Theo báo RT, hai lãnh đạo Mỹ và Nga đã có cuộc điện đàm trực tiếp hôm 13/4. Thông cáo phát đi sau đó của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden đã "tái khẳng định mục tiêu xây dựng mối quan hệ ổn định, dễ đoán định với Nga và phù hợp với lợi ích của Mỹ, đồng thời đề xuất lãnh đạo hai nước họp thượng đỉnh tại nước thứ 3 trong vài tháng tới nhằm thảo luận một loạt vấn đề trong quan hệ song phương".

{keywords}
Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin hôm 13/4. Ảnh: Sputnik

Nếu kế hoạch được hiện thực hóa, đây sẽ là cuộc gặp chính thức đầu tiên của Tổng thống Biden với người đồng cấp Nga kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1 năm nay.

Các quan chức Mỹ xác nhận, trong cuộc điện đàm, hai nguyên thủ đã trao đổi về "một số vấn đề khu vực và toàn cầu". Trong đó, lãnh đạo Nhà Trắng bày tỏ quan ngại về việc Nga "đột ngột tăng cường quân sự" trên bán đảo Crưm và dọc biên giới với Ukraina, đồng thời kêu gọi Moscow “giảm căng thẳng”.

Cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh lo ngại lan rộng rằng giao tranh ở khu vực Donbass giữa các lực lượng của Kiev và những tay súng thuộc các vùng ly khai có thể bùng phát thành một cuộc xung đột toàn diện. Tình trạng bế tắc mới xuất hiện sau một đợt huy động quân và khí tài quy mô lớn của Ukraina, khiến Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới phía tây.

Một số ý kiến bình luận ở phương Tây quả quyết, Nga có thể đang lên kế hoạch tiến đánh Ukraina. Song, Moscow đã thẳng thừng bác bỏ điều này.

Trong một động thái được đông đảo nhìn nhận là nhằm ủng hộ Ukraina, Mỹ đã điều hai chiến hạm đến Biển Đen.

Điện Kremlin mô tả tình hình ở Donbass là "đáng sợ" và các nhà ngoại giao Nga trước đây đã bày tỏ quan ngại với những người đồng cấp Mỹ. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay, Washington quan ngại trước những báo cáo “đáng tin cậy” về việc chuyển quân của Nga gần biên giới với Ukraina và kêu gọi Nga kiềm chế.

Quan hệ Nga - Mỹ xấu đi rõ rệt trong vài tháng qua. Moscow đã triệu hồi Đại sứ Nga ở Mỹ về nước để họp bàn khẩn cấp về tương lai quan hệ với Washington. Động thái xảy ra sau khi ông Biden có bình luận tiêu cực về ông Putin trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Hiện có nhiều nghi ngại ở Moscow về việc Nhà Trắng sẵn sàng xuống thang để có các cuộc trao đổi mang tính xây dựng với Nga. Phát biểu trước báo giới cách đây 2 tuần, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov quả quyết, "không ai cho phép Mỹ nói chuyện với Nga ở thế kẻ cả". Theo ông Peskov, hai bên cần phải đối xử với nhau một cách ngang hàng.

Tuấn Anh

Nga khẳng định duy trì quân đội ở biên giới với Ukraina

Nga khẳng định duy trì quân đội ở biên giới với Ukraina

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với Tổng thống Nga Putin rằng Kremlin nên rút lực lượng ở gần biên giới với Ukraina.

Mỹ cân nhắc đưa tàu chiến tới Biển Đen cảnh báo Nga

Mỹ cân nhắc đưa tàu chiến tới Biển Đen cảnh báo Nga

Mỹ được cho là có thể điều các tàu chiến của hải quân nước này vào khu vực Biển Đen trong vòng vài tuần tới, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraina.