Cuộc khảo sát được thực hiện tại Bắc Ninh, Hải Phòng hôm qua và dự kiến trong tháng sau sẽ thực hiện tại Hà Nội, Bình Dương.

Sau đợt khảo sát này, Chính phủ sẽ hoàn thiện đề án về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030” trình Bộ Chính trị.

3 cao, 2 ít

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết tỉnh đã thu hút khoảng 1.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 17,2 tỷ USD, đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, đầu tư vào 14 ngành, lĩnh vực, đứng thứ 6 cả nước về quy mô vốn đầu tư.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại Bắc Ninh

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, chiếm 92,8% tổng vốn đầu tư trên địa bàn và Hàn Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu vè số dự án và tổng vốn đầu tư, chiếm 57% tổng vốn FDI toàn tỉnh.

Riêng năm 2018, Bắc Ninh thu hút được 175 dự án, tổng vốn đầu tư là 1,1 tỷ USD...

Tuy nhiên đi kèm đó là tình trạng quá tải, nhất là hạ tầng nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.

Chủ tịch Bắc Ninh cũng nêu một số bất cập như thời gian ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư đều là khoảng thời gian tuyệt đối tính từ khi dự án đi vào hoạt động (đối với ưu đãi thuế suất) và từ khi có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư (đối với ưu đãi miễn giảm). Thời gian ưu đãi thuế không có bất kỳ sự ràng buộc nào về thời gian thực hiện dự án.

"Quy định này dễ dẫn đến nhà đầu tư lợi dụng chính sách ưu đãi để hưởng lợi, sau khi hết thời gian ưu đãi họ thực hiện đầu tư mới dự án tại địa phương khác với cùng mục tiêu thực hiện nhằm tiếp tục hưởng ưu đãi", ông Nguyễn Tử Quỳnh phân tích.

Bắc Ninh sẽ chuyển hướng thu hút đầu tư FDI theo tiêu chí: "3 cao, 2 ít". Đó là công nghệ cao, môi trường cao, ngân sách cao và ít đất, ít lao động.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng: “Chừng nào còn quy định nhiều loại ưu đãi, nhiều chế độ chính sách thì càng khó thực thi trên thực tế, do vậy cần cân nhắc ưu đãi thế nào. Dựa vào ưu đãi để thu hút đầu tư thì không bền vững được, cần nghĩ đến những vấn đề dài hơi”. 

Ngoài ra, mối liên kết giữa DN FDI và khu vực kinh tế tư nhân trong nước còn hạn chế; tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, doanh nghiệp FDI có xu hướng nhập khẩu cao. Một số DN FDI có biểu hiện kê khai lỗ nhiều năm, chuyển giá. Cục Thuế Bắc Ninh đã rà soát trong 5 năm trở lại đây, xử lý 17 DN vi phạm, truy thu hơn 26,3 tỷ đồng thuế thu nhập DN.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần có hệ thống chính sách khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ, kiện toàn hệ thống thông tin phân tích thống kê đánh giá tỷ lệ nội địa hóa, tiêu chí đánh giá về hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng của các DN, tác động lan tỏa với các lĩnh vực khác.

“Các chính sách phải rõ ràng, tường minh, phân tích rõ các chỉ tiêu đánh giá đóng góp vào GRDP, ngân sách. Hiệu quả của doanh nghiệp không chỉ ở việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đóng góp tốt hơn cho ngân sách nhà nước và mang lại giá trị cho người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tránh lệch pha giữa FDI và DN trong nước

Hải Phòng đã thu hút 18 tỷ USD đầu tư nước ngoài, đóng góp tới 35% tổng đầu tư toàn xã hội, hơn 50% thu ngân sách của thành phố trong khối doanh nghiệp.

Trong khi đó, tính bình quân cả nước FDI đóng góp 13,6% thu ngân sách, 20% GDP nhưng chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu hàng hoá của cả nước. Hải Phòng nổi lên như một điển hình về thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại Hải Phòng

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý về việc có ý kiến cho rằng chính sách ưu đãi quá mức với đầu tư FDI, còn ưu đãi với DN trong nước chưa tương xứng. Chính vì vậy dẫn đến sự lệch pha trong phát triển giữa FDI và DN trong nước, không kết nối được với nhau.

"Bây giờ xử lý việc này như thế nào trên tinh thần cả 2 khối cùng mạnh lên chứ không phải kéo khối này xuống để nâng khối kia lên”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra cho Hải Phòng đánh giá rõ hơn về thực trạng FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình, sử dụng nhiều diện tích đất, chuyển giao công nghệ “hạn chế” với DN Việt Nam. Ngoài ra là chính sách thu hút FDI trong thời gian tới như thế nào và cơ chế để FDI kết nối, chuyển giao công nghệ và quản trị đối với DN trong nước.

Bộ Chính trị sẽ ra nghị quyết thu hút FDI có chọn lọc

Bộ Chính trị sẽ ra nghị quyết thu hút FDI có chọn lọc

Bộ Chính trị sẽ thông qua nghị quyết chuyên đề nhằm thu hút FDI có chọn lọc, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập của FDI mang lại.

Hằng Nguyễn