- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhận định: Đã đến lúc cần có biện pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Đồng Tháp cùng nêu giải pháp.
“Đây cũng là đề tài rất khó, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều cán bộ nhưng không thể không làm, đã đến lúc cần có biện pháp ngăn chặn”, Tổng kiểm toán nhấn mạnh.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc |
Thừa gần 58.000 công chức, viên chức
Theo ông, kiểm soát quyền lực cần được thực hiện theo nguyên lý “ở đâu có quyền lực thì ở đó cần có chế tài để kiểm soát”. Việc này tránh độc quyền, tránh lạm quyền và lộng quyền cũng như vụ lợi cá nhân, ngăn ngừa sự tha hoá của người có quyền. “Cần theo phương châm 'quyền lực ở đâu thì trách nhiệm ở đó'”, ông Phớc lưu ý.
“Suy cho cùng, chạy chức, chạy quyền chính là tham nhũng. Để giảm tham nhũng, phải làm cho không dám tham nhũng vì sợ bị trừng trị; không thể tham nhũng vì quy định của pháp luật chặt chẽ, không có chỗ hở, không có chỗ rò để lợi dụng, và không cần tham nhũng vì thu nhập đầy đủ, danh dự lớn lao không thể đánh đổi”, Tổng Kiểm toán phân tích.
Ông cho rằng cần hoàn thiện thể chế chặt chẽ, hợp lý, quan tâm đến chế độ đãi ngộ. Phải làm sao giảm được bộ máy và nâng được chế độ của cán bộ công chức lên.
“Kết quả kiểm toán chưa đầy đủ năm 2017 ở 47 tỉnh và một số bộ ngành đã phát hiện thừa gần 58.000 công chức, viên chức nên giảm biên chế là hết sức đúng đắn”, ông dẫn chứng.
Ngoài ra, quan trọng nhất là phải lựa chọn chính xác người đứng đầu.
“Có 2 sai lầm lớn nhất, một là chọn sai đường, hai là chọn sai người nên vấn đề ở đây, nếu chọn người đứng đầu ở các đơn vị đúng thì ở đó sẽ phát triển vững mạnh”, ông nói.
Loại ngay cán bộ dùng vật chất, tình cảm để mua chuộc
Về phần mình, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định, quy trình về công tác cán bộ, từ quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm.
“Hiện nay chúng ta đang thực hiện quy trình 5 bước trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, nếu thực hiện nghiêm túc thì muốn 'chạy' cũng khó”, ông Tiến nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến |
Ông cũng đưa ra giải pháp cứng bằng mọi biện pháp phát hiện và loại ngay từ đầu các cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, dùng vật chất, tình cảm để mua chuộc, nếu có trong quy hoạch thì đưa ra ngoài quy hoạch, đến kỳ bổ nhiệm thì không tiến hành bổ nhiệm lại.
“Ban thường vụ cấp uỷ, bí thư cấp uỷ liêm chính, đồng thời công tác cán bộ được tổ chức dân chủ công khai, minh bạch thì không có cán bộ chạy chức, chạy quyền được”, ông nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan |
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan thì nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định, thực hiện nghiêm túc, công tâm, khách quan, dân chủ trong tất cả các khâu của công tác cán bộ.
Đồng thời, đề cao việc giải trình của các tập thể, cá nhân có liên quan; tăng cường kiểm tra giám sát của cấp trên đối với cấp dưới; giám sát nội bộ, qua lại giữa các cơ quan tổ chức, giám sát của nhân dân, các cơ quan dân cử.
Cùng với đó, tăng cường đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo, tập thể cấp uỷ, trong đó người đứng đầu phải tự giác, nghiêm túc chấp hành việc nêu gương, chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu.
“Phải đánh giá cán bộ hàng năm, đánh giá từng vị trí việc làm của từng cơ quan đơn vị, đánh giá thực hiện nhiệm vụ được giao, sự đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Phải so sánh công khai, minh bạch giữa các chức danh tương đương, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá cán bộ, phải chỉ rõ những hạn chế và có biện pháp khắc phục”, ông Hoan nhấn mạnh.
Ông nhìn nhận, việc kiểm tra, đánh giá cán bộ thời gian qua chưa tốt. Vì vậy sắp tới cần đặt dưới sự đánh giá, giám sát của nhân dân, sẽ hạn chế tha hoá của cá nhân vì quyền lực của cán bộ đều do nhân dân giao phó.
Nạn chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở của Tổng bí thư
Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở của các cấp uỷ Đảng, nhất là của Tổng bí thư.
Ông Phạm Minh Chính: Ở Trung ương không có 'chạy'
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính khẳng định: Không biết đồng chí dưới thế nào, ở TƯ không có "chạy".
Ai chạy, chạy ai, cần có câu trả lời
Ai chạy và chạy ai? Lâu nay chúng ta vẫn nói công tác cán bộ là vấn đề khó nên Ban Tổ chức TƯ cần có lời giải, Bí thư Quảng Ninh nói.
Tổng bí thư: Nghe chuyện chạy chức xót cả ruột
Dư luận nói chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển ... bao nhiêu tỷ vào chức này chức kia... - Tổng bí thư nói tại hội nghị công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Lầm lẫn tai hại về chạy chức
Anh có nhiều tiền thì mua được nhà đẹp, nhiều người muốn mua một cái nhà đẹp thì cơ bản ai trả giá cao sẽ mua được. Nhưng nếu chức vụ mà đem đấu thầu thì hệ thống hành chính chắc phải đổi là hệ thống hành chính tiền tệ.
Thu Hằng