Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, dẫn kết quả nghiên cứu mới được công bố từ Tổ chức Sáng kiến ​​thăm dò Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 3/11, cho biết quân đội Mỹ đã thực hiện 52 chuyến bay trinh sát trên Biển Đông trong tháng 10.

Con số này dù có giảm so với tổng cộng 62 chuyến bay trinh sát của Mỹ được ghi nhận trước đó 1 tháng, song các hoạt động quân sự khác của nước này ở Biển Đông đang có sự gia tăng sau một loạt cuộc tập trận chung giữa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh.

{keywords}
Các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản và Anh trong một cuộc tập trận chung ở vùng biển gần Philippines trên Biển Đông. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng 

Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, cho hay Mỹ đã thực hiện hơn 500 chuyến bay trinh sát trên Biển Đông trong năm nay. Nếu tính cả các vùng biển Hoa Đông và Hoàng Hải, con số này đã lên tới hơn 2.000 chuyến. 

Ông Ngô cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, và kêu gọi các bên đẩy nhanh tiến trình thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử trên biển.

Theo báo cáo của SCSPI, các nhóm tàu ​​sân bay của Mỹ, gồm Carl Vinson, Theodore Roosevelt, Nimitz và Ronald Reagan đã đi vào Biển Đông 9 lần từ đầu năm cho đến nay. Nếu tính cả hải trình của hai tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island và USS Essex, thì các chiến hạm Mỹ đã di chuyển qua Biển Đông 11 lần trong năm.

Bên cạnh đó, Mỹ trong cùng thời điểm cũng đã triển khai 14 lượt oanh tạc cơ B-52H và B-1B tới Biển Đông, cùng với 11 tàu ngầm hạt nhân đi qua vùng biển này, trong đó có tàu USS Connecticut bị hư hại trong một vụ va chạm gần đây.

"Các hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông vốn đã tăng kể từ năm 2009, song các hoạt động này trong năm nay đã tăng mạnh hơn so với năm ngoái", Hồ Ba, Giám đốc SCSPI, cho biết trên kênh CCTV.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông đã diễn ra trong nhiều năm và có xu hướng ngày càng leo thang, sau khi Bắc Kinh lên tiếng phản đối việc Washington hợp tác với các đồng minh, bao gồm Anh, Đức và Canada, nhằm tăng cường hiện diện quân sự trên vùng biển này.

Phía Mỹ cho rằng những hoạt động này là cần thiết để đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nhất là những khu vực đang xảy ra tranh chấp.

Chuyên gia Ngô Sĩ Tồn cho rằng, cả Trung Quốc và Mỹ đều sử dụng nhiều tàu ngầm và thiết bị lặn không người lái dưới nước hơn. Do vậy, điều quan trọng là phải đưa những khí tài này vào bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển.

"Thiết lập các quy tắc trên không, trên mặt nước và dưới biển là nhu cầu cấp thiết và cần bao gồm cả các tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân và tàu lặn không người lái. Nếu không, một số tai nạn trên Biển Đông sẽ xảy ra", ông Ngô cảnh báo.

Việt Anh

Sức mạnh khu trục hạm Nhật vừa tập trận ở Biển Đông

Sức mạnh khu trục hạm Nhật vừa tập trận ở Biển Đông

Theo trang USNI, tàu khu trục JS Yudachi của Nhật Bản và tàu USS Jackson của Mỹ những ngày gần đây đã tập trận ở Biển Đông.

Trung Quốc lên tiếng sau khi Mỹ 'giải mã' sự cố tàu ngầm ở Biển Đông

Trung Quốc lên tiếng sau khi Mỹ 'giải mã' sự cố tàu ngầm ở Biển Đông

Trung Quốc cho rằng Mỹ chưa giải thích thỏa đáng sự cố của tàu ngầm USS Connecticut trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu Mỹ tiết lộ vị trí xảy ra va chạm.