CNN đưa tin, chi tiết trên được Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nêu trong một thông cáo. Tài liệu này cho biết thêm, quả đạn được Triều Tiên phóng đi từ tỉnh Jangang, gần biên giới với Trung Quốc, và rơi xuống vùng biển nằm giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Nó bay xa hơn 700km và đạt độ cao 60km.  

{keywords}

Hình ảnh vụ phóng hôm 5/1 vừa qua, được báo chí Triều Tiên đăng tả một ngày sau đó. KCNA/AP

Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang đánh giá về vụ thử.

Truyền thông Triều Tiên cho biết, đó là một tên lửa siêu thanh và đây là lần thứ 2 nước này thử một vũ khí như vậy kể từ khi Chủ tịch Kim Jong Un lên nắm quyền. Trong thông cáo ngày 6/1, Bình Nhưỡng khẳng định các vụ phóng thành công liên tiếp đối với tên lửa siêu thanh "có ý nghĩa chiến lược khi đẩy nhanh nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng chiến lược quốc gia".

Nếu điều này là sự thật, và vào một thời điểm nào đó, Triều Tiên có thể triển khai vũ khí siêu thanh, nó tiềm tàng những tác động lớn đến tình hình an ninh ở châu Á. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ tuyên bố này.

Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong – một tổ chức cố vấn tư nhân Hàn Quốc – cho rằng Bình Nhưỡng cần thêm thời gian và cải tiến trước khi có thể triển khai vũ khí siêu thanh. Ông đánh giá: "Triều Tiên sẽ cần ít nhất hai hoặc ba vụ phóng thử nữa trong tương lai để hoàn thiện tên lửa siêu thanh của mình".

Theo giới chuyên gia, nói đến một tên lửa siêu thanh là nói đến lượng chất nổ của nó, tức là đầu nổ tên lửa. Trong trường hợp này, đầu nổ là phương tiện lướt siêu thanh (HGV). Các HGV về lý thuyết có thể bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh và rất linh hoạt khi di chuyển, khiến chúng gần như không thể bị tiêu diệt.

Giống như tên lửa đạn đạo, các vũ khí lướt siêu thanh được phóng bằng tên lửa vào bầu khí quyển. Một đầu nổ tên lửa đạn đạo chủ yếu được cung cấp năng lượng nhờ trọng lực khi bắt đầu lao vào mục tiêu từ độ cao 1.000km, còn tên lửa siêu thanh sẽ trở lại Trái đất ngay rồi giữ đường bay thẳng – chỉ cao vài chục km so với mặt đất. Sau đó, vũ khí này sử dụng các thiết bị định vị bên trong để điều chỉnh hành trình và giữ đúng hướng tới mục tiêu trong khi bay nhanh gấp 12 lần tốc độ âm thanh.

Trong thông cáo về vụ thử mới nhất của Bình Nhưỡng, phía Hàn Quốc khẳng định quân đội nước này "có khả năng phát hiện và đánh chặn tên lửa, và chúng tôi đang liên tục củng cố hệ thống phản ứng của mình". Seoul cũng "bày tỏ sự lấy làm tiếc về vụ phóng của Triều Tiên, diễn ra vào thời điểm mà sự ổn định chính trị là rất quan trọng".

Một tuyên bố từ Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc khẳng định vụ thử không gây ra mối đe dọa nào đối với Mỹ hoặc lãnh thổ Hàn Quốc nhưng nó "nêu bật tác động gây bất ổn của chương trình vũ khí bất hợp pháp (của Triều Tiên)".

Phía Triều Tiên chưa tiết lộ thông tin về vụ phóng sáng nay. Theo luật pháp quốc tế, nước này bị cấm thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.

Đọc tin thời sự quốc tế trên VietNamNet 

Thanh Hảo

Triều Tiên lại phóng vật thể không xác định ra biển

Triều Tiên lại phóng vật thể không xác định ra biển

Hàn Quốc và Nhật Bản đều thông báo Triều Tiên vừa bắn một vật thể thứ hai ra biển, nhiều khả năng là tên lửa đạn đạo.