“Nếu Mỹ không dỡ tất cả thuế quan (đối với sản phẩm Trung Quốc), thì giao dịch nông nghiệp song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm hạt đậu nành, sẽ không bao giờ bình thường trở lại. Nếu Mỹ đánh mất thị trường Trung Quốc, sẽ rất khó khăn để trở lại thị trường này”, Tân Hoa Xã trích dẫn phát biểu của ông Hàn.

Theo ông, hai gói hỗ trợ kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho nông dân Mỹ có thể sẽ không đủ để bù đắp những tổn thất khi nước này đánh mất thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nông dân Trung Quốc vẫn có thể chống chịu được các áp lực thuế quan từ Mỹ.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Tuấn. Ảnh: Baidu

Về vấn đề mua bán đậu nành, mặc dù lượng nhập khẩu của Trung Quốc đối với loại mặt hàng nông sản này của Mỹ đã giảm đáng kể, nhưng Bắc Kinh vẫn có thể tìm cách để đa dạng hóa nguồn cung ứng, bao gồm khuyến khích nông dân Trung Quốc trồng trọt và thu mua đậu nành nhiều hơn từ các nước khác.

Đậu nành là nguồn cung cấp chủ yếu để sản xuất các loại dầu ăn ở Trung Quốc, và cũng là nguồn lương thực quan trọng cho gia súc. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 95 triệu tấn đậu nành, tương đương gần 90% nhu cầu nước này. Bắc Kinh cũng nhập khẩu 32,8 triệu tấn đậu nành từ Mỹ vào năm đó, tương đương với khoảng 1/3 tổng sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên tới năm 2018, lượng nhập khẩu đậu nành vào Trung Quốc đã giảm 7,9% xuống còn khoảng 88 triệu tấn, trong đó đậu nành nhập khẩu từ Mỹ đã giảm 50% xuống mức 16,6 triệu tấn. Đồng thời, lượng đậu nành nhập khẩu từ Brazil tăng 30% lên mức 66 triệu tấn, tương đương 3/4 tổng số lượng đậu nành nhập khẩu của Bắc Kinh.

{keywords}
Đậu nành là một trong những nông sản Trung Quốc nhập nhiều từ Mỹ. Ảnh: Reuters

Ông Han cho biết, các sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc xuất khẩu tới Mỹ sẽ còn giảm nhiều hơn nữa, sau khi Washington tăng mức thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng trước. Nhưng ông cũng nhận định, Bắc Kinh có thể kiểm soát tình hình bằng cách đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu tới Đông Nam Á, Nhật Bản và châu Âu.

Ông Hàn nhận định, tình trạng thực phẩm ở Trung Quốc gần đây tăng giá dường như bị tác động bởi những yếu tố thời vụ và “không hoàn toàn liên quan trực tiếp tới chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”. Cụ thể, trong thời gian vừa qua, giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng vọt vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhưng mọi chuyện sẽ không nằm ngoài tầm khống chế bởi Bắc Kinh đã đưa ra các chính sách mới để khuyến khích nông dân nuôi lợn.

“Nhiều nước sẵn sàng xuất khẩu thịt lợn tới Trung Quốc”, ông nói thêm.

Ngoài ra, ông Hàn cũng khẳng định chính phủ Trung Quốc sẽ đảm bảo các lao động nhập cư đều có việc làm, được đào tạo, có cơ hội phát triển kĩ năng mới và thành lập các doanh nghiệp mới.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã leo thang khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ hồi tháng trước. Washington đã tăng mức thuế quan lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào nước này, đồng thời phía Bắc Kinh trả đũa với mức thuế tương tự lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Washington đe dọa sẽ đánh thuế lên 325 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc vào cuối tháng này.

Tuấn Trần