- Chúng ta tăng xe công cộng nhưng không có biện pháp giảm xe cá nhân nên không giải quyết được vấn đề - Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch viết lại trên Facebook ý tưởng ông từng đóng góp cho TP Hà Nội 17 năm trước.
Xã hội văn minh nào cũng phải dùng thuế để điều tiết các hoạt động xã hội. Vấn đề giao thông cũng vậy.
Singapore có lẽ là nước giải quyết vấn đề giao thông tốt nhất, bằng cách dùng thuế. Mua xe ở Singapore không khó nhưng mua giấy phép lưu hành khó hơn nhiều, có "quota" hàng năm.
Thử tưởng tượng Hà Nội đang có 5 triệu xe máy và 1 triệu ô tô, nếu đánh thuế đối với phương tiện giao thông, chỉ có 1/2 chủ phương tiện thấy đóng thuế giữ xe hơn là không đóng thuế đi xe công cộng, như vậy lượng phương tiện tham gia giao thông giảm đi gần 1/2. Quả là giấc mơ của người Hà Nội. Nói gần 1/2 là vì lượng phương tiện cá nhân giảm nhưng lượng phương tiện công cộng sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu đi lại.
Người đóng thuế được đi thoáng hơn cũng hài lòng mà người không đóng thuế đi xe buýt, xe taxi, xe ôm cũng hài lòng vì 3 lẽ: không phải bỏ tiền mua xe, không phải lo cho xe và đi đâu cũng có người phục vụ.
Doanh nghiệp sẽ có hàng triệu khách hàng. Các hãng xe buýt, taxi, thậm chí xe ôm sẽ mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chỉ cần làm với giá hợp lý là ''thắng". Càng nhiều doanh nghiệp tham gia thì giá dịch vụ càng hợp lý.
Xe công cộng tăng và xe cá nhân giảm là cốt lõi của giải pháp. Chúng ta đang sai là tăng xe công cộng nhưng không có biện pháp giảm xe cá nhân nên không giải quyết được vấn đề.
Xe công cộng tăng và xe cá nhân giảm là cốt lõi của giải pháp giảm ùn tắc. Ảnh: Đoàn Bổng |
KHOAN HÃY MẮNG người viết làm gì có đủ xe công cộng. Giả sử ô tô đóng thuế 5 triệu đồng/xe/tháng, xe máy 1 triệu/xe/tháng, Hà Nội tính sơ sơ có thể có 900 ngàn tỉ đồng/năm để đầu tư vào hệ thống xe công cộng. Một khi có thị trường, chắc chắn sẽ có doanh nghiệp đầu tư vào để tăng số lượng xe công cộng (buýt, taxi, xe ôm...).
KHOAN HÃY MẮNG người viết là ông có tiền ông đóng thuế còn người dân không có tiền. Nghe thấy phải đóng thuế là chúng ta hay phản đối cái đã. Nhưng thử nghĩ xem nếu không giảm lượng phương tiện có cách gì cứu chúng ta khỏi ách tắc?
Hơn nữa, giải pháp không bắt người dân phải đóng thuế mà để người dân lựa chọn. Nếu không thích đóng thuế hoàn toàn có thể chọn phương án đi xe công cộng. Xếp hàng một tí, vất vả một tí. Nước nào cũng vậy thôi. Chúng ta phải cùng nhau giải quyết vấn đề chứ không có giải pháp trên trời rơi xuống.
KHOAN HÃY MẮNG người viết là thế đống xe đang tồn tại trong mỗi gia đình mốc ra à. Giải pháp đánh thuế chỉ áp dụng vào giờ cao điểm. Ngoài giờ cao điểm người dân vẫn vô tư dùng phương tiện hiện có. Như vậy mỗi người dân sẽ tối ưu hoá việc sử dụng phương tiện của mình bằng điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; cả xã hội cùng tối ưu hoá (người ta sẽ sắp xếp từ việc chợ búa cho đến sinh hoạt xã hội, sinh hoạt gia đình cho phù hợp hơn...) và kết quả là chúng ta sẽ có một phương án tối ưu cho giao thông TP.
Trao đổi
Bạn Thu Nga Do Thi đưa quan điểm: Hoàn toàn nhất trí, không ai có thể bảo ai 'Hãy đi xe buýt'. Chỉ khi nào xe buýt rẻ và tiện lợi hơn các phương tiện khác thì người ta sẽ tự tìm đến xe buýt.
"Làm thế nào để xe buýt rẻ hơn? Có một cách là làm cho các phương tiện khác đắt hơn xe buýt. Đó chính là thuế. Quản lý nhà nước là ở chỗ ấy" - bạn Thu Nga đề xuất.
Bạn đọc Khong noi lo rằng việc đánh thuế là chi phí vận tải của Việt Nam tăng càng làm cho hàng hoá của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước. Trả lời thắc mắc này, Đại sứ Thạch nhắc là bạn quên chưa tính là ½ số người dân không phải đóng thuế vì lựa chọn phương tiện công cộng và chi phí hàng hoá do vậy giảm, sẽ không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Còn bạn đọc Tran Minh Duc nêu thực tế: Ở Úc, luật khá là nghiêm cho cả dân và đại diện chính quyền. Parking fee (phí đỗ xe) ở TP như Sydney toàn tính theo giờ nên mọi người hầu như đi phương tiện công cộng lên TP để đi làm, đi chơi, chỉ lúc nào thật cần mới dùng phương tiện cá nhân...
Đồng thuận với giải pháp Đại sứ đưa ra - bạn đọc Hoàng Việt Nguyễn đề xuất: Thuế đánh thật cao thì tự điều tiết nhưng rất quan trọng là tiền đó vào đâu và sử dụng thế nào.
Bạn Lê Quốc Vinh bổ sung thêm một giải pháp không mới và dễ làm, là phạt thật nặng những người lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, leo vỉa hè... Và phạt thật nặng những anh có quyền phạt người khác mà không làm đúng... Làm được như vậy giảm ách tắc là cái chắc.
Đáp lại các trao đổi, Đại sứ Thạch cho rằng: Một khi hàng triệu người tham gia giao thông ("chiến tranh du kích") thì phạt đằng trời. Và lúc đấy họ cũng lại xử lý du kích với nhau và vô hiệu hoá quản lý của nhà nước. Nếu hạn chế số lượng phương tiện, nhà nước sẽ thắng trong quản lý và giải bài toán giao thông.
Bạn đọc Nam Mai đưa một số giải pháp VN có thể áp dụng ngay. Cụ thể, phải giảm số lượng taxi trên đường. Tổ chức xe đưa đón nhân viên tại các cơ quan, công ty... bằng xe buýt do các cơ quan ấy tổ chức, một xe 20 chỗ, giảm được 20 cái xe máy. Tổ chức đưa đón các em học sinh để bố mẹ không phải đưa đón bằng xe máy hoặc ô tô....
Tranh luận với bạn đọc Nam Mai, Đại sứ đặt vấn đề: Đâu phải có xe đưa đón thì giảm được xe máy. Đơn giản là người dân sẽ có cả hai. Không có đất nước nào đi hạn chế taxi. Taxi là công cộng, một chiếc xe nếu một ngày đi được 10 cuốc tức là bằng 10 cái xe.
Mời bạn đọc gửi đề xuất các giải pháp chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Các bài viết, ý kiến chúng tôi sẽ chuyển tới Ban tổ chức cuộc thi và đăng tải trên báo VietNamNet. Địa chỉ email của chúng tôi: banxahoi@vietnamnet.vn. |
Nguyễn Hồng Thạch
Kế chống ùn tắc của kỹ sư từng làm quy hoạch giao thông HN
Kỹ sư cầu đường Phạm Xuân Hà gửi tới VietNamNet bản đề án hiến kế giải quyết ùn tắc giao thông TP Hà Nội dài 7 trang.
Được thưởng 200.000 USD chống ùn tắc, tôi làm công ích cho sông Tô Lịch
GS-VS Lương Ngọc Huỳnh cho rằng, để giải quyết vấn đề tắc đường ở Hà Nội, cần chia làm 3 giai đoạn và bắt tay làm ngay.
Thưởng 200.000 USD chống ùn tắc: Đi xe buýt không phải là nghèo hèn
Tôi là người đã đi xe buýt đi làm được 2 năm nay sau nhiều năm lái ô tô cá nhân.