- Những ngày này, hiếm có một vị tướng quân sự nào thời hiện đại lại được báo chí nước ngoài nhắc nhiều và trang trọng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dòng người đội nắng chờ viếng Đại tướng |
Phóng viên Lindsay Murdoch của tờ Sydney Morning Herald (Úc) trong bài viết tiêu đề "Người hùng chiến tranh Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần", đã mô tả: "Không khí đau buồn tiếc thương phủ khắp báo chí, truyền thông xã hội và các trang Internet Việt Nam về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy kiệt xuất với chiến thuật du kích đã đánh bại cả quân đội Pháp và Mỹ, đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở châu Á".
Theo bài viết, cụm từ "vị anh hùng của nhân dân, ông sẽ luôn là vị tướng vĩ đại nhất của nhân dân" trở nên rất điển hình trên Internet khi người dân Việt Nam tưởng nhớ Đại tướng. Tác giả Murdoch bày tỏ: "Sinh ngày 25/8/1911, ông là một quân nhân tự mày mò học tập, với bài học quân sự duy nhất đến từ cuốn bách khoa toàn thư cũ mô tả cơ chế của lựu đạn".
Một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, giáo sư Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho biết: "Ông là một huyền thoại, là vị anh hùng của Việt Nam". Chiến thắng Điện Biên Phủ - nơi du kích Việt Nam kéo pháo lên đồi cao là một kỳ tích hậu cần, đánh bại lực lượng Pháp ở tập đoàn cứ điểm hùng mạnh, đưa Việt Nam đến độc lập.
Nhật báo Phố Wall (Mỹ) đăng tải bài viết của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain: "Ông đã thắng chúng tôi trong chiến tranh chứ không phải trận đánh". Vị thượng nghị sĩ cho rằng: "Tướng Giáp là bậc thầy về hậu cần. Chiến thắng của ông là thành quả của chiến lược kiên nhẫn, của quyết tâm vững chắc sẽ đánh bại mọi kẻ thù, cho dù lớn mạnh đến đâu. Mỹ chưa từng thất bại trong chiến cuộc với Việt Nam nhưng đã thất bại trong cả cuộc chiến tranh. Đất nước chứ không chỉ quân đội của họ giành chiến thắng. Ông Giáp đã hiểu điều đó, còn chúng tôi không hiểu".
Tờ Independent (Anh) viết: "Các nhân vật chính trị toàn cầu đã tưởng nhớ sau khi ông từ trần. Trong đó, Thượng nghị sĩ John McCain bày tỏ - Tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa - một nhà chiến lược quân sự kiệt xuất, người đã từng nói với tôi rằng, chúng tôi là 'kẻ thù danh dự".
Nhà báo Jonathan Birchall của Thời báo Tài chính Anh dẫn độc giả vào câu chuyện: "Tháng 12/1944, ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, một cựu giáo viên lịch sử tên là Võ Nguyên Giáp đã chủ trì một cuộc duyệt binh nhỏ. Ông mang trang phục sẫm màu, mũ mềm và đeo bên mình khẩu súng lục. Trước đội quân 34 người, với lá cờ đỏ sao vàng, ông đã đọc tuyên bố thành lập lực lượng Việt Minh.
"Đó là sự khởi đầu khiêm tốn của một nhân vật sau này trở thành một trong những vị tướng vĩ đại nhất thế kỷ 20. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị kiến trúc sư trưởng, tạo nên chiến thắng thắng của Việt Nam trước hai cường quốc thế giới Pháp và Mỹ. Chỉ 10 năm sau lễ ra mắt khiêm tốn, đội quân của Tướng Giáp đã giáng một đòn thất bại nặng nề vào lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ, chấm dứt gần một thế kỷ sự thống trị của Pháp ở Đông Dương".
Nhà báo này trích dẫn lời một cựu tướng Anh Peter MacDonald rằng, Tướng Giáp đã kết hợp tầm nhìn của chiến lược chiều sâu và ưu thế chiến tranh du kích cùng sự hiểu biết nổi bật về hậu cần. Sự kết hợp này có thể thấy rõ nét trong việc tạo ra đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, chi viện miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Giống như nhiều hãng truyền thông nổi tiếng khác trên thế giới, bước sang ngày thứ 4 liên tiếp, hãng tin Anh BBC đã liên tục cập nhật hình ảnh, tin tức, bài viết và clip về việc Đại tướng từ trần. Hãng này hôm nay phản ánh: "Hàng vạn người dân Việt Nam đang bày tỏ tình cảm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
BBC trích lời một số học giả nước ngoài nói về Tướng Giáp như: "Shawn McHale - phó giáo sư lịch sử, Đại học George Washington, Mỹ: "Tướng Giáp là một người phi thường. Không ai tranh cãi về chuyện ông là một vị tướng xuất chúng, và ông được kẻ thù kính trọng"; Christopher Goscha - giáo sư Quan hệ Quốc tế, Đại học Québec (QUAM) Canada: "Là tổng tư lệnh, Tướng Giáp chỉ huy thắng lợi trước quân Lê dương Pháp tại Điện Biên Phủ tháng 5/1954. Không một phong trào giải phóng dân tộc nào ở châu Phi, châu Á giành được cuộc cách mạng quân sự nhờ một cuộc chiến lớn như vậy"...
Những ngày này, dù khác biệt văn hóa hay hệ tư tưởng, quan điểm hay cách nhìn nhận thì các nhà bình luận, nhà báo, phóng viên từ những tờ báo lớn từ Âu tới Mỹ, từ Á sang Úc, đều tôn kính và trang trọng gọi ông là "Người anh hùng", "vị tướng huyền thoại", "nhà yêu nước" hay "vị tướng của hòa bình"... trong hàng loạt tin bài về sự ra đi, về con người, nhân cách và tài năng quân sự của ông.
Thái An - Ảnh: Lê Anh Dũng - Phạm Hải