Bloomberg trích dẫn hai nguồn thạo tin tiết lộ, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố việc đặt hàng thêm 500 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech, trong bối cảnh ông muốn thúc đẩy mục tiêu chủng ngừa Covid-19 cho 70% dân số toàn cầu vào năm 2022.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21/9. Ảnh: AP

Các cuộc đàm phán giữa chính quyền Biden với các nhà sản xuất vắc xin vẫn đang tiếp diễn. Song, theo các nguồn thạo tin, lãnh đạo Nhà Trắng sẽ tiết lộ về thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Covid-19 do ông chủ trì ngày 22/9, bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Đơn đặt hàng mới đồng nghĩa Mỹ sẽ tăng gấp đôi số vắc xin Pfizer/BioNTech mua để tài trợ cho nước ngoài lên hơn 1 tỷ liều. Cam kết đầu tiên về 500 triệu liều được đưa ra hồi tháng 6 năm nay và việc chuyển giao đã bắt đầu hồi tháng 8. Khoảng 200 triệu liều sẽ được phân phối vào thời điểm 31/12. Thêm 300 triệu liều nữa dự kiến được bàn giao vào cuối tháng 6/2022.

Hiện chưa rõ khi nào 500 triệu liều vắc xin mới đặt hàng sẽ được bàn giao và giá của chúng là bao nhiêu.

Mỹ hiện là nhà tài trợ vắc xin Covid-19 hàng đầu thế giới, theo dữ liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Ít nhất 160 triệu liều do Mỹ cung cấp đã được chuyển giao cho hơn 100 quốc gia.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9, ông Biden đã cam kết Mỹ sẽ có thêm các biện pháp để thúc đẩy cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, nỗ lực vì 3 mục tiêu "cứu sống các sinh mạng trong hiện tại, tiêm chủng cho thế giới và hồi phục tốt đẹp hơn". Ông Biden cũng cho rằng, để chấm dứt đại dịch, thế giới cần phải có "các hành động tập thể" dựa trên ý chí chính trị và khoa học. Ông kêu gọi các nước hợp tác trong cuộc chiến lần này dù còn bất đồng trong những lĩnh vực khác.

Cùng ngày, trong bài phát biểu được ghi hình phát trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu cung cấp cho thế giới 2 tỷ liều vắc xin Covid-19 trong năm nay. Bắc Kinh cũng sẽ tài trợ thêm 100 triệu liều cho những nước đang phát triển, ngoài khoản đóng góp 100 triệu USD cho cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX.

Nhà chức trách Trung Quốc thống kê, cho đến nay, nước này đã cung cấp 1 tỷ liều vắc xin cho hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Trước đó, Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, cũng cho biết sẽ nối lại việc xuất khẩu vắc xin Covid-19 vào đầu tháng 10, sau nửa năm tạm dừng hoạt động này để tập trung tiêm chủng cho người dân trong nước nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai do biến thể Delta. Theo trang Nikkei Asia, trước khi ngừng xuất khẩu, Ấn Độ đã cung ứng khoảng 66,4 triệu liều, chủ yếu là Covaxin và Covishield, một phiên bản của vắc xin AstraZeneca cho hơn 90 quốc gia.

Tuấn Anh

>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất

Ông Biden đưa ra một loạt cam kết trước Liên Hợp Quốc

Ông Biden đưa ra một loạt cam kết trước Liên Hợp Quốc

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết hợp tác với các đồng minh qua "một thập niên có tính quyết định đối với thế giới của chúng ta".

Ấn Độ sắp xuất khẩu vắc xin, Mỹ bỏ hạn chế đi lại với châu Âu

Ấn Độ sắp xuất khẩu vắc xin, Mỹ bỏ hạn chế đi lại với châu Âu

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố sẽ tái khởi động việc xuất khẩu vắc xin Covid-19 cho cơ chế COVAX và các nước láng giềng kể từ tháng 10 tới.