Lúc mới 4 tuổi, Ji Tingqiao có thể nhớ được tên của tất cả các xương trong một bộ xương. Ở trường tiểu học, cậu đã có thể hiểu được những tác phẩm kinh điển cổ đại của Trung Quốc. Đến năm 15 tuổi, Ji bắt đầu theo học khối lớp chuyên của trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc (USTC).

{keywords}
Một học sinh năm nhất tại Trường Năng khiếu trực thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC) ở Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy đang thuyết trình tại buổi thảo luận về khoa học và xã hội. Ảnh: China Daily

Suốt hơn 40 năm qua, các học sinh tài năng trên khắp đại lục như Ji đã được tuyển chọn vào một chương trình đặc biệt của trường USTC. Theo tạp chí Bắc Kinh, năm 1978, dựa trên đề xuất của các nhà khoa học danh tiếng như Lý Chính Đạo (chủ nhân giải Nobel Vật lý và giải Albert Einstein năm 1957), Dương Chấn Ninh (đồng chủ nhân giải Nobel Vật lý 1957) và Đinh Triệu Trung (Giải Nobel Vật lý 1976), trường đại học này đã xúc tiến một chương trình có tên gọi "Lớp đặc biệt dành cho các học sinh năng khiếu", hay còn được gọi nôm na là "lớp chuyên" hoặc "lớp tài năng", mang đến cho những thần đồng trẻ cơ hội bỏ qua một vài năm trung học và học sớm đại học.

Sau nhiều vòng sàng lọc, khóa đầu tiên của lớp chuyên năm 1978 chỉ gồm vẻn vẹn 21 học sinh trong độ tuổi từ 11 - 16. Bốn thập niên sau đó, lớp chuyên ban đầu hiện đã mở rộng thành trường Năng khiếu với hơn 1.600 học sinh đã tốt nghiệp. Muốn vào học các lớp chuyên này, học sinh hoặc phải đạt những thành tích, giải thưởng vượt trội ở lớp dưới để chờ xét tuyển thẳng hoặc phải thi tuyển đầu vào gắt gao, tập trung vào kiểm tra khả năng toán học và vật lý.

Những thành tích không thể phủ nhận

Cho đến nay, các lớp chuyên của USTC vẫn đề cao nguyên tắc chỉ đạo là "lựa chọn các nhân tài không kể tuổi tác và nuôi dưỡng, phát triển tiềm năng của những cá nhân này". Chương trình giảng dạy nhằm tăng cường các khóa học nền tảng và giáo dục toàn diện trong hai năm đầu và trong những năm tiếp sau, cho phép học sinh tận hưởng vô số cơ hội phát triển tiềm năng và sở thích cá nhân. Các em được khuyến khích tham dự các khóa hội thảo, đăng ký các "dự án nghiên cứu học sinh, sinh viên" và tham gia các dự án nghiên cứu của thầy, cô giáo.

Về mặt lý thuyết, dạng môi trường nghiên cứu thực tế như trên không chỉ mang đến cơ hội quý giá để các học sinh áp dụng những gì đã học được ở lớp, phát huy hết sự chủ động và sáng tạo của bản thân, mà còn nâng cao tinh thần làm việc nhóm và trau dồi tính liêm chính cá nhân.

Các thập niên qua đã chứng minh sự thành công của chương trình. Các học sinh của khối chuyên này đã giành được nhiều giải thưởng khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia và quốc tế. 80% các học sinh tốt nghiệp đã trúng tuyển vào các chương trình sau đại học trong và ngoài nước, với 1/3 số đó đã có bằng tiến sĩ. Nhiều người sau này trở thành các giáo sư, nhà khoa học tại những trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Harvard (Mỹ) cũng như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lẫy lừng như Ya-Qin Zhang, cựu Chủ tịch tập đoàn công nghệ Trung Quốc Baidu.

{keywords}
Cha của một nam sinh trường Năng khiếu USTC chuẩn bị ghi lại bài phát biểu của con trước học sinh toàn trường. Ảnh: China Daily

Tranh cãi

Bất chấp những thành công, mô hình trường chuyên như trên vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Ning Bo, một ngôi sao trong lứa học sinh lớp năng khiếu khóa đầu 1978, trở thành giảng viên đại học khi mới 19 tuổi, về sau đã công khai lên án kiểu "giáo dục thần đồng" như vậy trên truyền hình quốc gia.

Ông Ning cùng một số học giả, chuyên gia giáo dục và một bộ phận không nhỏ dư luận tỏ ra hoài nghi liệu các trường chuyên, lớp chọn như trên sẽ giúp tạo ra những tài năng hàng đầu hay những con mọt sách không thể thích ứng với đời sống thường nhật.

Có một thực tế là, trong suốt quá trình tồn tại, trường chuyên của USTC đã yêu cầu một số học sinh phải chuyển đi vì nhiều lý do, bao gồm cả học hành sút kém không theo kịp các bạn trong lớp, không thể tự chăm sóc bản thân và cư xử không phù hợp. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều cựu học sinh năng khiếu của khóa 1978 nói, nếu có thể quay lại, họ sẽ không chọn theo học lớp chuyên. Song, vẫn còn nhiều cựu học sinh chuyên đang sinh sống và làm việc khắp thế giới chưa bao giờ chia sẻ quan điểm cá nhân với giới truyền thông và họ vẫn tiếp tục gặp hái nhiều thành công trong sự nghiệp, nắm giữ vị trí quản lý trong các hãng công nghệ và thậm chí đứng đầu trong ngành nghề họ theo đuổi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vấn đề xảy ra tại trường Năng khiếu của USTC. Các chuyên gia giáo dục và bản thân một số học sinh tin, các trường hợp thất bại là do áp lực bên ngoài rất lớn, chẳng hạn như việc đưa tin không ngừng của báo chí và kỳ vọng quá cao của các gia đình và dư luận. Một số học sinh than thở về việc không thể thích nghi với độ khó của các khóa học và cho rằng, họ không có khả năng học tập như dự kiến ​​ban đầu.

Áp lực xã hội từ việc gán tên gọi "thần đồng" hay "thiên tài nhí" cho các học sinh chuyên cũng có khả năng gây ra các vấn đề tâm lý khác nhau. Các em có thể học giỏi, nhưng về mặt cảm xúc và tâm lý vẫn là trẻ vị thành niên và dễ có phản ứng tiêu cực trước sự săm soi quá mức của dư luận.

Một bài xã luận đăng tải trên trang tin QQ nhấn mạnh, không phải học sinh chuyên nào sau này cũng trở thành học giả hàng đầu, tỉ phú hay các nhà lãnh đạo chính trị - xã hội. Theo một số nghiên cứu, tài năng của con người nhìn chung không ổn định. Một số đứa trẻ khi nhỏ tỏ ra vượt trội về khả năng học thuật và các môn năng khiếu có thể trở thành người bình thường khi lớn lên vì không thể nuôi dưỡng, phát triển những ưu điểm đó. Vấn đề lớn nhất đối với mô hình trường chuyên, lớp chọn không phải là việc không thể tạo ra một người thắng giải Nobel, mà là khiến các tài năng trẻ thui chột đam mê học hỏi, sáng tạo và ý chí phấn đấu.

Ngoài ra, các trường chuyên ở Trung Quốc đều là trường công nên đòi hỏi Chính phủ phải đầu tư nhiều hơn cho họ so với các trường bị xếp vào dạng "bình thường" khác, kể cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chương trình học. Ví dụ, trường chuyên của USTC hiện chỉ tuyển mới 50 học sinh mỗi năm, nhưng họ phải cắt cử đội ngũ giáo viên giỏi nhất, các phòng học, phòng thí nghiệm trang bị hiện đại nhất, cùng vô số học bổng, ưu đãi tốt nhất cho những học sinh này.

Việc đầu tư tốn kém cho các trường chuyên như trên càng trầm trọng hóa sự phát triển mất cân bằng giữa các cơ sở giáo dục. Và khi tiền đóng thuế của người dân cũng như các đóng góp khác của xã hội được rót mạnh vào trường chuyên, cả trực tiếp và gián tiếp, công chúng càng quan tâm hơn đến kết quả nhận được. Khi các học sinh chuyên không đáp ứng được các kỳ vọng cao này, họ sẽ bị chỉ trích ngay cả khi họ thành công xét theo các tiêu chuẩn đánh giá thông thường về học hành và sự nghiệp.

{keywords}
Một số học sinh không chịu nổi áp lực của trường chuyên và rốt cuộc phải chuyển khỏi trường. Ảnh: EPA

Trang Tin tức Bắc Kinh cũng phản ánh một hiện tượng tiêu cực, là do "hám danh tiếng trường chuyên" và cũng xuất phát từ mong muốn cho con theo học ở môi trường đào tạo tốt nhất, nhiều gia đình đã tìm mọi cách, kể cả thông qua những việc làm tiêu cực, để giành được một suất cho con tại trường. Điều này dẫn đến hiện tượng "ngồi nhầm chỗ" và các hệ lụy sau đó.

Điều chỉnh

Theo Tân Hoa Xã, sau những năm đầu thành công của "Lớp đặc biệt dành cho các học sinh năng khiếu" ở USTC, nhiều trường đại học lớn khác ở đại lục như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nam Kinh, Đại học Vũ Hán, Đại học Cát Lâm, Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung cũng cho xúc tiến chương trình tương tự. Tuy nhiên, sau những tranh cãi cùng hiệu quả đầu tư không như mong muốn, hầu hết các trường rốt cuộc đều cho đóng cửa các khối chuyên, lớp chọn. Hiện chỉ còn USTC và trường Đại học Giao thông Tây An duy trì hình thức này.

Để thích ứng với các yêu cầu mới, trường Năng khiếu của USTC cũng phải điều chỉnh triết lý giáo dục để hướng tới sự phát triển toàn diện, cả về thể chất và tinh thần cho các học sinh. Theo Phó hiệu trưởng Chen Yang, ngoài việc bỏ tiêu chí đánh giá cũ là kiểm tra IQ, trường đã thực hiện quá trình sàng lọc, tuyển lựa toàn diện hơn, kết hợp cả thi học thuật đầu vào với kiểm tra tâm lý và phỏng vấn.

Tuấn Anh

Không phải trường chuyên, các con cần sống cuộc đời của chính mình

Không phải trường chuyên, các con cần sống cuộc đời của chính mình

Đất dưới chân sẽ không bao giờ sụp xuống nếu con thi rớt trường chuyên và cuộc đời con cũng không đen tối, thê thảm nếu con vào học ở một ngôi trường không danh tiếng.

‘Kẻ đốt đền’ trường Ams: Trường chuyên đang tồn tại không mục đích

‘Kẻ đốt đền’ trường Ams: Trường chuyên đang tồn tại không mục đích

Là cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, những ngày qua, TS Nguyễn Đức Thành bị coi là “kẻ đốt đền” với đề xuất bán trường Ams gây xôn xao dư luận, “châm ngòi” cho cuộc tranh luận về mô hình trường chuyên hiện nay.

Trường chuyên chỉ để đào tạo 'gà nòi'?

Trường chuyên chỉ để đào tạo 'gà nòi'?

Theo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đầu tư vào trường chuyên cũng như câu chuyện về đầu tư kinh tế, phải có những “đầu tàu” mới tạo ra sự đột phá.