Tạp chí Phố Wall mới đây đưa tin Tổng thống Trump đã quyết định cắt giảm gần 1/3 sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đức, từ 34.500 binh sĩ hiện tại xuống còn 25.000 lính và việc cắt giảm sẽ được hoàn tất vào tháng 9.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In. (Ảnh: National Interest)

Thông tin này ngay lập tức gây ra một số phản ứng gay gắt, nhất là ở Đức. Điều phối viên quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Thủ tướng Đức Angela Merkel mô tả điều đó "hoàn toàn không chấp nhận được".

Chưa rõ sự thật thế nào, nhưng những gì xảy ra ở Berlin có lẽ không phải là vấn đề đối với Hàn Quốc. Tuy vậy, nhà bình luận Daniel R. DePetris viết trên tạp chí National Interest rằng, các quan chức chính quyền Moon Jae In không nên phớt lờ diễn biến này. Ông chỉ ra, Chính phủ Hàn Quốc luôn quan tâm đến những gì Tổng thống Trump có thể làm hoặc không làm. Và câu hỏi nhiều người đặt ra là liệu một sự thay đổi ở Đức có lặp lại ở Hàn Quốc, nước đang có khoảng 28.500 lính Mỹ đồn trú tại một căn cứ thường trực, hay không?

Cùng với Nhật Bản và Australia, Hàn Quốc hiện là đồng minh hiệp ước thân cận nhất mà Mỹ có ở châu Á - một đối tác có quân đội và học thuyết riêng đã gắn bó chặt chẽ với quân đội Mỹ qua nhiều thập niên. Không giống như Đức, thành viên NATO không góp đủ mức 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng và có một lực lượng không quân không được chuẩn bị cho chiến dấu, Seoul đã đổ tiền của vào mua sắm quân sự trong nhiều năm. Hàn Quốc đã đặt mua 60 chiếc F-35 từ năm 2014, với lần mua gần nhất vừa diễn ra năm 2019.

Chính phủ của Tổng thống Moon còn có kế hoạch chi thêm 239 tỷ USD vào hiện đại hóa quân sự trong 5 năm tới, bao trùm mọi thứ từ mua thêm tàu khu tục và các hệ thống diệt tên lửa đến các loại tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm và vệ tinh do thám.

Nhưng ông Trump vốn là một nhà lãnh đạo khó đoán nên giới chức Hàn Quốc không dễ "đọc" được ý định của ông. Chính quyền Tổng thống Moon biết rõ chủ nhân hiện nay của Nhà Trắng rất quyết tâm thực hiện chủ trương chia sẻ chi phí và ông đòi Seoul phải đóng góp lớn hơn cho việc duy trì sự hiện diện của binh lính Mỹ.

Lần cuối cùng một tổng thống Mỹ tìm cách giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc là vào năm 1977 dưới thời Jimmy Carter. Tổng thống Mỹ mới nhậm chức khi đó có những ý tưởng lớn về việc rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên theo từng giai đoạn trong nhiệm kỳ của ông nhằm giúp Seoul có thêm thời gian để chuẩn bị. Sáng kiến của ông Carter bị phản đối dữ dội và gây tranh cãi quyết liệt dưới sức nặng của bộ máy chính sách đối ngoại Mỹ.

Nếu Tổng thống Trump cũng định hành động tương tự, ông sẽ gặp phải rào cản tương tự tại Quốc hội, đặc biệt là ở Lầu Năm Góc.

Nhiều quan chức thậm chí cho rằng làm như vậy sẽ khai tử liên minh Mỹ - Hàn 70 năm tuổi. Và để ngăn chặn, Quốc hội viện đến một luật trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2020 để ngăn việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc xuống dưới con số 28.500 quân hiện tại, trừ khi ông Trump viện đến các lý do an ninh quốc gia để biện hộ trước các nhà lập pháp.

Thanh Hảo