Trước đây, hoạt động ngầm của CIA thường gồm 3 loại. Một là các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận chung ở các nước đối tượng, để lái họ theo hướng tán thành các mục tiêu của Mỹ. Hai là các hoạt động nhằm tác động đến cân bằng chính trị ở các nước, qua việc củng cố địa vị của một số cá nhân hay một số tổ chức và làm suy yếu địa vị của các cá nhân hoặc các tổ chức khác. Ba là các hoạt động nhằm tạo ra một số lợi ích dân tộc tại nước sở tại có lợi cho các mục tiêu của Mỹ.

Những năm gần đây, một trong những hướng đi mới được CIA ưa thích là sử dụng các nhóm Tác chiến đặc biệt (SOG), độc lập hoạt động hay phối hợp với các cơ quan tình báo nước ngoài để chỉ điểm, bắt cóc, ám sát và phá huỷ cơ sở của các tổ chức khủng bố cũng như các đối thủ khác của Mỹ.

{keywords}
Một số đặc vụ SOG. Ảnh: CIA

Vụ ám sát Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 3/1/2020 là một ví dụ điển hình. 

Hiện SOG có đến hàng nghìn nhân viên được cài cắm ở Afghanistan, Pakistan, Syria, Iraq, Trung Á, Bắc Phi… CIA rất “tự hào” về khả năng có thể cài cắm nhanh, bí mật một nhóm SOG vào bất kì nước nào. Đội quân này có thể hoạt động vào bất kì thời điểm nào và ở bất kì đâu trên lãnh thổ nước đó.

Trực tiếp tham chiến là một “sở trường” của SOG. Cuộc chiến Afghanistan chính thức bắt đầu ngày 7/10/2001, nhưng thực tế SOG đã khai chiến ở nước này từ 26/9/2001, chỉ 15 ngày sau khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố ở Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm góc.

Lúc đó, lực lượng SOG phối hợp với lực lượng Liên minh phương Bắc đi tuần tra ở vùng đèo Anjuman, đông bắc thủ đô Kabul trên máy bay trực thăng. Các nhân viên SOG bắt liên lạc với các cơ sở, thu thập tin tình báo phục vụ cuộc không kích mà Mỹ sắp tiến hành cũng như truy lùng trùm khủng bố Bin Laden. Họ được cung cấp các vũ khí hạng nhẹ, máy vô tuyến điện, khẩu phần ăn, kèm theo hai vali chứa 3 triệu USD để mua chuộc các lãnh tụ cát cứ Afghanistan và lôi kéo họ chống Taliban và al-Qaeda.

Còn cuộc chiến Iraq (2003) đã được Tổng thống Mỹ George Bush quyết định bắt đầu sau khi Giám đốc CIA báo cáo các nhân viên SOG đã xác định được vị trí Tổng thống Saddam Hussein đang nhóm họp với các cố vấn thân tín tại một dinh thự ở phía nam thủ đô Baghdad.

Trong quá trình chiến tranh, lực lượng này tổ chức thành nhiều nhóm tiến hành tìm kiếm theo cách thức phân chia khu vực hoặc địa điểm xác định, phát hiện được mục tiêu lập tức báo cho tên lửa tập kích, máy bay không kích. Binh lính SOG có thể giấu mình nhiều ngày, thu thập tin tức ở các mục tiêu bí mật của đối phương, dùng đèn hiệu laze tự động để dẫn đường cho máy bay tiến công, cài đặt các thiết bị dẫn đường vô tuyến được nguỵ trang vào gần hoặc ngay trong khu vực mục tiêu để dẫn đường cho bom có điều khiển đánh phá chính xác.

Lực lượng này còn là những tay súng thiện xạ, có thể luồn sâu vào hậu phương của đối phương để ám sát, bắt tù binh…

CIA chủ trương xây dựng lực lượng SOG ngày càng mạnh. Đội quân SOG trên biển đã có tàu cao tốc để chở biệt kích lên bờ. CIA còn có thể thuê các tàu chở hàng thông qua các công ty bình phong để chuyên chở vũ khí hạng nặng.

Đội quân SOG trên không có máy bay phản lực chở khách luôn sẵn sàng chiến đấu để cơ động đến bất kì nơi nào trên thế giới chỉ sau khi nhận lệnh có hai giờ. Họ được trang bị máy bay vận tải để thả hàng tiếp tế cho các toán SOG hoạt động ở các tuyến xa. Ngoài ra, đội quân này còn có máy bay không người lái Predator, tên lửa Hellfire.

Trong suốt nhiều năm từ khi ra đời, CIA đã nếm chịu nhiều thất bại trong hoạt động ngầm của họ, điển hình là những thất bại trong các vụ can dự của họ ở Uzbekistan, Venezuela, Belarus... Còn hoạt động “đặc biệt” thì bị nghi ngại ngay trong lòng nước Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ không hài lòng khi 45 nghìn binh sĩ Tác chiến đặc biệt của họ phải nhường phần công việc cho các nhóm SOG của CIA.

Trong khi đó, nhiều nhân vật lâu năm của CIA cũng cho rằng nên để quân đội làm nhiệm vụ biệt kích và CIA chỉ nên tập trung vào hoạt động tình báo vì không thể đủ kinh nghiệm để hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này.

Nguyên Phong

Bí mật về 'cánh tay nối dài' của CIA trong quân đội Mỹ

Bí mật về 'cánh tay nối dài' của CIA trong quân đội Mỹ

Cơ quan Mật vụ Bộ Quốc phòng (DCS) được coi là “cánh tay nối dài” của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Bí mật hoạt động của CIA trong cuộc chiến Afghanistan

Bí mật hoạt động của CIA trong cuộc chiến Afghanistan

CIA phái các toán nhỏ tiềm nhập sâu vào hậu phương của Taliban để móc nối, giúp đỡ, huấn luyện cho các nhóm người Pastun chống Taliban.