Ngày 27/8/1896 ghi dấu cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhất trong lịch sử thế giới, chỉ diễn ra trong vẻn vẹn 38 phút đồng hồ giữa Anh và Zanzibar.

 

{keywords}
Quốc đảo Zanzibar và đại lục châu Phi. Ảnh: Wikipedia

Mọi chuyện bắt đầu bằng việc ký kết hiệp ước Heligoland - Zanzibar giữa Anh và Đức vào năm 1890. Hiệp ước đã vạch ra phạm vi ảnh hưởng của hai đế quốc đang tranh giành thuộc địa ở Đông Phi. Trong đó, Zanzibar, một đảo quốc ở Ấn Độ Dương (nay thuộc Tanzania) chịu quyền quản lý của Anh, còn Đức nắm quyền kiểm soát khu vực Tanzania trên đất liền.

Sau thỏa thuận phân chia thuộc địa, Anh tuyên bố Zanzibar là vùng đất nằm dưới sự bảo hộ của Đế quốc Anh và dựng lên một vị vua (Sultan) "bù nhìn" để cai quản đảo quốc này. Hamad bin Thuwaini đã được bổ nhiệm làm Sultan của Zanzibar vào năm 1893.

{keywords}
Sultan Hamad bin Thuwaini của Vương quốc Zanzibar chụp ảnh lưu niệm cùng các quan chức Anh. Ảnh: Alamy

Sultan Hamad duy trì quan hệ gần gũi, phục tùng người Anh trong hơn 3 năm cầm quyền ngắn ngủi, cho tới khi ông đột ngột qua đời tại cung điện của mình vào ngày 25/8/1896. Mặc dù nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của vị quốc vương này chưa bao giờ được làm sáng tỏ, nhưng nhiều người tin, chính cháu họ của Sultan Hamad, Khalid bin Barghash, 29 tuổi đã đầu độc ông.

Nghi ngờ càng được củng cố trước thực tế rằng, chỉ trong vòng vài giờ sau khi Sultan Hamad qua đời, Khalid đã chuyển vào sống trong cung điện và tuyên bố kế vị vương quyền mà không cần sự phê chuẩn của người Anh.

{keywords}
Khalid bin Bargash, cháu họ của Sultan Hamad bị đồn là người đã ra tay ám sát ông. Ảnh: Alamy.

Tất nhiên, các nhà ngoại giao Anh đang có mặt tại Zanzibar không hề hài lòng với những diễn biến bất ngờ trên. Họ muốn người kế vị Sultan Hamad là Hamud bin Muhammed, một nhân vật ủng hộ sự cai trị của đế quốc Anh. Lãnh sự Basil Cave, quan chức ngoại giao hàng đầu của Anh trong khu vực nhanh chóng yêu cầu Khalid phải rút lui. Song, Khalid phớt lờ các cảnh báo và bắt đầu tập hợp lực lượng bảo vệ cắm chốt quanh cung điện.

Người Anh vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện lực lượng ủng hộ Khalid được vũ trang khá đầy đủ, trong đó một phần vũ khí và súng đại bác của họ là quà của chính phủ Anh dành tặng quốc vương Zanzibar những năm trước đó. Đến cuối ngày 25/8, Khalid đã tập hợp được gần 3.000 lính bảo vệ cùng nhiều hỏa lực pháo binh và một thuyền vũ trang khiêm tốn cắm chốt ở cảng gần đó.

{keywords}
Lãnh sự Anh Basil Cave đã nhiều lần gửi tối hậu thư cho "kẻ nổi loạn" Khalid. Ảnh: historic-uk.com

Cùng lúc đó, chính phủ Anh điều 2 tàu chiến HMS Philomel và HMS Rush tới neo đậu ở cảng Zanzibar. Các binh sĩ Anh nhanh chóng được triển khai trên bờ để bảo vệ Lãnh sự quán Anh cũng như đảm bảo cư dân địa phương không nổi dậy chống lại lực lượng cai trị ngoại quốc. Lãnh sự Cave cũng yêu cầu chi viện từ tàu chiến Anh gần đó là HMS Sparrow. Tàu chiến này đã lập tức cập cảng Zanzibar vào tối 25/8.

{keywords}
Cung điện Zanzibar vào cuối những năm 1800. Ảnh: historic-uk.com

Mặc dù vào thời điểm đó Lãnh sự Cave có trong tay binh lực đủ mạnh, nhưng ông biết rằng, bản thân không có quyền khai hỏa nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Anh. Vì vậy, để chuẩn bị cho mọi tình huống, ông Cave đã gửi một điện tín đến Bộ Ngoại giao Anh vào tối 25/8/1896 với nội dung rằng: "Trong trường hợp mọi nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình đều chứng minh vô dụng, liệu chúng tôi có được quyền bắn vào Cung điện (Zanzibar) từ tàu chiến?”. Trong lúc chờ đợi câu trả lời từ chính phủ Anh, ông Cave tiếp tục ra các tối hậu thư cho Khalid, nhưng đều không thu được kết quả gì.

Vào ngày hôm sau, thêm 2 tàu chiến HMS Racoon và HMS St George của Anh cập cảng Zanzibar. Trong đó, Đô đốc Harry Rawson, chỉ huy hạm đội Anh trong khu vực có mặt trên tàu HMS St George. Cùng thời điểm, Lãnh sự Cave nhận được một bức điện báo từ Chính phủ Anh nêu rõ: "Các anh có quyền áp dụng bất cứ biện pháp nào các anh có thể cho là cần thiết và sẽ nhận được sự hỗ trợ hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, đừng cố gắng làm bất kỳ điều gì các anh không chắc chắn có thể thực hiện thành công".

Tối hậu thư cuối cùng từ Lãnh sự Anh được gửi tới Khalid vào ngày 26/8/1896, yêu cầu anh ta phải rời cung điện vào lúc 9 giờ sáng ngày hôm sau. Đêm đó, ông Cave cũng ra lệnh cho mọi tàu thuyền dân sự rời khỏi cảng Zanzibar để chuẩn bị cho chiến tranh.

Vào 8 giờ sáng 27/8/1896, chỉ một tiếng đồng hồ trước khi tối hậu thư hết hiệu lực, Khalid đã gửi thư phúc đáp cho đại diện ngoại giao Anh như sau: "Chúng tôi không có ý định hạ cờ và chúng tôi không tin các người sẽ bắn vào chúng tôi".

Ông Cave liền phản hồi đúng theo văn phong ngoại giao của Anh hồi thế kỷ 19. Trong đó, ông nói mình không muốn nã đạn vào Cung điện Zanzibar, nhưng nếu Khalid không thực hiện đúng như yêu cầu, người Anh "chắc chắn sẽ phải làm điều này".

Đó là những trao đổi cuối cùng giữa hai bên. Vào lúc 9 giờ ngày 27/8/1896, các tàu chiến Anh ở cảng nhận được lệnh bắt đầu bắn phá cung điện Zanzibar. Vào lúc 9h02, phần lớn khẩu đội pháo binh của Khalid đã bị phá hủy. Cấu trúc bằng gỗ của cung điện bắt đầu đổ sụp với gần 3.000 người cố thủ bên trong.

Khoảng 2 phút sau khi chiến dịch tấn công của người Anh bắt đầu, Khalid được cho đã tẩu thoát qua cửa hậu của cung điện, bỏ lại những người hầu cận và lực lượng vũ trang ủng hộ đang tiếp tục chiến đấu.

{keywords}
Hậu cung của quốc vương Zanzibar sau khi bị pháo kích. Ảnh: History.com

Vào lúc 9h40, phía Anh ngừng bắn phá. Cờ của Sultan bị kéo đổ và cuộc chiến tranh chóng vánh nhất lịch sử thế giới chính thức kết thúc chỉ sau 38 phút.

Đối với một cuộc chiến ngắn ngủi đến như vậy, tỉ lệ thương vong cao đến đáng kinh ngạc. Sử sách có ghi, hơn 500 tay súng thuộc phe của Khalid mất mạng hoặc bị thương trong sự cố, chủ yếu do đạn pháo làm nổ tung cấu trúc mong manh của cung điện. Một sĩ quan cấp thấp của Anh cũng bị thương nặng, nhưng sau đó đã hồi phục trong bệnh viện.

{keywords}
Các lính thủy Anh đứng cạnh một khẩu pháo thu giữ được của phe ủng hộ Khalid năm 1896. Ảnh: historic-uk.com

Sau khi loại bỏ được "cái gai" Khalid, chính phủ Anh đã đưa Sultan Hamud thân đế quốc lên nắm quyền ở Zanzibar. Chính quyền bù nhìn của Sultan Hamud cai quản quốc đảo dưới sự đô hộ của người Anh trong 6 năm tiếp theo. Rốt cuộc, chiến tranh đã đặt dấu chấm hết cho chủ quyền của vương quốc Zanzibar và là sự khởi đầu cho một giai đoạn quốc gia này chịu ảnh hưởng cao độ của Anh.

Về Khalid, anh ta đã tìm được cách đào thoát cùng một nhóm nhỏ người trung thành tới Lãnh sự quán Đức trong vùng. Bất chấp các yêu cầu liên tiếp của người Anh về việc dẫn độ "kẻ phản loạn", Khalid vẫn được Hải quân Đức bí mật đưa khỏi Zanzibar ngày 2/10/1896 để tới vùng đất Tanzania ngày nay. Mãi tới khi quân Anh xâm chiếm Đông Phi vào năm 1916, Khalid cuối cùng mới bị bắt và sau đó bị chuyển tới Saint Helena sống lưu vong. Sau thời gian "đi đày", Khalid được phép trở lại Đông Phi và qua đời ở đây vào năm 1927.

Tuấn Anh

Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc, ép làm nô lệ tình dục

Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc, ép làm nô lệ tình dục

Ngày 23/8/2006, Natascha Kampusch, 18 tuổi rốt cuộc cũng tìm được cách trốn khỏi kẻ đã bắt cóc rồi giam cầm cô làm nô lệ tình dục suốt hơn 8 năm trước đó.

Ngày này năm xưa: Vụ trộm tranh quý táo tợn nhất thế kỷ 20

Ngày này năm xưa: Vụ trộm tranh quý táo tợn nhất thế kỷ 20

Ngày 21/8/1911, bức họa Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci bị đánh cắp khỏi bảo tàng Louvre, Pháp. Đây được coi là vụ trộm tranh quý táo tợn nhất thế kỷ 20.

Ngày này năm xưa: Ám ảnh trận lụt khủng khiếp nhất thế kỷ 20

Ngày này năm xưa: Ám ảnh trận lụt khủng khiếp nhất thế kỷ 20

Ngày 18/8/1931, nước sông Dương Tử của Trung Quốc dâng cao đỉnh điểm, làm vỡ đê, góp phần gây ra thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất thế kỷ 20.

Ngày này năm xưa: Mỹ rải chất độc da cam ở Việt Nam

Ngày này năm xưa: Mỹ rải chất độc da cam ở Việt Nam

Ngày 10/8/1961 ghi dấu việc Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam, một trong những hóa chất độc hại nhất với con người từng được biết đến, ở Việt Nam.

Ngày này năm xưa: Hàng loạt vụ nổ bí ẩn rúng động Nam Mỹ

Ngày này năm xưa: Hàng loạt vụ nổ bí ẩn rúng động Nam Mỹ

Cách đây đúng 72 năm, 7 xe quân sự chở mìn đồng loạt phát nổ một cách bí ẩn ở Cali, Colombia, giết hại hơn 1.000 người và làm bị thương hàng ngàn người khác. 

Ngày này năm xưa: Nhật ký chấn động về phát xít

Ngày này năm xưa: Nhật ký chấn động về phát xít

Ngày 4/8/1944, do có chỉ điểm, Mật vụ Đức đã bắt giam gia đình Anne Frank tại nơi lẩn trốn ở Amsterdam, Hà Lan, rồi chuyển họ tới trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan.