Căng thẳng giữa Mỹ và Iran có xu hướng lên đến đỉnh điểm, với việc lãnh đạo hai nước liên tục dành cho nhau cảnh báo về chiến tranh.

{keywords}
Ảnh: Express

Sau vụ Tehran bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ tuần trước, Iran và Mỹ càng tiến gần hơn tới bờ vực chiến tranh. Tuy Mỹ là nước sở hữu sức mạnh quân sự uy lực nhất hành tinh, Iran vẫn là một mối đe dọa đáng sợ.

Trang web quân sự phi chính phủ của Mỹ Global Fire Power đã tiến hành đánh giá lại sức mạnh quân sự của Iran trong năm nay và xếp nước này vào vị trí thứ 14 trong tổng số 137 quốc gia trong danh sách phân tích đến thời điểm hiện tại. Theo Global Fire Power, sức mạnh của Iran không chỉ từ lực lượng chiến hạm, xe tăng, cơ sở hạ tầng mà cả từ dầu lửa.

Nhân lực của Iran là không thể đọ với Mỹ. Sức mạnh chiến cơ và số lượng xe tăng cũng vậy. Nhưng trong một số lĩnh vực nhất định như các tài sản hải quân, Iran được đánh giá là ngang ngửa Mỹ, dù Lầu Năm Góc nắm trong tay công nghệ tân tiến hơn.

Tài sản Hải quân của Iran gồm khoảng 398 tàu, ít hơn so với Mỹ vốn có khoảng 415 tàu quân sự. Trong danh sách Iran sở hữu 6 tàu khu trục, 34 tàu ngầm, 3 tàu hộ tống, 88 tàu tuần tra và 3 tàu tác chiến thủy lôi. Phía Mỹ có 24 hàng không mẫu hạm, 22 tàu khu trục nhỏ, 68 tàu khu trục, 15 tàu hộ tống nhỏ, 68 tàu ngầm, 13 tàu tuần tra và 11 tàu tác chiến thủy lôi.

Nhưng sức mạnh của Iran không chỉ dựa vào vũ khí mà còn dựa vào dầu lửa, được GFP gọi là "huyết mạch chiến tranh".

Các chuyên gia chiến tranh xác định Iran đạt sản lượng 4.469.000 thùng dầu mỗi ngày trong khi Washington đạt 9.352.000 thùng. Iran tiêu thụ 1.870.000 thùng/ngày so với Mỹ 19.000.000 thùng, và chứng tỏ trữ lượng lên tới 158.400 triệu thùng, còn Washington chỉ có 36.520 triệu thùng.

Sự thù địch giữa Iran và Mỹ tăng cao từ năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA). Vụ tấn công nhằm vào máy bay không người lái - vốn đã suýt khiến ông Trump quyết định trả đũa - được tin chỉ là một trong một chuỗi động thái của Tehran, đi từ đe dọa đến hành động. 

{keywords}
Xác máy bay do thám không người lái Mỹ bị Iran bắn hạ. (Ảnh: Express)

Suzanne Maloney, Phó giám đốc Chính sách đối ngoại tại tổ chức tư vấn Viện Brookings, bình luận với Sky News: "Không thực sự giải quyết được áp lực kinh tế, Iran có mọi động lực để tăng uy thế. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta có thể sẽ chứng kiến thêm các cuộc tấn công nữa".

"Các cuộc tấn công đó sẽ được tính toán, được cân đong đo đếm và trù tính để tránh lằn ranh đỏ mà Tổng thống đã vạch ra về thương vong của người Mỹ. Nhưng nó sẽ tiếp tục tác động tương đối nghiêm trọng đến bầu không khí của khu vực và cả nền kinh tế khu vực".

Thanh Hảo