Nhà vi sinh vật học Dominic Dwyer, một thành viên nhóm chuyên gia quốc tế do WHO cử đến Trung Quốc để tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch, tiết lộ với hãng tin Reuters, tạp chí Wall Street Journal và báo New York Times rằng, ông và các đồng nghiệp đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp dữ liệu nguyên gốc về các ca nhiễm virus corona chủng mới được phát hiện đầu tiên ở đại lục. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia chỉ nhận được một báo cáo tóm tắt.
Nhóm chuyên gia WHO tới chợ Vũ Hán điều tra nguồn gốc Covid-19. Ảnh: Reuters |
Theo BBC, Trung Quốc hiện vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào trước cáo buộc trên. Song, giới chức nước này trước đây từng quả quyết luôn minh bạch với WHO.
Trong một tuyên bố phát đi ngày 13/2, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, chính quyền của tân Tổng thống Biden "quan ngại sâu sắc" về nghi vấn Bắc Kinh che giấu thông tin trước phái đoàn điều tra của WHO như truyền thông đưa tin. Ông Sullivan nói, Washington yêu cầu Bắc Kinh giao nộp mọi dữ liệu về các ca bệnh giai đoạn đầu như các chuyên gia mong muốn.
"Tổng thống Biden đã bác bỏ và đảo ngược quyết định của chính quyền Donald Trump về việc rút khỏi WHO. Song, việc tái gắn kết với WHO cũng có nghĩa là giữ cho tổ chức ở các tiêu chuẩn cao nhất. Ở thời điểm quan trọng này, việc bảo vệ uy tín của WHO là ưu tiên hàng đầu. Tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc nên tham gia vào một quy trình minh bạch và mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp, để thế giới biết được càng nhiều càng tốt và càng sớm càng tốt", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh.
Iran cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 vì biến thể virus
Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki hôm 13/2 lên tiếng cảnh báo về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 do nguy cơ phát tán một biến thể virus tại quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch ở Trung Đông.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh, "các hồi chuông báo động và làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang rung lên" khi ít nhất 9 thành phố và thị trấn ở tây nam Iran được công bố là "vùng đỏ" nguy cơ cao sau khi số ca nhiễm mới tăng mạnh hôm 12/2.
Theo Reuters, các quan chức Iran kêu gọi người dân không tụ tập đông người để tránh "biến đám cưới thành đám tang" vào một trong những tháng hay diễn ra cưới hỏi nhất ở nước này. Quốc gia Hồi giáo đã bắt đầu nỗ lực chủng ngừa diện rộng hôm 9/2, hai tuần sau khi tuyên bố không còn thành phố "đỏ" nào vì dịch bệnh.
Tehran hôm 12/2 đã nhận 100.000 liều vắc-xin ngừa virus corona chủng mới Sputnik V do Nga bào chế trong tổng số 2 triệu liều đặt hàng. Truyền thông địa phương đưa tin, Moscow có thể chấp nhận cho Tehran tăng đơn đặt hàng tới 5 triệu liều và cho phép sản xuất vắc-xin ngay tại Iran. Tehran dự kiến cũng sẽ nhận hơn 4 triệu liều vắc-xin đặt mua của hãng dược Anh AstraZeneca.
Israel phát động chiến dịch tiêm phòng tại nơi làm việc
Trước tình trạng số lượng người đăng ký tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đang chững lại, chính phủ Israel đã phát động chiến dịch chủng ngừa lưu động ngay tại nơi làm việc. Đây là sáng kiến chung do Hiệp hội các nhà sản xuất, Bộ Y tế và Cục cứu hộ thuộc Bộ Quốc phòng Israel phát động và được Cơ quan Dịch vụ y tế khẩn cấp quốc gia (MDA) triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân viên các công ty muốn tiêm phòng.
Kể từ tháng 12 năm ngoái, Israel đã tiêm liều vắc-xin đầu tiên cho khoảng 3,7 triệu người trong tổng số gần 9 triệu dân. Khoảng 2,3 triệu người, tương đương hơn 25% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ cả 2 liều vắc-xin.
Israel hiện ghi nhận gần 722.000 ca dương tính với virus corona chủng mới, trong đó 5.351 trường hợp đã thiệt mạng.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 14/2 (theo giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 109 triệu người với trên 2,4 triệu ca tử vong. Song, hơn 81,1 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.
- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch với gần 28,2 triệu ca bệnh và 495.789 người không qua khỏi. Song, nhà chức trách thông báo cuộc chiến chống Covid-19 của nước này đang có dấu hiệu tiến triển tích cực khi trong 7 ngày qua, Mỹ có số ca nhiễm mới Covid-19 trung bình hàng ngày dưới 100.000 người.
- Mexico thông báo hạ mức cảnh báo về đại dịch tại thủ đô và các khu vực xung quanh sau khi số ca bệnh phải nhập viện điều trị tại Mexico City có chiều hướng giảm.
- Đại học Oxford (Anh) tuyên bố đã triển khai nghiên cứu đánh giá mức độ an toàn cũng như phản ứng miễn dịch ở trẻ em đối với vắc-xin ngừa Covid-19 do họ phối hợp với hãng dược AstraZeneca phát triển. Đây là lần đầu tiên thử nghiệm phản ứng vắc-xin ở trẻ em được tiến hành.
Tuấn Anh
Australia phong tỏa thành phố, nhiều nước đóng biên chống biến thể Covid-19
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới bùng phát cùng với sự xuất hiện của các biến thể virus lây lan nhanh hơn buộc nhiều nước phải khóa chặt biên giới cũng như cho triển khai những biện pháp mạnh tay dập dịch.
Covid-19 làm nhiều người Mỹ chọn chết tại nhà
Trên khắp nước Mỹ, ngày càng có nhiều người mắc bệnh nan y, kể cả Covid-19 và những bệnh khác, chọn chết tại nhà thay vì tại bệnh viện hay viện dưỡng lão, nơi cấm gia đình đến thăm trong thời gian đại dịch.