"Thành phố trông như khung cảnh trong một phim thảm họa", bác sĩ Lee Jun-Yeup, giám đốc truyền thông của Hiệp hội Y khoa Daegu mô tả. "Đường phố vắng tanh, các nhà hàng và cửa hiệu đóng cửa. Mọi người tích trữ mì ăn liền vì họ không muốn phải ra ngoài".

{keywords}
Nhân viên y tế đưa một bệnh nhân Covid-19 từ xe cứu thương vào bệnh viện ở Seoul. 

Daegu đến nay vẫn là một ổ dịch Covid-19 ở Hàn Quốc, chiếm tới 75% trong tổng số hơn 7.700 ca trên toàn nước này. Hàn Quốc hiện là một trong những nước có số ca lây nhiễm nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc.

Dù hệ thống y tế ở Daegu rất tốt trong chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, các bệnh viện của thành phố giờ đã quá tải vì quá nhiều bệnh nhân, do vậy mà cần phải có sự thay đổi trong chiến thuật đẩy lui dịch bệnh.

Hai ngày qua chứng kiến mức tăng hàng ngày ít nhất về các ca nhiễm mới ở Hàn Quốc kể từ 26/2. Tuy nhiên, Tổng thống Moon Jae In cho rằng còn quá sớm để lạc quan.

Daegu ghi nhận bệnh nhân Covid-19 đầu tiên vào ngày 18/2. Đó là một phụ nữ 61 tuổi, và là ca nhiễm thứ 31 của Hàn Quốc. Các nhà điều tra dịch tễ học tin rằng bà này đã tiếp xúc với hơn 1.000 người, hầu hết là thành viên cùng một giáo phái có tên Tân Thiên Địa.

Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trên toàn thành phố một phần là do cách thức các bệnh nhân lây nhiễm hoặc "lan tỏa" virus. "Với virus này, triệu chứng ở giai đoạn đầu rất nhẹ, kể cả mức độ lan tỏa virus rất cao", Tiến sĩ Choi Sung Ho thuộc trường Y Đại học Chung-Ang ở Soul nói. "Các bệnh nhân có thể không nhận ra họ bị nhiễm bệnh, nên vẫn cứ sinh hoạt cuộc sống hàng ngày bình thường".

Trong những ngày đầu phát dịch, một số người bắt đầu vào bệnh viện. "Chính sách của thành phố lúc đầu là đưa tất cả các bệnh nhân vào một phòng áp lực âm, tùy theo mức độ nghiêm trọng của triệu chứng", bác sĩ Lee cho biết. Các phòng áp lực âm cách ly người bệnh bằng cách không cho không khí nhiễm ra khỏi phòng.

Nhưng dòng người vào bệnh viện ngày một đông, và đến 23/2, khi mức tăng các ca nhiễm mới ở Daegu vượt quá 100 người/ngày thì các bệnh viện của thành phố trở nên quá tải. Và đến nay thì hơn 1.800 người nhiễm virus đang ở nhà chờ giường trống trong bệnh viện. Hai trong số họ đã chết trong khi chờ đợi.

"Chúng ta đang chứng kiến sự lây nhiễm ở khắp các địa phương trên toàn quốc", Tiến sĩ Kim Dong Hyun - giáo sư trường Y Đại học Hallym ở thành phố Chuncheon - phản ánh. Điều này phản ánh giai đoạn mới của dịch, theo ông, và các nhà chức trách phải điều chỉnh phản ứng.

Lúc đầu, họ tập trung truy dấu những người nghi nhiễm và cách ly họ. Nhưng ông Kim cho rằng "vào lúc này, truy dấu cách thức lây lan là vô nghĩa" bởi phải cần đến quá nhiều nguồn lực. Thành phố không có đủ các nhân viên điều tra dịch tễ, và virus lan rộng đến mức các điều tra viên không còn xác định ai đã lây cho ai ở Daegu.

Kim Hyeonggab, Chủ tịch Hiệp hội Các bác sĩ Y tế công Hàn Quốc, nói ông đang thấy một sự thay đổi trong chiến thuật của các nhà chức trách, từ việc cố kiểm soát và theo dấu virus tới việc cố gắng giảm thiểu tác động và số người chết. Điều này đã được tiến hành trên toàn quốc, và bao gồm một loạt hành động, từ đóng cửa trường học đến hủy bỏ các chương trình K-pop.

"Từ thứ Bảy tuần trước, tôi thấy các nỗ lực của chính phủ chuyển sang việc đảm bảo thêm giường bệnh và xây dựng một hệ thống phân loại bệnh nhân", ưu tiên những người có triệu chứng nặng tại các cơ sở y tế, ông Kim nói. Nhưng theo ông, hành động hiện nay vẫn chưa đủ nhanh.

Hiện nay, mục tiêu là trì hoãn đỉnh điểm lây nhiễm - tức là điểm mà Daegu đạt tới số ca nhiễm Covid-19 cao nhất. Điều này cho phép giới chức trách sắp xếp các nguồn lực và triển khai nhân viên y tế tới Daegu, theo ông Kim.

Mặc dù tiến bộ đã đạt được nhưng việc ngăn chặn sự lây lan của virus ở Hàn Quốc đòi hỏi các biện pháp gắt gao hơn. "Tôi tin cách đảm bảo nhất là hạn chế hoạt động và di chuyển của người dân", Tiến sĩ Shoi Sung Ho nói. 

Thanh Hảo