Ám ảnh trường chuyên vô cớ
Cách đây vài năm, khi chở con gái đi thi vào cấp ba, con gái ngồi sau xe, ôm chặt tôi và hỏi giọng buồn rầu: "Nếu con thi rớt cả ba nguyện vọng thì con sẽ ra sao hả mẹ?"
Tôi bình thản: "Thì mẹ xin cho con học dân lập. Có rất nhiều trường dân lập xuất sắc con ạ". Con gái giọng vẫn buồn:" Nếu học dân lập con không thi vào đại học được thì sao?"
Nghe mà thắt cả tim! Tội nghiệp con gái tôi và tội nghiệp những đứa trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển cấp. Cháu có một bà mẹ có tư duy cực mở mà cháu vẫn còn stress như thế, thử hỏi những ông bố bà mẹ đang thúc ép con vào trường top, trường chuyên để nở mày nở mặt với đời sẽ còn stress đến thế nào nữa?
Học sinh tham dự kỳ thi thử vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 6/2020. Kỳ thi thật sẽ diễn ra vào ngày 4/7. Ảnh: Thái An |
Một chị phụ huynh nhờ tôi tư vấn trường. Tôi chỉ tư vấn là tiêu chí chọn trường cho con tôi là gần nhà hoặc tiện đường đi làm. Cả ba cháu nhà tôi đều học trường làng không danh không tiếng nhưng tôi vô cùng hài lòng về tư cách và tâm hồn các cháu.
Tôi đã từng tiếp xúc với những đứa trẻ có tuổi thơ khó khăn và trưởng thành từ những ngôi trường bé nhỏ khiêm tốn. Hầu hết các em đều rất nhân văn do hàng ngày tiếp cận với nhiều số phận bất hạnh.
Chắc bạn đang thắc mắc học ở trường làng có thành công không?
Điều này còn phụ thuộc quan điểm về thành công của bạn. Đối với tôi và nhiều phụ huynh khác thì thành công của một người là khi họ cảm nhận cuộc sống này thật tốt đẹp. Vì thế điều tôi mong muốn cho con mình, đó là các con được hạnh phúc và được sống cuộc đời của cháu. Cháu không có trách nhiệm gì với ước mơ của tôi và không cần thực hiện những điều tôi chưa làm được. Tôi khuyến khích cháu trải nghiệm nhiều lĩnh vực để tìm ra đam mê và sở trường của mình.
Nếu con bạn đang chuẩn bị cho kỳ thi lớn, xin hãy nhớ rằng đất dưới chân sẽ không bao giờ sụp xuống nếu con thi rớt trường chuyên và cuộc đời con cũng không đen tối, thê thảm nếu con vào học ở một ngôi trường không danh tiếng. Cái bạn cần quan tâm là sức khỏe và nhân cách của đứa trẻ mà thôi vì việc học vẫn còn kéo dài suốt cuộc đời một người. Đừng quá căng thẳng với việc học của con mà phản tác dụng.
Đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên quan điểm như thế. Thế kỷ 21 thành công thuộc về những người có nhiều trải nghiệm và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt chứ không còn thuộc về người có nhiều bằng cấp nữa.
Từ chuyện một chiếc đồng hồ bị đánh cắp
Nhân đây, tôi muốn kể thêm về những cách hành xử tinh tế cần có trong nhà trường để tạo nên những con người có lành mạnh, tử tế cho xã hội.
Một ngày nọ lớp học bị mất một chiếc đồng hồ đắt tiền. Thầy giáo yêu cầu tất cả bọn trẻ đứng úp mặt vào tường để thầy soát túi quần. Soát đến giữa chừng thì tìm thấy đồng hồ nhưng thầy vẫn không nói gì và tiếp tục soát túi đến em cuối cùng. Cả lớp không hề được thông báo ai là người đã ăn cắp chiếc đồng hồ.
Nhiều năm sau, người học trò ăn cắp gặp lại thầy giáo và bẽn lẽn đến xin lỗi thầy, cám ơn thầy đã giữ danh dự cho anh năm xưa. Thầy giáo trả lời:”Xin lỗi em, thầy không hề nhớ chuyện này và cũng chẳng biết là em”. Cậu học sinh sửng sốt:” Không thể nào thầy không nhớ là em ăn cắp được!”. Thầy giáo cười hiền từ: "Ngày ấy tất cả các em phải nhắm mắt úp mặt vào tường và thầy cũng nhắm mắt khi soát túi”.
Có một lần phóng viên hỏi tôi:”Chị giới thiệu cho em vài học sinh cá biệt để em phỏng vấn cho số phát sóng ngày 20/11 đi chị”. Tôi đã chần chừ khá lâu mà không thể nghĩ ra bất kỳ cái tên nào. Có thể tiêu chuẩn cá biệt của tôi quá cao đến độ chẳng em nào là đạt chuẩn. Cũng có thể chẳng học sinh nào muốn đối xử với tôi theo kiểu học sinh cá biệt vì tôi đã không xem em nào là cá biệt.
Nội tâm của bọn trẻ thực ra đầy những đau đớn tổn thương đến độ nếu bạn chạm vào chúng bằng bạo lực, chúng sẽ trả lại cho bạn bằng bạo lực. Chạm vào chúng bằng trái tim chúng sẽ đáp lại bạn bằng trái tim. Ngày tôi còn làm giáo viên, cô hiệu trưởng từng nói với mọi người :”Cô Quyên mà gọi em nào là cá biệt nghĩa là hết thuốc chữa rồi!” Còn cô hiệu phó thì cứ ngạc nhiên :”Không hiểu sao những em học sinh kém môn hoá nó vẫn viết là rất yêu cô Quyên nhỉ?”
Bạn muốn có sự thành công bé nhỏ này không? Hãy rèn luyện sự kiên nhẫn, lòng vị tha và tìm cách lý giải hành vi bất thường của trẻ trước khi phán xét và luận tội. Bởi vì sự khác biệt giữa nhà trường và nhà tù, đó là nhà trường là nơi để hình thành và nuôi dưỡng điều thiện bằng sự yêu thương còn nhà tù là gìn giữ cái thiện bằng hình phạt.
Vì vậy, nếu bạn là nhà giáo và bạn đang dùng hình phạt để hình thành cái thiện và tình yêu thì bạn đang đổ axit vào khóm hoa để mong nó nở hoa thật đẹp mất rồi.
Đừng nhầm lẫn giữa nhà trường và nhà tù, cũng như đừng trở thành quản tù thay vì là Người Thầy. Hãy tự hào nếu bạn là một nhà giáo bởi vì chỉ có nhà giáo mới có phép thần làm thay đổi con người. Và cây đũa thần của bạn chính là Trái Tim.
Viết cho những ai vẫn còn chưa biết năng lực tiềm ẩn của mình và để mỗi lần đi ngang các trường học, tôi không còn nghe tiếng quát tháo chửi mắng cả ngàn học sinh trên micro nữa.
Tô Thụy Diễm Quyên
Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng
Càng tìm hiểu cái sự học hành ở Đức tôi càng thấy nhiều điều ngạc nhiên đáng nể.