Một phát ngôn viên của Lầu Năm góc đã thông báo quyết định trên trong một tuyên bố bằng văn bản gửi qua thư điện tử hôm 2/8.

{keywords}
Một hệ thống tên lửa Pershing 1B Mỹ phải loại bỏ theo hiệp ước INF. Ảnh: Wikimedia

Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhằm chấm dứt những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh. INF cấm Washington và Moscow phóng các loại tên tửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500 - 5.500km trên mặt đất.

Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm INF, viện dẫn đây là lí do khiến Washington khai tử hiệp ước này. Theo Lầu Năm góc, Nga đã "sản xuất và bảo lưu khả năng tấn công" vốn bị cấm trong thỏa thuận có từ cách đây hơn 30 năm, do đó đe dọa Mỹ và các đồng minh.

Lời cáo buộc ám chỉ đến mẫu tên lửa SSC-8 (phía Nga gọi là 9M729) của Moscow. Trong khi Washington đánh giá SSC-8 có tầm bắn vượt quá giới hạn trong INF, Moscow quả quyết mẫu tên lửa này vẫn tuân thủ thỏa thuận và là phiên bản nâng cấp của một hệ thống tên lửa cũ hơn.

Báo RT đưa tin, tháng trước, phái bộ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cố gắng đổ lỗi cho Nga về sự đổ vỡ của INF, đồng thời tái khẳng định Moscow có thể cứu được thỏa thuận nếu phá hủy toàn bộ hệ thống tên lửa SSC-8 đang nắm giữ. Tuy nhiên, video tuyên truyền cho chiến dịch tố tội Nga lại cho thấy các tên lửa Iskander-M, thay vì SSC-8.

Phát biểu trước các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng hôm 2/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ mong muốn có một thỏa thuận hạt nhân mới, toàn diện với Nga và Trung Quốc sau INF.

"Chúng tôi đã nới chuyện với Nga về thỏa thuận hạt nhân. Phía Trung Quốc cũng rất vui mừng với ý tưởng đó", ông Trump cho hay.

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Nhà Trắng nhắc tới một kế hoạch giảm trừ vũ khí hạt nhân đầy tham vọng. Ông Trump đề cập tới điều này đầu tiên vào tháng 4 năm nay và nói mục tiêu cuối cùng là "loại bỏ" càng nhiều vũ khí hạt nhân càng tốt.

Tuấn Anh