cơ sở phân tích tình hình mọi mặt cũng như các nguồn thông tin khác nhau, đã đi đến kết luận rằng Nhật Bản sẽ không tấn công Liên Xô.

Ngày 6/9/1941, ông báo cáo về Moscow: “Sau ngày 15/9/1941, miền Viễn Đông của Liên Xô có thể được coi là an toàn, không bị Nhật Bản đe doạ tấn công.”.

Tin quan trọng này đã cho phép Bộ Tổng Tư lệnh tối cao Hồng quân điều chuyển nhiều đơn vị tinh nhuệ từ phía đông sang tăng cường phòng thủ Moscow và góp phần đập tan huyền thoại về cái gọi là “bách chiến bách thắng” của quân đội phát xít, tạo bước ngoặt chiến lược quan trọng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Nguyên Phong

Chiến lược đối phó của Liên Xô nếu Đức Quốc xã chiếm Moscow năm 1941

Chiến lược đối phó của Liên Xô nếu Đức Quốc xã chiếm Moscow năm 1941

Giữa tháng 10/1941, quân đội Đức Quốc xã nhanh chóng áp sát thủ đô Moscow của Liên Xô. Các thành phố lân cận lần lượt rơi vào tay kẻ thù. Quân phát xít có thể tiến vào Moscow bất cứ lúc nào.

Đề xuất quan trọng của Liên Xô làm thay đổi cục diện Thế chiến thứ hai

Đề xuất quan trọng của Liên Xô làm thay đổi cục diện Thế chiến thứ hai

Từ rất sớm, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, Liên Xô đã đề xuất thành lập một liên minh với Anh, Pháp, Ba Lan, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Bulgaria để chống lại Đức Quốc xã.