“Chính phủ mong muốn người dân cùng thấu hiểu, chia sẻ và tham gia. Cả nước cùng hướng về tuyến đầu. Mọi người dân thể hiện lòng biết ơn với đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch bằng cách thực hiện thật nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch”.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên các thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch tại Long An, ngày 10/7. Ảnh VGP

Thông điệp này lần nữa được Chính phủ truyền đi khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị số 16 thêm 16 tỉnh thành phố miền Nam.

Tất cả vì sức khỏe của nhân dân

Mỗi khi đưa ra quyết định khó khăn, tác động đến đời sống của người dân để phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ luôn mong nhận được sự chung sức, đồng lòng của người dân cả nước.

Cách đây hơn 10 ngày, khi tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và một số tỉnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng truyền đi thông điệp: “Chính phủ kêu gọi sự cảm thông và ủng hộ của Nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước”.

Hơn 1 năm qua, toàn thể nhân dân đã chung sức, đồng lòng cùng hệ thống chính trị chống dịch Covid-19. Nhờ vậy, Việt Nam đã ngăn chặn được dịch bệnh trong 3 đợt dịch trước.

Nhưng với sự lây lan nhanh của chủng virus Delta, đợt dịch thứ 4 bùng phát ở nhiều tỉnh thành. Bắc Ninh, Bắc Giang đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng TP.HCM và các tỉnh phía Nam dịch đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày.

Chính vì thế người đứng đầu Chính phủ đã 2 lần phải đưa ra quyết định vô cùng khó khăn để một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

{keywords}
Thủ tướng kiểm tra thị sát các trang thiết bị tối thiểu tại bệnh viện dã chiến, khu tái định cư phường An Khánh, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nhật Bắc

Lần thứ nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM từ 0h ngày 9/7. “Quyết định này đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trao đi đổi lại nhiều lần, tất cả vì sức khỏe của nhân dân và vì sự phát triển của TP.HCM”, Thủ tướng nhấn mạnh khi kết luận cuộc họp trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Những ngày qua, dịch đã “đóng băng” hầu hết hoạt động của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều tỉnh thành phía Nam cũng đang gồng mình chống dịch nhưng tình hình dịch bệnh vẫn lan rộng ở nhiều tỉnh thành phía Nam.

Vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, lần thứ 2, Thủ tướng đưa ra quyết định rất khó khăn, đồng ý thực hiện giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 19/7.

Cùng với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện trước đó, từ 0h 19/7, các tỉnh thành: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang cũng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

“Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng nhắn nhủ.

Chính phủ luôn hỗ trợ tối đa 

Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra thông điệp: “Tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải có bước đi mới, giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp”.

Phó Thủ tướng nêu ba ưu tiên khi giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Thứ nhất, chúng ta phải ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, không bị quá tải, bởi hệ thống y tế không chỉ để chữa người mắc Covid-19 mà còn điều trị cho các bệnh nhân khác.

Thứ ba, chúng ta chưa có đủ vắc xin phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng cho nên phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu không kiểm soát tốt, dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước. Ảnh: VGP

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải đi đến quyết định khó khăn nhưng rất cần lúc này. Đó là yêu cầu 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chúng ta áp dụng giãn cách xã hội cho cả khu vực này, trước hết để nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng ra cả khu vực và từ đó ra cả nước”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Để hỗ trợ kịp thời TP.HCM và một số tỉnh, TP phía Nam triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, sau mỗi quyết định khó khăn, Thủ tướng luôn yêu cầu sự vào cuộc của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành.

Những cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ, những phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống dịch Covid-19, lúc thì với riêng TP.HCM, lúc thì với các tỉnh thành phía Nam, lúc thì với các địa phương đã diễn ra liên tục những ngày gần đây.

Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, người đứng đầu Chính phủ đã không ngại ngần đi thẳng vào tâm dịch để “chỉ huy”. Từ Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM đến Tây Ninh, Bình Dương, Long An… Thủ tướng đều có mặt trực tiếp kiểm tra tình hình, từ đó đưa ra những chỉ đạo, điều hành chống dịch hiệu quả hơn.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chia sẻ, lắng nghe và hỗ trợ tối đa TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong công tác phòng, chống dịch”, Thủ tướng cam kết.

Trung ương "xắn tay" cùng địa phương

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành đã "xắn tay" tiếp sức cho TP.HCM và các tỉnh miền Nam chống dịch.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã thành lập bộ chỉ huy tiền phương do Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ huy để hỗ trợ các tỉnh phía Nam, dùng tối đa công nghệ trong tất cả các khâu phòng chống dịch.

Bộ huy động tất cả các doanh nghiệp công nghệ số cùng nhau hiệp lực xung quanh Trung tâm quốc gia về công nghệ phòng chống Covid.

Các Sở TT&TT phải tích cực, chủ động, đóng vai trò nòng cốt về sử dụng công nghệ trong phòng chống Covid. Các công nghệ được phát triển theo hướng nền tảng số dùng chung toàn quốc, dữ liệu tập trung và kết nối; phục vụ cho tất cả các khâu phòng chống dịch, từ nhập cảnh, tới xét nghiệm, truy vết, cách ly và tiêm vắc xin, cũng như cấp chứng nhận tiêm và hộ chiếu vắc xin.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm điểm cách ly tập trung và cơ sở sản xuất tại vùng tâm dịch TP.HCM vào ngày 26/6. Ảnh: Nhật Bắc

Đây có thể là trung tâm quốc gia về công nghệ phòng chống dịch đầu tiên trên thế giới. Trung tâm quốc gia này sẽ được sử dụng lâu dài để phòng chống các loại dịch bệnh khác trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, khi dịch xảy ra, Bộ chịu trách nhiệm chính về con người, nhân lực cho truy vết, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị và các công tác khác. Đồng thời, Bộ chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men và các sinh phẩm qua đấu thầu, mua sắm tập trung và huy động mọi nguồn lực, kể cả xã hội hóa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cam kết, Chính phủ và các bộ ngành luôn cố gắng hết sức bảo đảm đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân. Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương.

“Bộ Công Thương làm hết sức mình để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhất có thể nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu người dân đổ xô tới những nơi đông người cũng là một nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Người dân không nên nóng ruột, tích trữ mua nhiều hàng hóa mà cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, địa phương”, Thứ trưởng Công thương nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn thông tin, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp điều hành, tổ chức lại việc phân luồng, phân tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR thống nhất với các địa phương để bảo đảm các xe vận tải hàng hóa được lưu thông trong khu vực có dịch và không có dịch.

Tổ chức giao thông giữa 19 tỉnh, thành phố với các địa phương khác bảo đảm thông suốt. Bộ cũng cử cán bộ phối hợp với ngành y tế để xét nghiệm nhanh các lái xe ngay tại chốt kiểm soát tại các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Từ ngày 19/7, Bộ giao Tổng cục Đường bộ tổ chức cấp mã QR để giúp các doanh nghiệp và lái xe được cấp nhanh, lưu thông nhanh hơn.

Thu Hằng

Tại nhiều bệnh viện đang thiếu trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ trong khi ca nhiễm mới càng tăng lên. Nhiều địa phương giãn cách khiến người nghèo, người bệnh lâm cảnh khó khăn. Để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và các hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, các cá nhân tổ chức có thể tham gia chương trình tiếp sức phòng chống dịch Covid-19, xem chi tiết TẠI ĐÂY

 

 

Thủ tướng yêu cầu thành lập 'Tổ công tác đặc biệt' chống dịch Covid-19

Thủ tướng yêu cầu thành lập 'Tổ công tác đặc biệt' chống dịch Covid-19

Ngày 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký văn bản về việc thành lập “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch Covid-19.