Sau lễ khai mạc hội nghị AMM-53 hôm nay (9/9) các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhóm họp để thảo luận về hợp tác nội khối, quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Trong bối cảnh bất ổn gia tăng của tình hình hình thế giới: dịch bệnh, nguy cơ suy thoái kinh tế, cạnh tranh gia tăng giữa các nước lớn… ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ duy trì khu vực Đông Nam Á hoà bình, ổn định, an ninh và trung lập, luật pháp quốc tế được đề cao.

{keywords}
Các Bộ trưởng đánh giá, ASEAN tiếp tục chủ động tăng cường hợp tác, duy trì đà xây dựng cộng đồng cũng như ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh Covid-19.

Hội nghị nhất trí tiếp tục nỗ lực triển khai các sáng kiến, ưu tiên cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, thúc đẩy hợp tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và chuẩn bị kế hoạch phục hồi toàn diện sau đại dịch.

Các Bộ trưởng thông qua Kế hoạch công tác 5 năm (2021-2025) của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) và Chương trình ưu tiên của AICHR năm 2021.

Về quan hệ đối ngoại, các Bộ trưởng nhất trí khuyến nghị tăng tần suất họp Cấp cao ASEAN-Australia từ 2 năm/lần thành thường niên, trao quy chế đối tác phát triển cho Italy và Pháp, đồng thời tiếp tục xem xét các đề xuất xin trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN.

Các Bộ trưởng cũng thông qua các biện pháp cải tiến quy trình, phương thức làm việc của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

{keywords}
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, trước những diễn biến phức tạp thời gian qua, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần kiên trì lập trường nguyên tắc, trong đó kêu gọi các bên tiếp tục kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời cần tiếp tục đề cao hơn nữa luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển.

Hội nghị cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển.

Ngoài ra, ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar giải quyết tình hình nhân đạo tại bang Rakhine, trong đó tập trung triển khai các dự án hỗ trợ công tác hồi hương; tái khẳng định lập trường ủng hộ Bán đảo Triều Tiên hoà bình, ổn định, không có vũ khí hạt nhân, kêu gọi các bên nối lại đối thoại.

Hội nghị nhất trí ASEAN cần tiếp tục nỗ lực hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh và an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, dịch bệnh…

Các nước ASEAN hoan nghênh Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ động đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến, duy trì và thúc đẩy phối hợp cả trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh cũng như xây dựng Cộng đồng, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN nỗ lực hơn nữa, hợp tác vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì xây dựng cộng đồng, triển khai đầy đủ các ưu tiên, sáng kiến.

{keywords}
 

ASEAN cần đánh giá tổng thể quan hệ đối ngoại, trên cơ sở đó xây dựng, điều chỉnh các tiêu chí để xem xét việc kết nạp đối tác đối thoại mới.

Trước những biến động, bất ổn trong cục diện thế giới và khu vực, trong đó có căng thẳng, cạnh tranh giữa các nước lớn, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN tăng cường đoàn kết, phối hợp trong quan điểm và hành động, ứng xử trên cơ sở các nguyên tắc đã nhất trí, trong đó có các nguyên tắc nêu trong Tuyên bố ngày 8/8/2020 về Tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Phó Thủ tướng chia sẻ thẳng thắn quan ngại về những diễn biến phức tạp, vụ việc nghiêm trọng xảy ra thời gian trên Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982), vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh trên Biển Đông.

Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và lập trường nguyên tắc, trong đó cần tiếp tục đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, khuôn khổ điều chỉnh mọi hoạt động trên tất cả các vùng biển và đại dương.

Hôm nay cũng đã diễn ra Hội nghị UB Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) theo hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. Hội nghị đã kiểm điểm việc tuân thủ và thực thi Hiệp ước SEANWFZ, cũng như bàn cách thức thúc đẩy hơn nữa nội dung này trong thời gian tới.

Kiểm điểm kết quả triển khai Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANWFZ giai đoạn 2018-2022, hội nghị ghi nhận nhiều hoạt động đã được triển khai bởi các cơ quan chuyên ngành, cũng như ở cấp quốc gia trong các lĩnh vực như bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, nâng cao năng lực ứng phó với sự cố/thảm hoạ phóng xạ…

Nhắc lại cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác, các nước ASEAN, thành viên Hiệp ước sẽ tiếp tục trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc để các nước có vũ khí hạt nhân sớm ký kết Nghị định thư của Hiệp ước.

Hội nghị cũng nhất trí về nhiều biện pháp nhằm đề cao vai trò, đóng góp của SEANWFZ đối với các nỗ lực toàn cầu trong không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác, trong đó có việc tăng cường quảng bá về SEANWFZ tại các hội nghị, diễn đàn của Liên hợp quốc.

Thành Nam - Phạm Hải

ASEAN kiên định giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế

ASEAN kiên định giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế

ASEAN kiên định với lập trường kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế trước thách thức đe dọa ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.